Nghe Anh hùng Phạm Tuân kể chuyện hạ gục B52 Mỹ

24/12/2022 10:31

50 năm đã qua mà câu chuyện do Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, phi công đầu tiên bắn hạ B52 kể vừa như mới hôm qua.


Trung tướng Phạm Tuân trò chuyện với một số cán bộ, cựu chiến binh   

Gần đến dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", chúng tôi có dịp được nghe Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, phi công đầu tiên bắn hạ B52 trong chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” nói chuyện về không quân Việt Nam đánh B52 Mỹ trong chiến dịch lịch sử này. 

Lấy ít địch nhiều

Trong chiến dịch này, không quân Mỹ chiếm ưu thế gần như tuyệt đối so với không quân ta, từ lịch sử phát triển, trình độ binh khí kỹ thuật... cho đến lực lượng tham chiến trong mỗi trận. B52 là "Siêu pháo đài bay”, 1 trong 3 loại vũ khí chiến lược của Mỹ lúc bấy giờ (B52, tàu ngầm nguyên tử và tên lửa hạt nhân), là "quả đấm thép” của Mỹ trong chiến tranh hiện đại. Mỗi chiếc B52 mang được hơn 30 tấn bom. Khi xuất kích chiến đấu, B52 được nhiều máy bay khác như F4, F111... bay yểm trợ. B52 có hệ thống làm nhiễu sóng ra đa rất hiện đại, làm cho chúng ta khó phát hiện ra nó để triển khai tấn công. Trong khi đó, lực lượng không quân của ta đánh B52 chỉ có hai trung đoàn với 10 phi công.

Mặc dù vậy, khi B52 đã xâm nhập vùng trời của ta thì bất luận thế nào, không quân ta cũng xuất kích nghênh chiến. Đêm đầu tiên trong chiến dịch Linebacker II, Mỹ đánh phá rất ác liệt các sân bay. 3 MiG21 của không quân ta vẫn vượt mọi cản trở, cất cánh chiến đấu và trở về trong điều kiện đài chỉ huy tác chiến đã bị bom đạn địch phá nát.

"Trước khi đánh Hà Nội, Mỹ thăm dò từ khu 4 ra Hải Phòng, thấy tên lửa phòng không của ta rất khó bắn được B52 bởi trong trận 12 chiếc B52 ném bom Hải Phòng ngày 16.4.1972, ta đã phóng hàng chục tên lửa, song chưa có B52 rơi. Nhưng Mỹ không ngờ rằng, ngay sau hôm đó, chúng ta đã quyết liệt nghiên cứu ra cách đánh thắng B52, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa không quân với lực lượng phòng không" - Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.

Do B52 chỉ đi đánh đêm, nên ban ngày ta bay lên đánh tất cả máy bay chiến thuật các loại của chúng… Không quân ta tiếp cận làm cho đội hình máy bay địch buộc phải tản ra, nhiễu sóng ra đa cũng ít đi, tạo điều kiện tốt để hệ thống tên lửa phòng không phát huy tác dụng. Không quân đánh vòng ngoài phối hợp với tên lửa đánh vòng trong. Nhờ đó đã bảo vệ có hiệu quả mục tiêu dưới mặt đất.

Khi xuất hiện B52, không quân ta bay lên buộc chúng phải cơ động khác với bình thường, rải nhiễu không theo ý muốn. Nhờ đó, tên lửa của ta dễ bề tiêu diệt chúng (ngay đêm 18.12.1972 chúng ta đã bắn rơi 3 B52). Điều đó đồng nghĩa với việc B52 không còn dễ dàng đánh trúng mục tiêu như chúng tưởng. Suốt 12 ngày đêm ấy, B52 chỉ thực hiện được ý đồ hủy diệt với hai nơi là Bệnh viện Bạch Mai và khu Khâm Thiên. 

Tuy nhiên, suốt 8 ngày (từ 18 - 26.12.1972), khi các lực lượng khác đã bắn hạ khá nhiều B52 thì không quân ta vẫn chưa trực tiếp tiêu diệt được chiếc B52 nào. Các phi công ta coi đó là “món nợ đối với Tổ quốc và nhân dân”. Để trả “món nợ” này, không quân đã nghiên cứu, sáng tạo và thực hiện thành công những cách đánh mới mà Mỹ không ngờ tới, trực tiếp hạ gục B52.

