Bảo hiểm y tế đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, đặc biệt là các gia đình thu nhập thấp, người thân mắc bệnh vẫn được tiếp cận điều trị các dịch vụ y tế tiên tiến.
Nhờ vậy, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng. Ngành y tế cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là tuyến y tế cơ sở; đồng thời, tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
85,6% người tham gia bảo hiểm y tế
Theo thống kê của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), đến hết năm 2017 có 79,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 85,6% dân số; ước đến 31.5.2018 có 81,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số, hoàn thành chỉ tiêu của Đảng, Quốc hội giao trước 4 năm (Đảng, Quốc hội giao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2020 là trên 80%), vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2017 Thủ tướng giao 82,2%). Trong đó, người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng bảo hiểm y tế. Với kết quả này, mục tiêu đến năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia bảo hiểm y tế là hoàn toàn có khả năng thực hiện được và phấn đấu tới năm 2025 có trên 95% dân số có bảo hiểm y tế theo mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra.
Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC với hướng dẫn cụ thể về thanh toán và thay đổi 6 giá khám bệnh theo hạng bệnh viện, 42 giá ngày giường theo hạng bệnh viện và 40 dịch vụ kỹ thuật (chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh như: siêu âm, X quang, CT scanner, PET-CT…). Giá khám bệnh giảm 15-20%, giá ngày giường điều trị giảm từ 2 - 10% theo từng hạng bệnh viện, giá 40 dịch vụ y tế xu hướng giảm nhiều.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Theo đó, gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả bao gồm 78 dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và 241 thuốc mà trạm y tế tuyến xã phải cung cấp được (áp dụng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương, phòng khám bác sĩ gia đình độc lập, trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y). Đồng thời, Bộ Y tế đã có Chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2018 - 2020 và Hướng dẫn triển khai mô hình điểm trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018 - 2020. Đến nay, Bộ đã lựa chọn và tổ chức các đoàn do lãnh đạo Bộ trực tiếp khảo sát tại 26 trạm y tế xã, phường của 8 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Long An, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Yên Bái và Hà Tĩnh).
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh
Bộ Y tế cho biết hiện nay bộ này đã và đang triển khai quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế trong toàn ngành với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế, giám định chi phí, thanh toán bảo hiểm y tế góp phần tăng độ chính xác và hiệu quả trong quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế. Từ năm 2015, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin đã phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và hoàn thành các nội dung chuyên môn kỹ thuật như: ban hành bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, chuẩn dữ liệu đầu ra thanh toán bảo hiểm y tế, Thông tư số 48/2017/TT-BYT quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Như vậy, việc sớm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm tính kịp thời, minh bạch trong giám định và thanh toán chi phí; bảo đảm việc quản lý sử dụng dịch vụ y tế khi thông tuyến khám chữa bệnh, bảo đảm kiểm soát việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ y tế đối với người có thẻ bảo hiểm y tế là phù hợp, hiệu quả, tránh lạm dụng từ phía người bệnh và người cung cấp dịch vụ.
Theo thông tin từ Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từ ngày 1.1 đến ngày 11.6.2018 đã có hơn 73,5 triệu hồ sơ được 12.307 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi lên cổng này với tổng số chi phí khám bệnh, chữa bệnh tương ứng trên 46.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 72,5 triệu hồ sơ đã được gửi sang đề nghị giám định thanh toán với tổng số tiền đề nghị thanh toán trên 45.000 tỷ đồng. Tỷ lệ liên thông dữ liệu toàn quốc đạt 97,6% (12.307 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu/12.614 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế).
Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Việc điều chỉnh giá một số dịch vụ không ảnh hưởng các đối tượng người nghèo, cận nghèo nhưng ảnh đến nguồn thu của các cơ sở khám bệnh. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ y tế vẫn phải bảo đảm. Thời gian tới, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ tiến hành khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để xây dựng giá dịch vụ y tế theo hướng phân loại để giảm bớt số lượng dịch vụ y tế hiện nay (trên 18.000 dịch vụ); sắp xếp lại theo nguyên tắc thuận lợi cho quản lý, dễ thực hiện cho các cơ sở y tế và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế; làm căn cứ để ban hành định mức, xây dựng giá của các dịch vụ này (mức giá gồm chi phí trực tiếp, tiền lương và chi phí quản lý). Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay Nghị định số 85/NĐ-CP, trong đó đặc biệt lưu ý tăng nhân lực cho các bệnh viện để nâng cao chất lượng; giao quyền tự chủ cho các bệnh viện/Trung tâm y tế huyện phù hợp để giảm áp lực cho ngân sách.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện mô hình 26 trạm y tế chuẩn để nhân rộng trên phạm vi cả nước nhằm đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính; phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ cở. Đồng thời, mô hình sẽ đảm bảo cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn; cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa cơ sở y tế trên địa bàn với tuyến trên, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, Bộ đang nghiên cứu xây dựng 1 phần mềm thống nhất tại trạm y tế tuyến xã, qua đó sẽ quản lý đồng bộ các hoạt động như dự phòng, dân số - kế hoạch hóa gia đình, quản lý sức khỏe cá nhân, khám chữa bệnh…
Theo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế Lê Văn Khảm, hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1.7, chủ đề truyền thông năm nay là "Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến y tế cơ sở”. Trong đó, hoạt động truyền thông tập trung vào một số nội dung như: Tham gia bảo hiểm y tế để chăm lo sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng; thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình để chăm sóc sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình; thực hiện nghiêm Luật Bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững; tham gia bảo hiểm y tế là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức và cả cộng đồng…
THU PHƯƠNG (TTXVN)