|
Minh họa: Phùng Anh Bản |
Nhìn hai đứa cháu nội, một lớp ba, một mẫu giáo ríu rít chuẩn bị cho ngày khai giảng, nước mắt ông Hậu tràn ra. Bao nhiêu năm nay, cứ mỗi kỳ khai giảng ông lại sống trong trạng thái cảm xúc thổn thức vô cùng... Nỗi nhớ cứ đưa ông về một mùa khai giảng ấu thơ...
Ngày ấy, cậu bé Hậu mới mười ba tuổi, học hết lớp bốn trường làng. Sang lớp 5, nếu muốn học tiếp, phải đi rất xa mới có trường, có lớp. Chị Hạnh mười sáu, vừa học xong lớp mười, trọ học cách nhà hơn mười cây số. Chuyện đi học xa hay gần không thành vấn đề lắm với hai chị em, vì cả hai đều ham học, đều ước mình được học lên thật cao, tận đại học, dù khổ mấy cũng sẵn sàng chịu đựng. Vấn đề ở chỗ nhà Hậu nghèo quá. Bố mất sớm, Hậu hầu như không được biết mặt cha. Gian nhà tranh hai gian bé tí teo nằm trơ vơ cuối làng chỉ hui hút ba mẹ con ra vào sớm tối. Mẹ tảo tần xuôi ngược tối ngày để kiếm tiền nuôi hai con ăn học. Nhưng sức vóc đàn bà có hạn. Đã có hôm hai mẹ con phải ăn củ dong riềng luộc, rau má luộc trừ bữa. Mỗi chiều cuối tuần mẹ đều chạy đôn chạy đáo vay cho được ba ống bơ gạo, để chị Hạnh về mang đi. Nhà nghèo, mẹ không có tiền cho, chị Hạnh chỉ mang gạo, mang khoai, mang thêm cả bó củi, bó rơm để nấu cơm nhờ nhà chủ. Bữa nào chị cũng chỉ ăn cơm với muối vừng mặn chát. Vừng thì nhà trồng được quanh vườn, không phải đi mua. Mẹ thủ thỉ động viên: Nhà mình nghèo con ạ! Nhưng các con đừng buồn, cứ cố gắng mà học cho giỏi. Ông giời chẳng phụ người có chí bao giờ. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời... Nhiều hôm chị Hạnh ứa nước mắt, ôm lưng mẹ nghẹn ngào: Nhưng con thương mẹ lắm! Mẹ ngoảnh mặt đi, giọng cố làm ra vẻ dằn hắt: Chị thương tôi thì học cho nên người. Bố chị trước khi nhắm mắt cũng chỉ dặn tôi có một điều, là cố gắng cho con ăn học! Nhưng nước mắt mẹ cũng đã rưng rưng.
Chuyện mẹ cố thắt lưng buộc bụng cho con đi học lại trở thành gàn dở trong mắt người làng và trong cả quan niệm của ông bà nội Hậu. Ai cũng bảo gia cảnh đã thế thì phải để con ở nhà cho nó lao động kiếm miếng ăn. Con người ta bằng ngần ấy thì giúp mẹ được khối việc rồi, con mình vẫn cứ nhồng nhỗng chỉ biết ôm sách vở. Học lắm làm gì, có mài chữ ra để mà ăn được đâu. Bà nội đã bao nhiêu lần sang nói với mẹ Hậu về chuyện cho hai đứa thôi học để đi làm. Bà không có ý gì ác độc, chỉ là thương con dâu đầu tắt mặt tối, và thấy trong "truyền thống" của làng, chẳng mấy người học lên đến cấp ba. Bà chỉ nghĩ đơn giản rằng, đi làm thuê, đi cấy lúa, trồng khoai hay tát cá thiết thực, ích lợi hơn hẳn việc đi học mấy cái chữ đâu đâu. Mẹ Hậu cố thuyết phục cho bà hiểu, rằng thời đại mới này cần phải để cho con học hành đến nơi đến chốn. Nhưng bà chẳng nghe ra, lại giận luôn cả con dâu. Bà mắng con dâu đua đòi, con nhà lính tính nhà quan. Mình là nông dân thì cứ phải dạy con cấy trồng, mùa vụ, lại còn đi ngấp nghển học hành trong lúc chẳng có tiền, có bạc. Mẹ chỉ biết cúi đầu nín lặng.
