Ông Donald Trump đang tất bật chuẩn bị nhân sự cho nội các mới, nhưng vẫn còn một thủ tục cuối cùng đứng giữa ông và chiếc ghế Tổng thống Mỹ - lá phiếu đại cử tri đoàn.
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong chuyến đi cảm ơn cử tri tại TP Mobile, bang Alabama, ngày 17-12 - Ảnh: Reuters |
Dù khả năng "lật ngược tình thế" là rất nhỏ, thậm chí bị nhiều chuyên gia đánh giá là không thể, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu các đại cử tri Mỹ phản bội vị Tổng thống đắc cử?
Ngày 19-12 (giờ Mỹ), lần lượt cử tri đoàn ở từng tiểu bang của Mỹ sẽ nhóm họp để bỏ lá phiếu quyết định chủ nhân của Nhà Trắng trong 4 năm tiếp theo.
Đây là điểm đặc biệt của bầu cử Tổng thống Mỹ - hơn 136 triệu dân nước này đã bỏ phiếu vào ngày bầu cử toàn quốc 8-11 vừa qua, nhưng một ứng viên chỉ chính thức thắng cử nếu nhận được quá bán số phiếu của 538 đại cử tri đại diện cho 50 bang và một quận liên bang (thủ đô Washington) vào ngày 19-12.
Theo CNN, dù kết quả gần như đã được đoán trước - ông Trump sẽ giành 306 phiếu đại cử tri (theo số bang ông đã giành chiến thắng hôm 8-11) so với 270 phiếu cần thiết để chiến thắng - vẫn còn một yếu tố có khả năng gây bất ngờ vào phút chót, đó là các “đại cử tri bất tín”.
Về mặt Hiến pháp, các đại cử tri Mỹ hầu như không hề bị ràng buộc phải bỏ phiếu theo nguyện vọng của người dân mà họ đại diện, nghĩa là họ hoàn toàn được phép “nổi loạn” và bỏ phiếu ngược lại với kết quả bỏ phiếu phổ thông vào tháng 11.
Hiến pháp Mỹ cũng đã dự trù cho những trường hợp đó. Hãy cùng xem xét các viễn cảnh có thể xảy ra vào ngày bỏ phiếu của đại cử tri đoàn:
Tình huống thứ nhất: Đại cử tri bỏ phiếu như kết quả bỏ phiếu phổ thông, ông Trump giành chiến thắng
Không có gì nhiều để nói nếu tình huống này xảy ra: 306 trên tổng số 538 đại cử tri sẽ bỏ phiếu bầu ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ trong ngày 19-12, tương ứng với lá phiếu của người dân Mỹ trước đó.
Kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn sẽ được lưỡng viện Mỹ thông qua vào ngày 3-1, và ông Trump sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2017.
Tình huống thứ 2: “Đại cử tri bất tín” phản bội ông Trump, bà Clinton giành chiến thắng
Cần ít nhất 38 đại cử tri đại diện cho các bang mà ông Trump đã thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 “phản bội” ứng viên Đảng Cộng hòa và bỏ phiếu cho bà Clinton trong ngày 19-12 thì tình huống này mới trở thành hiện thực.
Khả năng này là rất nhỏ, bởi một lẽ đơn giản: đại cử tri là những người được chọn ra từ các đại hội đảng cấp bang và thường là những nhân vật trung thành nhất với đảng của mình.
Phản bội ông Trump trong kỳ bỏ phiếu quan trọng này cũng đồng nghĩa với phản bội bạn bè và đồng chí của họ trong nội bộ đảng, một việc bị xem là tối kỵ.
Tình huống thứ ba: Không ai giành chiến thắng
Trước khi đi sâu vào phân tích tình huống này, cần phải nhắc lại một điều: tuy Hiến pháp Mỹ không cấm đại cử tri bỏ phiếu ngược lại với kết quả lá phiếu phổ thông tại bang mình, nhưng có đến 29 tiểu bang quy định hình phạt cho hành vi này.
Các “đại cử tri bất tín” tại các bang như California, Michigan, Ohio hay Oklahoma có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí bị tước quyền đại cử tri nếu quay lưng với ứng viên của họ.
Nói vậy để thấy khả năng xảy ra tình huống này là rất thấp, nhưng cũng không phải là không có.
Nếu cả ông Trump và bà Clinton đều không giành đủ 270 phiếu đại cử tri vào ngày 19-12, Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu để bầu ra Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới, còn Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu ra Phó Tổng thống.
Ứng viên nào nhận được từ 26 phiếu trở lên ở Hạ viện (tương ứng với 26 bang, do mỗi đoàn Hạ nghị sĩ chỉ có một phiếu bất kể lớn nhỏ) sẽ được bầu làm Tổng thống.
Nếu gặp kết quả hòa 25-25 (quận Thủ đô Washington DC không bỏ phiếu), quá trình này sẽ được lặp lại cho đến khi tìm ra được người chiến thắng.
Nếu đến ngày 20-1 mà Hạ viện Mỹ vẫn không thể bầu ra Tổng thống mới, thì Phó Tổng thống do Thượng viện bầu sẽ lên nắm quyền Tổng thống tạm thời.
TUẤN SƠN (Tuổi trẻ)