Ngày "chọn mặt gửi vàng"

23/05/2021 13:06

Những cử tri cầm lá phiếu bầu năm ấy, đến nay người ít tuổi nhất cũng đã chạm vào con số 93. Nếu còn minh mẫn, chắc còn bồi hồi nhớ lại ngày 6.1.1946 lịch sử, ngày toàn dân Việt Nam thực hiện quyền năng của mình với Tổ quốc thông qua lá phiếu bầu cử Quốc hội.


Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6.1.1946

Sau Tuyên ngôn độc lập, ngày 3.9.1945, Hồ Chủ tịch nói: "Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo…"

Trước bầu cử 1 ngày, vào 5.1.1946, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi vang động núi sông: "Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình".
Đến nay thấm thoắt đã hơn 75 năm! 

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I được tổ chức tại 71 đơn vị, địa phương, tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại Hà Nội, số ứng cử viên là 74, có 6 người trúng cử. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng số phiếu cao nhất (98,4%). Tại Sài Gòn, công việc bỏ phiếu gặp khó khăn, nhưng nhân dân đã bầu được 6 vị đại biểu Quốc hội khóa I, trong đó có cụ Tôn Đức Thắng - nhà cách mạng miền Nam nổi tiếng. Chỉ trong một ngày, toàn quốc đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội.

Tại phiên họp đầu tiên ngày 2.3.1946, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp lâm thời Hồ Chí Minh là mở rộng thêm 70 đại biểu thuộc Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội, tổng số là 403 đại biểu. Đây là Quốc hội đầu tiên ở vùng Đông Nam châu Á, cũng là Quốc hội đầu tiên của các nước thuộc địa cũ được độc lập, tự do.

Ngay từ ngày đầu xây dựng chế độ mới, Quốc hội khóa I có thành phần xã hội với 61% là trí thức, 22% là nông dân; công nghệ kỹ gia chiếm 0,6%, thợ thuyền 0,6% và buôn bán 0,5%, đại diện tiếng nói của nhân dân cả nước.

Bầu cử Quốc hội là cơ sở để lập Chính phủ điều hành đất nước. Quốc hội khóa I đã có đóng góp quan trọng trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và kiến quốc của dân tộc. Cụ Nguyễn Văn Tố được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội khóa I (từ ngày 4.3.1946 - 8.11.1946). Rồi tiếp sau đó là cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban (từ ngày 9.11.1946-19.9.1955).

Cũng tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người, trong đó có các ông Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Phạm Gia Đỗ… Đến kỳ họp thứ 2 (tháng 10, tháng 11.1946) lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam thực hiện quyền lập hiến. Rồi ngày 9.11.1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đánh giá sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "... bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà... là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông... Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập".

Do đất nước có chiến tranh nên Quốc hội khóa I có thời gian dài nhất (1946-1960). Trong 14 năm, Quốc hội đã thông qua 11 văn bản luật, làm cơ sở xây dựng đất nước và đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Mỗi khóa Quốc hội đều gắn với giai đoạn lịch sử của Tổ quốc. Quốc hội khóa II, III, IV đóng góp to lớn vào việc thực hiện nhiệm vụ thắng lợi chiến lược đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Quốc hội các khóa V, VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII đã phát huy thành quả đạt được các khóa trước, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập với thế giới, xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV có sự đổi mới rõ rệt, là nơi gửi gắm niềm tin, khát vọng của toàn dân. Cử tri đã chọn được nhiều đại biểu có tài năng, tâm huyết, năng lực chuyên nghiệp, thể hiện ý nguyện nhân dân gửi gắm, góp phần quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước như chống tham nhũng, kiến thiết hạ tầng, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…

Trải qua 14 khóa Quốc hội Việt Nam (từ năm 1946-2016), cả nước đã bầu ra hơn 6.000 lượt đại biểu. Đó là những công dân ưu tú, đã hội tụ được sức mạnh của toàn dân, là tiếng nói đại diện cho các ngành, các giới, các giai cấp, tôn giáo cả nước. Đó cũng chính là bài học đoàn kết mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường kêu gọi: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.

Năm 2021 lại là một mốc son trong lịch sử dân tộc: cả nước kỷ niệm 75 năm Quốc hội Việt Nam (1946-2021), cũng là thời điểm cử tri cả nước rộn ràng thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình, cầm lá phiếu bầu để "chọn mặt gửi vàng", tìm được những người tài đức thay mặt mình tham gia quản lý đất nước. Đó là ngày 23.5, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ngày hội non sông, trong niềm vui thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Ngày "chọn mặt gửi vàng"