Ngày đen tối của chứng khoán toàn cầu

25/08/2015 10:52

Thị trường chứng khoán thế giới rung chuyển trong ngày đầu tuần sau những lo ngại tình hình kinh tế Trung Quốc châm ngòi cho đợt bán tống bán tháo cổ phiếu...


Tại Việt Nam, phiên giao dịch đầu tuần (24-8) là một phiên “đen tối” khủng khiếp trong lịch sử 15 năm của thị trường, khi VN-Index có lúc mất đến 35 điểm. Tính ra, vốn hóa thị trường bay hơi khoảng 55.000 tỉ đồng chỉ trong một phiên, gần bằng mức giảm của cả tuần trước là 60.000 tỉ đồng.



Mở cửa giao dịch thị trường chứng khoán đã mất 12 điểm. Đến 10 giờ sáng, thị trường tiếp tục lao dốc không phanh, mất 15 điểm. Sự sụt giảm sâu khiến nhà đầu tư bị thua lỗ lớn hơn và trở nên hoảng loạn, bán ra mạnh mẽ bất chấp mọi mức giá. Đến cuối phiên buổi sáng, thị trường đã mất 24 điểm.


Sang đến phiên chiều, đà bán tháo vẫn tiếp tục, hầu hết các cổ phiếu có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tốt hay tiêu cực đều rơi vào vòng xoáy giảm giá. Những thông tin xấu như dòng tiền đang bị rút khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu, chứng khoán trên các thị trường thế giới đều sụt giảm “thống trị”, lấn át những tin tích cực như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 giảm 0,07% so với tháng trước; nợ xấu toàn ngành ngân hàng tính đến 30.6 giảm còn 3,72%... Đây cũng là ngày các công ty chứng khoán bán ra một lượng hàng giải chấp rất lớn.


Chốt phiên, VN-Index giảm gần 30 điểm, còn 526,93 điểm (-5,27%), giá trị giao dịch tăng mạnh lên hơn 3.100 tỉ đồng. Với phiên giảm điểm này, VN-Index về mức thấp nhất kể từ tháng 12.2014. Còn sàn Hà Nội, HNX-Index đứng ở mức 73,09 điểm, giảm 4,51 điểm (-5,81%).

“Cuộc đại sụp đổ của Trung Quốc”

Chứng khoán toàn châu Á đồng loạt lao dốc vào hôm qua, dẫn đầu là hai thị trường chủ chốt tại Trung Quốc là Thượng Hải và Thâm Quyến. Theo AFP, các chứng khoán Trung Quốc giảm sâu hơn 8%, quét sạch mọi lợi nhuận đạt được từ đầu năm và khiến các thị trường khác ở châu Á - Thái Bình Dương chìm ngập trong “biển đỏ”.

Chứng khoán Trung Quốc đã chao đảo trong vài tháng gần đây, buộc chính quyền Bắc Kinh phải triển khai một loạt các động tác can thiệp nhằm trì hoãn sự mất giá của thị trường. Và đợt phá giá bất ngờ của nhân dân tệ (CNY) vào ngày 11.8 đã làm tăng thêm quan ngại về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, kích hoạt đợt bán tháo cổ phiếu làm thổi bay hơn 5.000 tỉ USD khỏi các thị trường cổ phiếu trên toàn thế giới. Trong diễn biến mới nhất, chỉ số Thượng Hải giảm 8,49%, tương đương 297,83 điểm xuống còn 3.209,91 vào lúc đóng cửa thị trường ngày 24.8, tức thấp hơn mức đóng cửa vào ngày 31.12.2014. Đây là đợt sụt giá nặng nề nhất kể từ tháng 2.2007. Chỉ số Thâm Quyến, biểu đồ “sức khỏe” của chứng khoán tại thị trường thứ hai của Trung Quốc, giảm 7,7%, tức 156,94 điểm, xuống còn 1.882,46 điểm. Các diễn biến trên đã khiến tờ Nhân Dân nhật báo và Tân Hoa xã giật tít “Ngày thứ hai đen tối” để biểu lộ tình trạng rối ren của chứng khoán Trung Quốc trong ngày 24.8. Theo tờ The Wall Street Journal, cách mô tả thẳng thừng này đáng chú ý vì truyền thông nhà nước Trung Quốc có thói quen kiềm chế đăng tải các tin tức xấu. Cụm từ “Cuộc đại sụp đổ của Trung Quốc” cũng xuất hiện dày đặc trên báo chí thế giới và mạng xã hội vào hôm qua.


Trên thực tế, chứng khoán Trung Quốc đã lâm vào tình trạng vô cùng bất ổn kể từ khi sụt giá đột ngột vào giữa tháng 6. Lúc đó, Bắc Kinh can thiệp bằng cách bơm tiền vào thị trường, bao gồm việc cấp quỹ cho Công ty tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSF) mua cổ phần dưới danh nghĩa của chính phủ, đồng thời cấm các cổ đông chủ chốt bán chứng khoán. Trong động thái mới nhất hồi cuối tuần qua, Bắc Kinh bắn tín hiệu sẽ lần đầu tiên cho phép Quỹ lương hưu nhà nước đầu tư vào chứng khoán đến 30% số tài sản, theo Tân Hoa xã. Tuy nhiên, kế hoạch can thiệp mới nhất này đã thất bại trong việc vực dậy lòng tin của nhà đầu tư.


