Để Ngày hội Đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân ở thôn, khu dân cư (KDC) ngày càng đi vào nền nếp, quy mô và chất lượng không ngừng được nâng cao, phát huy được nhiều giá trị tốt đẹp thì vai trò của MTTQ các cấp rất quan trọng.
Trong Ngày hội Đại đoàn kết, nhiều thôn, khu dân cư đã phát động các tầng lớp nhân dân làm từ thiện
Những kinh nghiệm hay
Việc tổ chức Ngày hội ĐĐK ở huyện Gia Lộc được các thôn, KDC hưởng ứng rất nhiệt tình. Năm 2016, tất cả 121 thôn, KDC trong huyện tổ chức Ngày hội ĐĐK gồm cả phần lễ và phần hội. Trong đó, 95 thôn, KDC tổ chức được bữa cơm đoàn kết (chiếm 78,5%).
Ông Tăng Đức Sĩ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Gia Lộc cho biết để đạt được kết quả trên, Ủy ban MTTQ huyện luôn chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy để sớm triển khai đề cương hướng dẫn việc tổ chức Ngày hội ĐĐK ở thôn, KDC. Căn cứ vào đề cương này, MTTQ cấp xã tiếp tục tham mưu với cấp ủy và phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương hướng dẫn các thôn, KDC xây dựng kịch bản tổ chức Ngày hội ĐĐK theo một mẫu chung. Kịch bản phải rõ ràng, trong từng nội dung phải phân vai rõ người thực hiện. Cán bộ MTTQ xã thường xuyên bám sát, cùng với Ban Công tác mặt trận thôn, KDC liên tục rà soát, chỉnh sửa kịch bản tổ chức ngày hội sao cho phù hợp với thực tế địa phương. Có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày hội này sẽ diễn ra trang trọng, tạo khí thế trong các tầng lớp nhân dân. Gần tới Ngày hội ĐĐK, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục để cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân thấy được sức mạnh và những giá trị của ngày hội. Lãnh đạo, Ban Công tác mặt trận thôn, KDC trực tiếp đi gửi giấy mời dự Ngày hội ĐĐK tới từng gia đình. Người dân thấy được tôn trọng nên đều đến dự đông đủ.
Ngày hội ĐĐK ở các thôn, KDC tại huyện Gia Lộc luôn có 2 phần lễ và hội. Để không gây nhàm chán, các thôn, KDC trong huyện thường xuyên đổi mới, làm phong phú phần hội bằng cách tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao, thể dục dưỡng sinh, các trò chơi dân gian như kéo co, đập niêu, pháo đất… trước và trong ngày hội để tạo sự hào hứng cho nhân dân. Huyện cũng khuyến khích các thôn, KDC tổ chức bữa cơm đoàn kết để tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt. Để làm được điều này, ngoài sự hỗ trợ của cấp trên, các thôn, KDC trong huyện đã làm tốt việc huy động nguồn lực từ trong nhân dân, con em xa quê, các "Mạnh Thường Quân" trên địa bàn.
Theo ông Phạm Quang Sản, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, kinh nghiệm cho thấy việc lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp thành lập các đoàn xuống dự, chung vui Ngày hội ĐĐK với nhân dân thôn, KDC có nhiều ý nghĩa. Đây là cơ hội để người dân được gần gũi, trò chuyện, trao đổi tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo cấp trên. Lãnh đạo cấp trên cũng được gần dân, sát dân để nắm tình hình thực tế kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ở cơ sở, từ đó có biện pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới một cách sát thực tế, hợp lòng dân. Mối quan hệ giữa Đảng với dân cũng vì thế ngày một thêm gắn bó. Tại Ngày hội ĐĐK, nhiều thôn, KDC khen thưởng cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động cũng tạo ra những cái lợi. Tuy phần thưởng không lớn nhưng mỗi người, mỗi gia đình sẽ cảm thấy hãnh diện, tự hào khi được động viên, khen thưởng trước toàn thể nhân dân. Đồng thời khích lệ những cá nhân, gia đình chưa được khen thưởng tiếp tục phấn đấu. Quê hương cũng vì thế sẽ tốt lên, ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tiếp tục nâng tầm
Việc tổ chức Ngày hội ĐĐK ở các thôn, KDC tại tỉnh ta về cơ bản là tốt. Tuy nhiên ở một số nơi mới chỉ tổ chức được phần lễ, chưa tổ chức được phần hội nên gây nhàm chán, tỷ lệ thu hút nhân dân tham gia chưa cao. Một số thôn, KDC chưa có nhà văn hóa hoặc nhà văn hóa quá chật hẹp cũng gây ra nhiều khó khăn cho khâu tổ chức, hạn chế số người tham dự và các hoạt động liên quan. Công tác tuyên truyền về ngày hội ở không ít thôn, KDC chưa được quan tâm đúng mức, khâu trang trí khánh tiết, chuẩn bị trang thiết bị phục vụ buổi lễ sơ sài. Năng lực của người điều hành phần lễ hạn chế, còn rườm rà, lúng túng, các nội dung không có sự gắn kết cũng làm giảm đi không khí trang trọng của buổi lễ. Công tác động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân tại Ngày hội ĐĐK ở một số nơi còn bó hẹp. Báo cáo không chỉ rõ những điển hình mà cứ ào ào, chung chung. Người dân không thấy được công sức của họ trong xây dựng quê hương, không được động viên kịp thời sẽ ảnh hưởng đến động lực phấn đấu…
Ông Huỳnh Tuấn Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục chủ động hướng dẫn các địa phương tổ chức Ngày hội ĐĐK cho sát với tình hình thực tế. Phương châm là phấn đấu ngày hội ở tất cả các thôn, KDC đều tổ chức được phần lễ và phần hội. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng phần lễ và làm phong phú nội dung phần hội để tránh nhàm chán, đơn điệu, thu hút được đông đảo người dân tham dự. Chỉ đạo MTTQ các cấp tăng cường phối hợp tuyên truyền về ngày hội này, về truyền thống của MTTQ Việt Nam. Quan tâm hướng dẫn các thôn, KDC tổ chức ngày hội theo một kịch bản khung, nhưng bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế từng nơi, có chiều sâu và phát huy được những giá trị cốt lõi. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ thêm về kinh phí và động viên các địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tổ chức ngày hội tốt hơn.
Một số ý kiến cho rằng thời gian tới nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức Ngày hội ĐĐK liên thôn, liên KDC trong một xã hoặc vùng giáp ranh. Làm được điều này thì ngày hội sẽ được nâng tầm quy mô, hấp dẫn hơn.
AN THANH