Mùa mưa bão năm nay được dự báo tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất thường. Điều đó đặt ra cho ngành y tế những thách thức không nhỏ. Để đối phó với bão, lũ, nguyên tắc "4 tại chỗ" được ngành y tế coi trọng hơn bao giờ hết.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai phương án phòng, chống lụt, bão. Ảnh: Nguyễn Đức Thành |
Đồng chí Đinh Quang Trình, Chánh văn phòng Sở Y tế, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) của ngành cho biết: Công tác PCLB của ngành y tế có đặc thù riêng do các bệnh viện là nơi điều trị cho nhiều đối tượng bệnh nhân, đều là những người sức khỏe yếu nên không có khả năng tự bảo vệ mình trong những tình huống nguy hiểm. Khi xảy ra bão lớn hoặc úng ngập, các bệnh viện phải bảo đảm di chuyển bệnh nhân đến các vị trí an toàn ngay trong viện, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho hàng trăm người gồm cán bộ y tế và những bệnh nhân, người nhà của bệnh nhân nặng. Mặt khác, ngành y tế cũng sở hữu nhiều máy móc thiết bị có giá trị lớn như máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp X-quang, máy nội soi... Các loại máy này thường được đặt ở tầng dưới cùng trong các khu nhà của bệnh viện để tiện phục vụ nhu cầu của đông đảo bệnh nhân. Nhưng khi có bão, lụt xảy ra, công tác tháo lắp, vận chuyển máy tới nơi an toàn và lắp đặt tạm thời để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh là một nhiệm vụ rất khó khăn vì đây là những máy có cấu hình phức tạp, khối lượng lớn, phải có bộ phận kỹ thuật chuyên dụng mới tháo lắp được. Sau úng ngập, nhiệm vụ xử lý môi trường, đối phó với các dịch bệnh truyền nhiễm được đặt ra... Với đặc thù đó, ngành y tế đã chỉ đạo 100% các đơn vị trong ngành chủ động chuẩn bị các phương án PCLB theo phương châm "4 tại chỗ": Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; hậu cần tại chỗ; kỹ thuật tại chỗ. Theo đó, lãnh đạo của từng đơn vị trong ngành chính là lực lượng tổng chỉ huy. Ngành đã thành lập các đội xung kích ứng cứu tại chỗ, lập phương án sơ tán, bảo vệ bệnh nhân, cán bộ, công nhân viên chức, di dời máy móc thiết bị, phương án bảo đảm hoạt động khi bão, lụt xảy ra. Ngoài ra, do đặc thù “cứu người như cứu hỏa”, các đơn vị trong ngành còn thành lập các đội cấp cứu điều trị cơ động, các đội cơ động xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh để đáp ứng yêu cầu PCLB ngoài phạm vi bệnh viện. Đến nay, qua kiểm tra của Ban Chỉ huy PCLB - TKCN của ngành, tất cả các bệnh viện trong tỉnh đều có phương án cụ thể để khi có bão, lụt, úng ngập xảy ra vẫn bảo đảm nhiệm vụ cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Các đơn vị đều xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ ở các khoa, phòng về việc di chuyển bệnh nhân nặng đến khu vực an toàn, tháo lắp, di dời các thiết bị y tế cồng kềnh. Các đơn vị điều trị chuẩn bị những loại thuốc cơ bản dùng cho các bệnh thường gặp trong và sau các đợt bão, úng như các loại thuốc kháng sinh, thuốc điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, thuốc tra mắt, dung dịch khử khuẩn nước và môi trường bảo đảm điều trị trong vòng 1 tháng, có hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm bảo đảm lượng lương thực, thực phẩm cung cấp cho bệnh nhân tối thiểu 10 ngày. Mỗi đơn vị y tế tuyến tỉnh và bệnh viện đa khoa tuyến huyện bố trí 1 xe ô-tô phục vụ PCLB. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập 2 đội cấp cứu điều trị cơ động. Mỗi bệnh viện huyện, thị xã, thành phố thành lập 1 đội cấp cứu điều trị cơ động. Mỗi trạm y tế cơ sở thành lập 1 tổ cấp cứu cơ động. Toàn tỉnh đã thành lập 15 đội cơ động xử lý môi trường, phòng, chống dịch, 2 đội giám sát VSATTP. Khi xảy ra bão, lụt, tùy theo tính cấp bách của tình hình, tất cả các điều kiện về con người, thuốc, phương tiện trong ngành sẽ được Ban Chỉ huy PCLB - TKCN của ngành điều động để ứng cứu kịp thời cho những nơi gặp nguy hiểm.
Huyện Gia Lộc là nơi có nhiều sông ngòi, nhiều tuyến đê kè lớn nên đây là khu vực trọng yếu có nguy cơ cao trong mùa mưa, bão. Cơ sở hạ tầng của bệnh viện đa khoa huyện còn kém, mặt bằng khu vực bệnh viện thấp hơn khu dân cư xung quanh 50-70 cm, thường xuyên bị ứ đọng nước do chưa có hệ thống tiêu thoát nước. Khi mưa bão, đặc biệt là úng lụt xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện thu dung, cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Nếu không khéo tổ chức còn có khả năng lây lan dịch bệnh ra môi trường. Do đặc điểm trên, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch chi tiết về việc luân chuyển bệnh nhân và các phương tiện y tế trong tình huống khẩn cấp, trong đó quy định cụ thể về việc chuyển các khoa, phòng đang làm việc ở tầng 1 lên các tầng trên...
Bệnh viện Tâm thần là nơi tập trung những người bệnh bị rối loạn về ý thức, hành vi. Nhiều người bệnh không có người nhà chăm nuôi. Khi xảy ra bão, lụt công tác quản lý, di chuyển bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Do vậy, kế hoạch PCLB của bệnh viện được xây dựng khá chi tiết. Theo đó, khi có nguy cơ xảy ra lụt lớn, bệnh viện sẽ xem xét cho ra viện đối với những bệnh nhân đã ổn định. Đối với các bệnh nhân ở lại viện, bệnh viện đã lên phương án di chuyển bệnh nhân lên các tầng cao hơn tùy mức độ ngập nước. Bệnh viện cũng có hợp đồng dự trù sẵn lượng lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm như than, dầu hỏa, dung dịch khử khuẩn nguồn nước bảo đảm cho khoảng 85 người sử dụng trong vòng 10 ngày gồm những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nặng, cán bộ y tế trực tại viện...
Bệnh viện Đa khoa huyện Ninh Giang đã bố trí 2 xe ô-tô cứu thương phục vụ PCLB, chuẩn bị 2 cơ số thuốc, 1 cơ số dụng cụ y tế, 4 hộp cấp cứu, 2 bình ô xy lớn, 2 bình ô xy nhỏ, 4 cáng cứu thương. Bệnh viện cũng hợp đồng với đại lý dự trữ lương thực, hợp đồng với Ban Chỉ huy PCLB - TKCN huyện cung cấp 5 thuyền chuyên dụng để kịp thời vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị khi có lũ về...
Với phương châm "4 tại chỗ", đến thời điểm này, các đơn vị trong ngành y tế đều đã sẵn sàng ứng phó khi có bão lũ, úng ngập. Ngành y tế phấn đấu bảo đảm yêu cầu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân trong mọi tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão, lũ gây ra.
MAI LIÊN