Các nhà đầu tư Trung Quốc tại sàn chứng khoán Thượng Hải ngày 24.8

Các nhà đầu tư Trung Quốc tại sàn chứng khoán Thượng Hải ngày 24-8


Vấn đề ở đây là giới phân tích cho rằng bất kỳ nỗ lực cứu vớt nào của Bắc Kinh cũng có thể đẩy thị trường đi sai hướng. Theo một ý kiến, chính phủ không nên đổ tiền vào thị trường mỗi lần có biến, vì điều này không ngăn chặn được thị trường sụp đổ, và chỉ có giới đầu cơ mới hưởng lợi. “Đây là thảm họa thực sự và dường như chẳng có gì có thể ngăn chặn được nó”, theo Bloomberg dẫn lời Trịnh Cương, giám đốc đầu tư của Hãng quản lý tài sản Heqitongyi ở Thượng Hải. “Tôi hy vọng chúng ta có thể sống sót”, ông Trịnh nói.

“Ngày thứ hai đẫm máu”

Biến động tại Trung Quốc đại lục lập tức châm ngòi cho các cơn địa chấn ở những thị trường khác. Theo Reuters, chỉ số Hang Sheng của Hồng Kông bị thổi bay 7,6% giá trị, còn cổ phiếu Taiex ở Đài Bắc mất 7,49% số điểm. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 4,6%, đánh dấu đợt sụt giảm mạnh nhất trong 5 ngày tại quốc gia Đông Á kể từ vụ động đất gây sóng thần hồi tháng 3.2011, theo Bloomberg. Tại nước Hàn Quốc láng giềng, chỉ số KOSPI hứng chịu đợt sụt giảm nặng nhất trong hơn 3 năm qua, giảm 2,5% xuống còn 1.829,81 điểm, theo Reuters. Thị trường chứng khoán Philippines cũng chứng kiến đợt sụt giá 6,7% vào hôm qua. Ở Nam Á, chỉ số Sensex của Ấn Độ lao dốc 1.000 điểm vì áp lực từ Trung Quốc. Còn tại Úc, chỉ số chứng khoán của nước này giảm 4,09% vào lúc đóng cửa thị trường, mức thấp nhất trong 2 năm qua. Với sắc đỏ ngập tràn ở châu Á, một số tờ báo trên thế giới đã dùng cụm từ “Ngày thứ hai đẫm máu” hoặc “cuộc tắm máu” để mô tả những biến động trên thị trường.

Hồi chuông báo động cũng được gióng lên tại các thị trường châu Âu vào hôm qua. Theo AFP, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 4,67% vào lúc đóng cửa thị trường, còn DAX 30 ở Frankfurt mất 5% trong tích tắc. Tại Paris (Pháp), chỉ số CAC 40 mất 5,6%, trong khi FTSEurofirst 300 cũng bị thổi bay 5,4% giá trị. Ở bên kia Đại Tây Dương, chỉ số Dow Jones của Mỹ mất hơn 1.000 điểm (hơn 6%) trước khi phục hồi trở lại ở mức 15.962,74 điểm, giảm 3,02% so với lúc mở cửa thị trường. S&P 500 giảm 2,3% còn Nasdaq mất 2,2% trong phiên giao dịch buổi sáng (giờ Mỹ). Giao dịch trên thị trường dầu tất nhiên cũng không thoát, với giá dầu tụt qua ngưỡng 40 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Vấn đề ở đây là điều tồi tệ còn chưa chấm dứt. “Thị trường vẫn còn có thể sụt giảm hơn nữa”, theo AFP dẫn lời một nhà phân tích chứng khoán nói về tình trạng ở Trung Quốc.

Thị trường tiền tệ thế giới chao đảo

Tiền tệ tại các thị trường mới nổi liên tiếp hứng những cú nốc ao trong tháng 8. Trong đó, đồng rúp của Nga bị thiệt hại nặng nhất, do giá dầu tiếp tục phá đáy. Tỷ giá rúp so với USD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua, xuống còn 1 USD đổi 71,32 rúp.

Theo tờ The Telegraph, Điện Kremlin được cho là đang yêu cầu các nhà xuất khẩu ngưng ngay việc mua ngoại tệ nhằm trì hoãn đà mất giá của nội tệ, nhưng động thái này không có mấy tác dụng. Ngoài yen Nhật, các đồng tiền lớn ở châu Á cũng trượt giá. Đô la Úc và New Zealand cũng như ringgit của Malaysia đều giảm hơn 1,2%.


Theo Thanh niên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày đen tối của chứng khoán toàn cầu