Bánh chưng đường là đặc sản của 6 xã khu Hà Đông (Thanh Hà) - một hương vị lạ trong món bánh ăn truyền thống ngày Tết.
Mỗi dịp Tết, gia đình bà Lê Thị Lan ở xã Thanh Cường lại nhận gói thuê bánh chưng đường
Khu Hà Đông từ trước tới nay đều gói bánh chưng đường ăn Tết chứ không gói bánh chưng mặn như mọi nơi. Ngoài 80 tuổi, thầy giáo Lê Đình Quý ở thôn Hạ Trường, xã Thanh Cường kể cho chúng tôi nghe về nguồn gốc của bánh chưng đường. "Tết ăn bánh chưng đường cũng là có nguyên nhân của nó", thầy Quý nói.
Theo thầy Quý, bánh chưng đường ở vùng này có cách đây tầm 200 năm. Từ xa xưa, khi vùng đất Hà Đông toàn bãi bồi, nhân dân trồng rất nhiều mía. Mía có vị ngọt nên cứ Tết đến gói bánh chưng người ta lại cho thêm đường mía vào. Từ đó đến nay, người dân vẫn giữ nguyên hương vị này.
Ngoài vị đường thì bánh chưng ở khu Hà Đông còn nhiều điểm khác biệt so với bánh chưng thông thường. Nếu như bánh chưng thường chỉ có gạo, đỗ, thịt, hạt tiêu thì bánh chưng đường còn có thêm nhân là lạc rang bỏ vỏ tách đôi, vừng, cùi dừa thái hạt lựu. Bánh chưng đường thường có nhiều nhân hơn và phải luộc lâu hơn. Nếu bánh chưng thường chỉ luộc trong vòng 4-5 giờ thì bánh chưng đường phải luộc từ 7-8 giờ và dùng được lâu hơn. Người dân Hà Đông gói bánh chưng đường thắp hương tổ tiên cầu mong một năm mới sung túc, ngọt ngào, may mắn.
Gia đình cụ Lê Thị Đính ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính thường gói bánh chưng đường ăn Tết. Trước đây cụ gói bánh ngon có tiếng trong vùng, nhiều người đến nhờ cụ gói giúp. Sau này già yếu, cụ truyền lại bí quyết cho con gái là bà Lê Thị Lan ở thôn Vĩnh Xá, xã Thanh Cường. Cứ từ 23 tháng chạp đến 30 Tết, nhiều người đến thuê bà Lan gói bánh chưng đường. Người mua chủ yếu ở ngay trong làng vì họ bận đi làm không gói được. Ngoài ra còn có cả những người quê ở Hà Đông đang sinh sống ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng cũng đặt mua. "Nay không còn mía, người dân Hà Đông gói bánh chưng cho đường phèn hoặc đường trắng bán ngoài chợ nhưng nhân thịt, gia vị đầy đủ nên ăn vẫn ngon không kém xưa là mấy. Giá bánh chưng đường cũng tùy loại, có người đặt 20.000 đồng/cái, có người đặt 50.000 đồng/cái", bà Lan cho biết.
Bánh chưng đường không chỉ được gói ăn trong dịp Tết mà còn được người dân ở khu Hà Đông dùng trong cả cỗ cưới, đám giỗ, thường là vào mùa đông. Thầy giáo Lê Đình Quý cho biết: "Bánh chưng đường từ lâu đã trở thành món ăn đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết của người dân nơi đây".
Thưởng thức vị ngọt lịm, man mát của miếng bánh chưng đường, mọi người cảm nhận được hương vị thơm ngon là lạ và hiểu lý do vì sao thứ bánh này lại có sức sống lâu bền đến vậy.
MINH NGUYỆT