Nghe mẹ thuyết phục bà nội, Hậu vững tâm, nghĩ mẹ còn nuôi mình ăn học lâu dài. Nhưng khi học xong lớp 4 thì cậu thấy con đường học hành khó khăn vô cùng. Nhà càng ngày càng nghèo. Chuyện làm ăn ngày một khó khăn, trong khi chị Hạnh đã cuối cấp ba, cũng cần nhiều tiền cho sách vở, bút mực hơn. Chắc là mình sẽ phải bỏ học thôi! Nghĩ thế, Hậu không thể nào kìm được, nước mắt cứ trào ra. Nhất là khi đã cận kề ngày khai giảng mà cậu vẫn chưa thấy mẹ nhắc nhở gì đến việc học hành của mình. Nếu cho cậu đi học tiếp, thì phải sang trường mới xin học, phải nộp tiền, phải mua sách vở... Những năm trước, cứ khi vừa nghỉ hè, mẹ đã đi vay tiền, mua cho Hậu đàn vịt bóc trứng mười con. Cả vụ hè, cậu chỉ mải đào giun, xúc tép nuôi vịt, chăm cho chúng lớn thật nhanh để cuối hè còn bán đi, lấy tiền mua sách vở. Nhưng năm nay, đàn vịt vừa nuôi được mấy hôm đã bị chuột cắn chết mất ba con. Rồi bảy con còn lại, khi vừa nhỉnh hơn nắm tay đã bị rù, chết sạch. Hôm đào hố chôn vịt dưới gốc cây khế chua, Hậu khóc sướt mướt. Thế là thôi, hết sách vở, bút mực, hết tiền học, tiền hành... Nhưng chỉ khóc thầm khóc vụng, chứ cậu không dám để mẹ biết, sợ mẹ lại buồn. Bây giờ cũng vậy, sắp vào năm học mới, chưa thấy mẹ nói gì đến chuyện học, cậu chỉ biết lẻn ra chỗ vắng, ngồi khóc một mình. Khóc chán lại ao ước có một phép màu nào đó hiện ra, để mẹ có tiền, để cậu được đi học tiếp. Mẹ thì cứ quần quật đi làm suốt từ tinh mơ cho đến nhọ mặt người. Chị Hạnh cũng thế. Càng sắp hết nghỉ hè, chị càng cố để giúp mẹ được nhiều hơn.
Một buổi tối, bà nội sang nhà với vẻ mặt rất quan trọng. Bà gọi cả ba mẹ con vào ngồi cạnh rồi bảo chị Hạnh chuẩn bị đi lấy chồng. Có nhà buôn gỗ làng bên đánh tiếng hỏi chị Hạnh cho con trai họ. Anh ta mười tám tuổi, khỏe mạnh, có điều mỗi tội mắt bị thong manh. Nhưng thế là tốt, vì thời nay con trai lành lặn phải ra mặt trận cả rồi. Lấy nó, không lo cảnh chồng Nam vợ Bắc, cảnh sống nay chết mai không biết thế nào nơi hòn tên mũi đạn. Nhà người ta giàu có, con mình có tốt số mới được vào cửa ấy làm dâu. Họ thấy chị Hạnh nhanh nhẹn, xinh đẹp nên đánh tiếng. Nếu ưng thuận thì cưới ngay mùa thu này. Bà nội đã gật đầu... Chị Hạnh tái mặt, rụng rời chân tay, nhìn mẹ cầu cứu. Mẹ cũng ngồi lặng đi rất lâu, chắc còn tìm lời để nói với bà. Hậu cũng lặng đi, thấy hồi hộp cho chị Hạnh vô cùng. Lấy chồng, nghĩa là chị phải bỏ học giữa chừng. Chị mới mười sáu tuổi, sao bà nội lại vội vàng nhận lời người ta?
Khó khăn lắm mẹ mới mở lời. Mẹ bảo chị Hạnh đang học dở dang, chưa thể lấy chồng lúc này được. Bao nhiêu công lao ăn học, chẳng lẽ đến giờ chịu bỏ... Chẳng thèm nghe thêm câu nào nữa, bà nội đùng đùng nổi giận, chửi mắng cả ba mẹ con. Bà còn bảo nhà bà vô phúc, nên con trai chết sớm, con dâu không nghe lời, các cháu cãi lại bà... Mấy mẹ con nghe bà mắng, chỉ biết cúi đầu. Bà nội vốn đanh đá có tiếng trong làng.
