Cuộc đời mẹ tôi cơ cực trăm đường, ngôn ngữ có khi không chạm tới. Ngày trẻ nghe nói mẹ đẹp nhất làng.
Nhà ông bà ngoại cũng thuộc diện có của ăn của để, không thiếu thốn như nhiều nhà khác. Mẹ có suất đi nước ngoài nhưng không đi mà ở nhà làm kế toán hợp tác xã. Mẹ lấy chồng nhà nghèo, cơm không có ăn, cháo không có húp. Hằng ngày đi làm đồng về, mẹ xin từng nắm rau lang già mang về nấu canh lõng bõng cho năm, sáu miệng ăn. Có thể mọi người sẽ hoài nghi. Nhưng ai đã từng sống những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước ở vùng nông thôn các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có lẽ sẽ hiểu được thế nào là nạn đói. Không thể sống cùng bà nội hà khắc, bố mẹ tôi ra ở riêng bằng hai bàn tay trắng. Bố mẹ khai hoang mảnh đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” mà xã cắt cho để dựng nhà, trồng cây. Mấy anh em tôi lần lượt ra đời trong căn nhà vách làm bằng bùn trộn rơm, mái lợp bằng lá cọ. Lúc tôi lớn lên tường nhà bắt đầu nứt toác. Mẹ tôi nhét đất, trồng vào vết nứt một cây cối xay nhỏ. Những ngày nắng, tôi nằm trên phản nghiêng mắt nhìn hoa cối xay nở vàng rung rinh theo từng đợt gió. Trong những lúc mỏi mệt, hoặc khi cầm bát cơm độn sắn trên tay tôi thấy mẹ hay liếc nhìn hoa. Ngay cả khi bị bố đánh đến bầm dập người sau một cơn say, mẹ ngồi ở xó nhà tối tăm hướng mắt vào bông hoa vàng rực. Nắng hay lọt qua kẽ hở chiếu vào nhà một vệt sáng. Mẹ lau nước mắt, búi lại tóc, vịn tay vào hai đầu gối thâm tím để đứng bật dậy. Mẹ đi ra sân với đàn gà theo sau, con mèo quẩn chân. Mẹ lại bận bịu với công việc thường ngày. Hoa ngày mai vẫn nở…
Cho đến tận bây giờ mẹ tôi vẫn nặng gánh chồng con. Không có gì làm trái tim người mẹ đớn đau bằng nhìn đứa con của mình đi lầm đường lạc lối mà không cách nào ngăn lại. Nhiều đêm mẹ không ngủ được khi nghĩ đến những mối hiểm nguy đang rình rập con trai mình đâu đó. Quãng thời gian mười mấy năm mẹ sống trong nỗi hoảng sợ, bất an thì hoa trước sân vẫn nở. Những gốc hoa do tự tay mẹ mua về trồng. Nào hồng, cúc, đồng tiền, địa lan, thủy tiên, mai Yên Tử, đào bích, lay ơn. Mùa nào hoa ấy, dù chỉ là một đốm đỏ trong vườn cũng đủ ấm những ngày đông lạnh. Hay một bông cúc vàng cũng đủ nắng cho ngày u ám. Đoạn đường phụ nữ tự quản trước nhà mẹ bao giờ cũng đẹp nhất. Vì mẹ trồng bên vệ đường đủ các loại hoa mười giờ, đẹp như cổ tích. Đoạn đường nhà mẹ được nhân rộng ra cả khu. Nên miền quê dẫu nghèo, có hoa nở là thấy lòng phơi phới. Những lúc mỏi mệt nhất tôi hay về nhà mẹ, ngồi giữa cỏ cây hoa lá để lòng mình dịu lại. Bởi tôi ngẫm ra rằng dù có bất cứ chuyện gì xảy ra thì ngày mai hoa vẫn nở.
Ngày đầu tiên chính thức về nhà chồng, sau khi thay váy cô dâu và dọn dẹp mấy chục mâm bát đĩa tôi ngồi nhìn xung quanh. Chẳng có cây cối gì vì đất trước nhà mẹ chồng tôi dành để trồng rau bán cho vài mối chợ. Mùa rau tàn thì đất trơ trụi, nắng xộc vào tận cửa. Tôi kiếm tìm một bông hoa nào đó nhưng tuyệt nhiên không có. Tôi bỗng nhiên nhớ nhà mẹ ruột trào nước mắt. Mẹ chồng tôi cười bảo: “Nhà này chẳng có hoa hoét gì. Cây gì tạo ra tiền thì trồng. Hoa hoét có ăn được thay cơm không? Thà trồng vài cây ớt, ít rau thơm bán còn có tiền tiêu”. Trước khi hai vợ chồng xuống phố, tôi tìm mua vài loại hoa về trồng trước sân. Nhưng lần sau về nhà thấy hoa chết từ bao giờ vì không ai chăm tưới. Tôi chợt hiểu vì sao chồng mình không có nhiều ký ức về góc sân, mảnh vườn, giếng nước. Khi hỏi về tuổi thơ của chồng, anh kể toàn những điều cơ cực. Phải có cái gì đó lóe sáng lên trong tăm tối, rực rỡ trong bế tắc người ta mới có thể mạnh mẽ vượt qua biến cố thăng trầm mà không để lại những sang chấn tâm lý nặng nề.
Tôi có nhà riêng, việc đầu tiên khi vào nhà mới không phải là mua sắm những món đồ gia dụng đắt tiền mà mang cây cối về nhà cho bớt đi mùi sơn, cho nhà thêm sức sống. Tôi muốn các con mình được sống trong không gian tràn ngập cây cối, sắc hoa để tâm hồn trẻ thơ luôn tươi tắn. Các con sẽ học cách suy nghĩ tích cực như bà ngoại, như mẹ chúng đã từng. Nhà phải luôn có hoa như cuộc đời luôn cần đến những điều tốt đẹp…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG