Nghề công tác xã hội (CTXH) có vai trò quan trọng trong giải quyết những khúc mắc liên quan các vấn đề về an sinh xã hội.
Nhân viên Phòng Công tác xã hội thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh giúp trẻ em mồ côi ở trung tâm nâng cao nhận thức
Tuy nhiên, ở tỉnh ta hiện nay dù nhu cầu lớn nhưng nghề này chưa được quan tâm phát triển xứng tầm, nhất là ở cấp cơ sở, nơi thường xuyên phát sinh những đối tượng cần được trợ giúp.
Nhu cầu lớn
Nghề CTXH chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người cao tuổi... nhằm giảm bớt sự bất bình đẳng xã hội và bất bình đẳng kinh tế.
Nhóm đối tượng chính mà nghề CTXH hướng đến ở tỉnh ta hiện còn nhiều. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2019, toàn tỉnh có hơn 482.000 người thuộc đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội. Trong đó, gần 39.700 người có công và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng chế độ hằng tháng, gần 243.000 người cao tuổi, 37.000 người khuyết tật, 12.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hơn 3.500 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, hơn 81.000 đối tượng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh, gần 2.000 người nhiễm HIV... Dự kiến, dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng tác động của biến đổi khí hậu, số lượng những người cần được trợ giúp ở Hải Dương còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Theo ông Trần Văn Nghiên, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, ngoài nhóm đối tượng này vẫn còn rất nhiều người cần đến sự hỗ trợ của những người làm CTXH. Đó có thể là những người gặp vướng mắc trong công việc, cuộc sống, sức khỏe, giáo dục, tâm lý... Tất cả những người này nếu có sự hỗ trợ tích cực từ phía người làm CTXH sẽ giúp họ giải quyết vấn đề bế tắc, hướng đến những điều tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống.
Chưa có mạng lưới tuyến cơ sở
Thực tế nhu cầu là vậy nhưng hiện ở tỉnh ta nghề CTXH còn rất nhiều hạn chế. Đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã thành lập 2 phòng nghiệp vụ CTXH thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần, người có công và xã hội. Hầu hết các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh đều thành lập phòng, tổ chuyên môn về CTXH. Tuy nhiên, hoạt động của những phòng, tổ CTXH dạng này về cơ bản là để phục vụ cho mục đích chuyên môn của cơ quan, đơn vị chủ quản.
Đội ngũ người làm CTXH trong toàn tỉnh chủ yếu là kiêm nhiệm. Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh vào năm 2018, toàn tỉnh có gần 2.500 người làm ở các ngành có liên quan đến CTXH gồm lao động, thương binh và xã hội, tư pháp, MTTQ, chữ thập đỏ, phụ nữ, nông dân, Đoàn Thanh niên. Chỉ có 10,4% trong số đó từng được đào tạo về CTXH. Kể cả những người chưa qua đào tạo công tác chuyên môn thì số lượng người làm CTXH ở tỉnh vẫn còn thiếu, không đáp ứng được nhu cầu.
Theo ông Trần Văn Nghiên, tỉnh ta vẫn chưa có mạng lưới người làm CTXH đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Cán bộ làm CTXH ở cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, không có chuyên môn nên thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề. Nhiều người làm kiêm nhiệm lĩnh vực CTXH nhưng vẫn hiểu lầm đây là hoạt động xin - cho, thiên về hỗ trợ, tặng quà cho những người khó khăn, yếu thế. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc trợ giúp không hoàn hảo, mang tính chất chắp vá, hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững.
Tháng 9.2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 25.3 hằng năm là "Ngày CTXH Việt Nam", để tôn vinh giá trị của nghề CTXH, đồng thời ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm CTXH trong việc góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Điều này càng khẳng định việc phát triển nghề CTXH là nhu cầu thiếu yếu cần được quan tâm đúng mức. Các cơ quan chức năng cần quan tâm đúng mức việc phát triển nghề CTXH ở Hải Dương. Chú trọng xây dựng mạng lưới đội ngũ cán bộ làm CTXH ở cả 3 cấp, liên ngành. Tổ chức đào tạo bài bản, nâng cao năng lực cho người làm CTXH. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân về ý nghĩa và vai trò của nghề CTXH trong đời sống xã hội hiện nay.
NGỌC THANH