Nhiều ngành nghề sẽ đẩy mạnh tuyển dụng trong những tháng còn lại của năm 2021, cũng có nhiều công việc sẽ phục hồi tuyển dụng từ đầu năm 2022.
Ngành ngân hàng đẩy mạnh tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số
Bất chấp tác động của dịch bệnh, một số ngành được dự báo vẫn có nhu cầu tuyển dụng lớn trong những tháng cuối năm. Ngoài ra, thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp (DN) sẽ đẩy mạnh hoạt động hoàn thành chỉ tiêu đề ra và tuyển dụng nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp Tết nguyên đán.
Nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh
Cùng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ nhằm hỗ trợ DN, hộ kinh doanh, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tình trạng tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản và qua đó tái tạo việc làm cho người lao động (NLĐ).
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, dự báo quý IV, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 43.654 đến 56.869 chỗ làm việc. Xu hướng tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; cơ khí - tự động hóa; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng; du lịch - nhà hàng - khách sạn; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử; công nghệ lương thực - thực phẩm; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng…
Trong những tháng cuối năm, ngoài tuyển dụng lao động làm việc toàn thời gian, DN cũng có nhu cầu một lượng lớn lao động bán thời gian phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, bán lẻ trong dịp Tết.
Trong dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý IV/2021 và đầu năm 2022 của Navigos Group, các DN sản xuất trong ngành dệt may các tỉnh, thành phía Bắc vẫn duy trì sản xuất tốt, kéo theo khả năng tuyển dụng tăng.
Báo cáo cho thấy do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ít hơn so với miền Nam nên đa số các DN dệt may miền Bắc vẫn đang duy trì sản xuất tốt ở thời điểm hiện tại. Rất nhiều DN có thêm các đơn hàng từ các vùng khác tại châu Á chuyển về Việt Nam do các vùng này chưa kiểm soát tốt dịch bệnh.
Chính vì vậy, các DN dệt may lớn và có uy tín đang có rất nhiều đơn hàng. Có những công ty đã nhận đơn hàng tới tận tháng 4-2022 và vẫn đang cần tuyển thêm nhiều lao động. Dự báo việc tuyển dụng có thể tăng do tăng đơn hàng và mở rộng sản xuất. Các vị trí tuyển dụng từ công nhân có tay nghề đến kỹ thuật vận hành, kiểm tra chất lượng...
Ngành điện tử hút lao động
Báo cáo của Navigos Group cũng cho thấy với những tín hiệu khả quan về lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng mạnh, cộng với việc chạy đua chuyển đổi số nên các ngân hàng đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao tăng mạnh nhất. Đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ đang được các DN trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong thời gian qua đẩy mạnh đầu tư.
Không chỉ các ngân hàng có quy mô lớn, các ngân hàng nhỏ hơn và một số công ty chứng khoán cũng đã lên kế hoạch đầu tư cho việc chuyển đổi, thành lập các ban dự án/khối chuyển đổi số. Do đó, nhu cầu nhân sự các cấp cho các vị trí như: công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển ứng dụng, phát triển công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số đang tăng cao. Nhân sự đáp ứng cho các vị trí này đều là các nhân sự chất lượng cao.
Một lĩnh vực khác cũng đang tích cực mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam dự kiến thu hút đông đảo nhân sự là ngành điện tử. Một loạt các địa phương như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa và Đà Nẵng ghi nhận các dự án xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm điện tử công nghệ cao của các thương hiệu lớn trên thế giới. Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) này thường rất lớn về quy mô vốn đầu tư và nhân lực để hoạt động. Vì thế cơ hội cho nhân sự ngành điện tử dự kiến sẽ bùng nổ trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Trong khi đó, như thường lệ, ngành hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ sẽ đẩy mạnh tuyển dụng vào những tháng cuối năm nhưng năm nay lại tạm hoãn tuyển dụng và ngừng tuyển trong quý IV/2021. Giải thích về vấn đề này, bà Trần Thị Kiều Oanh, Giám đốc khu vực miền Nam Navigos Search, cho rằng trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, các DN ngành hàng tiêu dùng tập trung phòng chống dịch nên hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn hoặc chỉ duy trì ở mức thấp. NLĐ trong mảng này do lo ngại về mức độ an toàn trong công việc nên vẫn còn dè dặt khi quay lại làm việc. Vì vậy, thị trường khan hiếm ứng viên tiềm năng cho các vị trí mảng tiêu dùng nhanh và bán lẻ đang cần tuyển.
Trong quý IV, các DN trong ngành bán lẻ đang dần mở cửa trở lại, dự báo nhu cầu tuyển dụng có chiều hướng tăng nhẹ vào đầu năm 2022. Trong khi các DN trong ngành hàng tiêu dùng mảng thương mại vẫn đang tuyển dụng, tuy nhiên nhu cầu giảm nhẹ so với quý trước”, bà Kiều Oanh nói. |
Theo Người lao động