Trung tướng Phạm Tuân cho biết, sau nhiều lần thất bại, lực lượng không quân ta nhận thấy, máy bay xuất kích tại các sân bay gần Hà Nội sẽ được bảo vệ tốt, nhưng mỗi lần ta xuất kích, địch đều phát hiện được. Do đó, ta quyết định đưa máy bay ra các sân bay ở xa Hà Nội như tại Yên Bái, Mộc Châu, Thanh Hóa. Đồng thời cũng dùng các trạm ra đa ở bên ngoài để dẫn đường cho MiG21 lên đánh B52. Xuất kích từ các sân bay ấy, phi công chủ động được tốc độ, độ cao để khi phát hiện thấy B52 sẽ tiếp cận chúng nhanh nhất. Kinh nghiệm cũng được các chiến sĩ lực lượng phòng không của chúng ta biết, B52 bay đêm có bật đèn. Nếu ta dùng ra đa nhiễu tiếp cận thì nó liền lập tức phá nhiễu và tắt đèn, “bịt mắt” ta. Cho nên, ta không dùng ra đa nữa, mà quan sát bằng mắt thường. Mỹ đã không ngờ đến điều đặc biệt này.

Thường thì khi máy bay ta ở cách B52 khoảng 3 km là có thể phóng tên lửa tiêu diệt nó. Song, các phi công ta đều dũng cảm, tiếp cận B52 với khoảng cách cho phép gần nhất (chừng 2 km trở xuống). Hai chiếc B52 mà các phi công Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều bắn hạ đều trong cự ly như thế.

Trả món nợ đối với Tổ quốc và nhân dân

Theo lời kể của Anh hùng Phạm Tuân, 22 giờ ngày 27.12.1972, tại sân bay Yên Bái, ông (lúc ấy là thượng úy, Biên đội trưởng thuộc Đại đội 5, Trung đoàn 921, Sư đoàn Không quân 371) tiếp nhận lệnh và sự chỉ dẫn từ đài chỉ huy, điều khiển máy bay MiG21 xuất kích đánh địch. Bay qua tầng mây, ông nhìn thấy rất nhiều máy bay F4 yểm trợ cho B52, nhưng không được đánh lũ này mà phải bay vòng để tránh chúng và tìm bằng được B52.

Khi ở độ cao 8 km, ông kéo máy bay lên 9 km, đưa tốc độ vượt trên 1.000 km/h xâm nhập khu vực có B52 thì nhìn thấy nó với một dãy đèn ở phía trước. Khi ông còn cách B52 chừng 3 km, Sở Chỉ huy lệnh cho ông tiêu diệt nó ngay. Nhưng ông đã xin phép tiếp cận B52 gần hơn nữa, đồng thời tiếp tục căn chỉnh phương tiện. Cán bộ ở sở chỉ huy sợ ông quá ham, dễ dẫn đến đâm vào B52 nên lệnh cho ông bắn thoát ly ngay. Ông vẫn kiên trì đến lúc thấy đã chắc ăn, liền phóng hai quả tên lửa trúng mục tiêu, đồng thời kéo máy bay lên cao, lật ngược lại và thấy B52 nổ tung ở bên dưới…

Đêm hôm sau, 28.12.1972, lúc 21 giờ 58 trên bầu trời Sơn La, thượng úy phi công Vũ Xuân Thiều cùng “Én bạc” (MiG21) từ sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa) vừa tới đã phát hiện B52. Giữa tối đen, ra đa lại bị nhiễu rất nặng, Vũ Xuân Thiều bằng mắt thường phán đoán cự ly theo tín hiệu đèn của B52, tăng mức độ bám sát nó. Nhận lệnh “bắn” từ sở chỉ huy, ông phóng hai quả tên lửa. Rồi như để thật yên tâm, ông tăng tốc chiếc MiG21 đâm thẳng vào “con quái vật” ấy và cùng nó bốc cháy…

PHẠM XƯỞNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghe Anh hùng Phạm Tuân kể chuyện hạ gục B52 Mỹ