Trước ngày khai giảng, mẹ gọi hai chị em vào ngồi cả trên chõng tre để nói về việc học. Mẹ bảo lẽ ra cho Hậu đi học ở gần hơn, nhưng vì chị Hạnh đã trọ học trên huyện rồi, nên mẹ cho cả Hậu lên trên ấy, hai chị em trọ cùng một chỗ, cùng nấu cơm, cùng trông nhau cho tiện. Chị Hạnh đã đi xin học cho Hậu được rồi. Còn đây là sách vở, bút mực của Hậu, mẹ đã sắm cho đầy đủ. Ngày mai hai chị em sẽ lên đường trọ học. Gạo mẹ cũng chuẩn bị sẵn rồi... Hậu nghe mà không tin vào tai mình nữa. Không thể diễn tả nổi sự bất ngờ, sung sướng của cậu lúc đó. Đã buồn tủi nghĩ mình không được tiếp tục đến trường, đâu ngờ mẹ lại chuẩn bị chu đáo thế. Nhưng sau khi dặn dò các con cố gắng học hành thì mẹ bỗng sa nước mắt:
- Nhà ta nghèo, các con biết rồi đấy. Ruộng có vài sào, lại toàn đất xấu, làm quanh năm cũng chỉ tạm đủ ăn. Nay mẹ muốn các con dốc tâm vào học, muốn có tiền trang trải nuôi các con cho bằng người, mẹ phải đi làm thêm. Mẹ đã hỏi được chỗ làm thuê trên mạn ngược. Chỗ ấy đồng rừng, đất đai rộng rãi, phì nhiêu, người ta cần người làm lắm. Các con cố gắng bảo ban nhau. Mẹ đi làm, tháng sẽ về một lần thăm các con và đưa tiền học cho các con.
Chị Hạnh đã biết trước kế hoạch ấy của mẹ nhưng vẫn ôm mặt khóc rưng rức. Hậu cũng òa lên. Mẹ lại vội vàng quệt nước mắt:
- Sao mà phải khóc? Lớn rồi đi học xa nhà mà cũng khóc hay sao?
Hai chị em cùng nức nở:
- Chúng con thương mẹ lắm!
Mẹ cười qua hai hàng nước mắt:
- Thương mẹ thì phải cố gắng mà học cho giỏi nghe chưa!
Chuyện đi làm thuê nơi xa của mẹ và chuyện cho chị Hạnh đi học tiếp chứ không gả chồng làm ông bà nội giận đến mức tuyên bố từ mặt mẹ. Không hiểu từ đâu lại loang ra tin đồn rằng mẹ Hậu đi "theo giai" chứ làm thuê làm mướn gì đâu. Mỗi lần về làng, nghe người ta xì xào, Hậu thấy thương mẹ nát lòng. Lần nào mẹ về, Hậu cũng thấy mẹ gầy hơn, đen đúa hơn, chân tay chai sạn hơn. Đã có lúc, Hậu ngập ngừng bảo mẹ: Hay là.. hay là thôi, mẹ đừng đi nữa... Con bỏ học về nhà giúp mẹ cũng được. Bây giờ con đã lớn, làm được khối việc rồi. Mẹ giận, mắng Hậu không có chí. Con người ta mới gặp khó khăn đã nản thì biết bao giờ mới thành công. Mắng thế thôi, chứ Hậu biết mẹ thương hai chị em lắm...
Ngày chị Hạnh học xong, ra trường làm cô giáo thì mẹ mất. Người ta bảo mẹ ở trên đồng rừng nhiều nên bị "báng". Hậu chẳng rõ đó là bệnh gì. Cậu cũng không có mặt cạnh mẹ lúc mẹ yếu đau. Mẹ luôn giấu bệnh để các con khỏi lo lắng. Lời dặn cuối cùng của mẹ là: Con học chưa xong, mẹ chưa làm tròn trách nhiệm. Nhưng số mẹ chỉ có thế, biết làm sao được. Con phải hứa học hành chu đáo, đừng bỏ giữa chừng... Chị Hạnh sẽ thay mẹ lo cho con quãng đường còn lại... Nỗi đau khiến cho nước mắt Hậu cũng như đông cứng lại, không thể tràn ra. Mẹ mất mà vẫn còn canh cánh bên lòng nỗi lo con trai còn đang dang dở bước đường học hành...
Gần năm chục năm đã qua... Chị Hạnh đã thành bà nội, bà ngoại, tóc như mây trắng rồi. Chị về hưu ở cương vị Hiệu trưởng một trường đại học, là một giáo sư có tiếng. Cậu bé Hậu ngày xưa nghe lời mẹ, quyết chí học lên, có bằng tiến sĩ, làm đến Viện trưởng một Viện nghiên cứu, về hưu rồi vẫn nhiều nơi mời đi giảng dạy. Trong mắt người đời, họ là những người thành đạt, là niềm mơ ước của biết bao người. Thế nhưng, chẳng mấy ai biết được, trong lòng ông Hậu vẫn chứa chất nỗi đau, nỗi day dứt âm ỉ, vò xé mấy chục năm trời. Đó là nỗi đau buồn khi người mẹ yêu dấu qua đời sớm quá, không được chứng kiến sự trưởng thành của các con. Mỗi kỳ khai giảng, tự nhiên ông Hậu lại nhớ về xa xưa, về đôi tay đen đúa của mẹ run run nâng chồng sách giáo khoa trao cho ông, với lời dặn dò gan ruột: Thương mẹ, con phải cố gắng học thành tài con nhé!
Truyện ngắn của THẢO PHƯƠNG