Ngành nội vụ tỉnh bước tiếp chặng đường vẻ vang

26/08/2010 01:44

Những năm gần đây, ngành nội vụ tỉnh tích cực tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh triển khai thực hiện chương trình CCHC giai đoạn 2001-2010 trên cả 5 nội dung: Cải cách thể chế; sắp xếp tổ chức bộ máy...


Lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắctrong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010

Ngày 28-8-1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa ra tuyên cáo thành lập 13 Bộ thuộc Chính phủ mới, trong đó có Bộ Nội vụ. Ngày 28-8 trở thành ngày truyền thống của ngành Tổ chức nhà nước (TCNN). Với nhiệm vụ xây dựng bộ máy nhà nước, bảo vệ chính quyền cách mạng, 65 năm qua, ngành TCNN đã góp phần quan trọng trong công cuộc thống nhất, xây dựng đất nước. Trong dòng chảy chung, ngành TCNN tỉnh không ngừng trưởng thành, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng địa phương qua các thời kỳ.

Tháng 9-1945, Uỷ ban Hành chính lâm thời tỉnh và bộ phận tham mưu giúp uỷ ban làm công tác tổ chức được thành lập. Tháng 4-1946, sau khi tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp, Uỷ ban Hành chính tỉnh được thành lập theo Sắc lệnh số 63/SL ngày 22-11-1945 của Chủ tịch Hội đồng Chính phủ. Ngành TCNN tỉnh được giao đảm nhiệm thêm các nhiệm vụ: Củng cố bộ máy chính quyền các cấp, đào tạo đội ngũ cán bộ kháng chiến và phối hợp với bộ phận phụ trách quân sự tuyển lựa thanh niên để phát triển lực lượng vũ trang. Mặc dù điều kiện công tác gian khổ, thiếu thốn, nhưng đội ngũ cán bộ tổ chức đã khắc phục khó khăn, đoàn kết phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Qua nhiều chặng đường lịch sử, đến nay, Sở Nội vụ đã trở thành một sở đa ngành, đa lĩnh vực, có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về nội vụ, gồm: Tổ chức bộ máy; biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước; cải cách hành chính (CCHC); xây dựng chính quyền; quản lý địa giới hành chính; quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; tổ chức hội, tổ chức phi Chính phủ; văn thư, lưu trữ; tôn giáo; thi đua - khen thưởng. Đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ, hiện nay, Sở Nội vụ có 7 tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ, 2 ban và 1 trung tâm trực thuộc sở. Đội ngũ cán bộ, công chức của Sở Nội vụ ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Từ 18 cán bộ, công chức, 1 phòng và 2 tổ chuyên môn (năm 1997), đến nay, Sở Nội vụ có 65 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 50 đảng viên, 1 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, 50 người có trình độ đại học, 21 người có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị, 14 người có trình độ lý luận chính trị trung cấp.

Trải qua 65 năm hoạt động, nhất là từ khi tái lập tỉnh, ngành nội vụ tỉnh đã tham mưu và phối hợp với MTTQ tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã, cơ quan, đơn vị tổ chức thành công các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; công tác địa giới hành chính được thực hiện thận trọng, chính xác. Về quản lý đô thị, sở đã đề nghị Chính phủ nâng cấp TP Hải Dương lên đô thị loại II, thành lập thị xã Chí Linh; lập mới một số phường, thị trấn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Duy trì và đẩy mạnh việc thực hiện Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Quy chế dân chủ trong thực hiện hoạt động ở cơ quan. Gắn việc thực hiện Pháp lệnh và Quy chế dân chủ với phong trào thi đua xây dựng cơ quan, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Những năm gần đây, ngành nội vụ tỉnh tích cực tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh triển khai thực hiện chương trình CCHC giai đoạn 2001-2010 trên cả 5 nội dung: Cải cách thể chế; sắp xếp tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hoá nền hành chính nhà nước. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trọng tâm là đơn giản các TTHC ở những lĩnh vực liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp và công dân, phù hợp với pháp luật và cơ chế mới. 10 năm qua, công tác CCHC đạt được sự chuyển biến mạnh mẽ. Thực hiện Đề án 30, UBND tỉnh đã triển khai cải cách TTHC tại 20 sở, ngành, UBND 12 huyện, thành phố, thị xã và 265 xã, phường, thị trấn. Đã công bố các bộ TTHC chung áp dụng cho từng cấp, kiến nghị đơn giản hóa 1.110 thủ tục (cấp xã 153 thủ tục, cấp huyện 215 thủ tục, cấp sở, ngành 742 thủ tục). Đã thực hiện cơ chế "một cửa" ở 17 sở, ban, ngành cấp tỉnh, 12 đơn vị cấp huyện, 256 đơn vị cấp xã. Tham mưu cho UBND tỉnh về phân cấp quản lý công tác tổ chức và cán bộ, tách hoạt động sự nghiệp ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh được tổ chức thành 17 sở, ngành, tổ chức; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thành phố, thị xã có 12 phòng, ban. 10 năm qua, hơn 1.000 đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ, trong đó có 21 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động, 755 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động.

Chế độ ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực về công tác tại tỉnh thực hiện tốt. Từ năm 2002 đến nay, tỉnh đã tuyển dụng được 873 công chức, công chức dự bị (trong đó 66 công chức tuyển dụng theo chế độ thu hút, ưu đãi, sử dụng nhân tài), 6.896 viên chức, 89 công chức cấp xã. Cử đi bồi dưỡng hơn 48 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trong 6 tháng đầu năm 2010, sở và các cơ quan liên quan tổ chức 19 lớp đào tạo, bồi dưỡng tiền công vụ, thi đua - khen thưởng, chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, tập huấn Luật Cán bộ, công chức cho 2.622 lượt cán bộ, công chức. Cử đi học sau đại học 45 người; thực hiện chế độ ưu đãi thu hút 38 người.

Với những nỗ lực trên, tập thể cán bộ, công chức ngành nội vụ được các cấp, ngành ghi nhận và đánh giá cao. Từ năm 1997 đến 2009, Sở Nội vụ liên tục được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt, năm 2005, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; năm 2007, được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc. Phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng thi đua phấn đấu lập thành tích, năm nay, Sở Nội vụ vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì.

NGUYỄN VĂN QUẾ

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ

(0) Bình luận
Ngành nội vụ tỉnh bước tiếp chặng đường vẻ vang