Các cuộc chiến tranh vệ quốc đã đi qua nhưng những đau thương mất mát thì không gì bù đắp được.
Hằng năm, cứ đến ngày 27-7, nhân dân cả nước lại nhớ về những người lính đã quên mình vì Tổ quốc.
Tinh thần xả thân vì nước của nhân dân ta vốn có từ thời Vua Hùng dựng nước, trải qua thời Bà Trưng, Bà Triệu, thời Đinh, Lý, Trần, Lê, được phát huy triệt để qua những cuộc đấu tranh bảo vệ bờ cõi trước giặc xâm lược phương Bắc. Những cuộc khởi nghĩa đánh tan hàng chục vạn quân giặc xâm lược ỷ đông hiếp yếu, làm cho chúng hoảng sợ tháo chạy về nước mà vẫn còn “tim đập chân run”.
Đoàn quân của vua Quang Trung bách chiến bách thắng khiến quân xâm lược nhà Thanh “không còn mảnh giáp” che thân. Các nghĩa sĩ Cần Giuộc tuy không giành thắng lợi trước quân đội viễn chinh Pháp nhưng vẫn làm cho “mã tà, ma ní hồn kinh”… Còn sức mạnh của những người lính trong thời đại Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa sức mạnh truyền thống và lý tưởng của thời đại. Họ chính là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới; là một trong những hình tượng đẹp nhất của lịch sử dân tộc.
Trong cuộc chiến đấu vệ quốc này, nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương, có người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Và rồi đã như thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình yêu thương của mình chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, bệnh binh một cách tận tình chu đáo mấy chục năm nay.
Sinh thời, Bác Hồ thường xuyên viết thư thăm hỏi thương binh, gia đình liệt sĩ, nhắc nhở trách nhiệm và động viên, biểu dương các địa phương, đơn vị và cá nhân đã hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình chính sách. Với quan điểm khoa học và đầy tinh thần lạc quan “tàn nhưng không phế”, Bác khuyên anh em thương binh: “khi đã khôi phục sức khỏe phải hăng hái tham gia công tác sản xuất để trở nên người công dân gương mẫu, Bác chúc các gia đình liệt sĩ trở thành những gia đình cách mạng gương mẫu”.
68 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm giải quyết vấn đề liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Tiếp nối truyền thống "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn", ngoài dịp lễ, Tết, hằng năm vào dịp 27-7 các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương lại tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh.
Thực hiện lời dạy của Bác “tàn nhưng không phế”, các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh không ngừng vươn lên đóng góp trí tuệ và sức lực của mình cho công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế của đất nước. Không ít người đã từng là dũng sĩ trong chiến đấu nay lại trở thành những con người tài ba trong sản xuất, kinh doanh.
40 năm qua, đất nước thống nhất đã cho mỗi chúng ta thật nhiều cơ hội trong sự nghiệp, gia đình và tương lai. Vì vậy ta phải luôn biết ơn những bậc cha anh đã ngã xuống cho chúng ta có cuộc sống tốt đẹp như hôm nay.
Hàng triệu con người Việt Nam đã ngã xuống, đã ra đi và không trở về… có những người đã dành cả tuổi xuân cho đất nước. Họ đã nhận về mình phần thiệt thòi mà không một lời kêu ca. Họ là những người cao thượng, đáng khâm phục nhất.
LAN NHI (TP Hải Dương)