Ngành du lịch Pháp bắt đầu "ngấm đòn" vì bạo động

02/07/2023 17:54

Nhiều nhà hàng, khách sạn bị khách hủy đặt chỗ do e ngại các cuộc biểu tình bạo lực khắp nước Pháp.

"Các khách sạn thành viên của chúng tôi phải hứng chịu làn sóng hủy đặt phòng ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi các cuộc đụng độ và phá hoại", chủ tịch Hiệp hội Các nhà tuyển dụng ngành công nghiệp khách sạn, ăn uống Thierry Marx nói. Nước Pháp đang đối mặt với các cuộc biểu tình bạo lực sau khi Nahel, 17 tuổi, bị cảnh sát bắn chết ở ngoại ô Paris tối 27.6.

Đầu bếp Thierry Marx nhận được cảnh báo hàng ngày từ người trong ngành, những người phải hứng chịu "các cuộc tấn công, cướp bóc và cơ sở kinh doanh bị phá hủy". Một trong số đó là các chủ nhà hàng, quán cà phê.


Một bồi bàn đang dọn dẹp lại cửa hàng sau cuộc bạo động ở Paris hôm 30.6

"Các địa điểm kinh doanh của chúng tôi về cơ bản là nơi tiếp khách, đôi khi là nơi trú ẩn, giúp đỡ trong các tình huống khẩn cấp. Họ không đáng phải gánh hậu quả của sự tức giận từ điều mà họ không gây ra. Chúng tôi lên án các hành động này", Marx nói.

Marx mong muốn giới chức làm "mọi thứ" để đảm bảo an toàn cho những người làm trong ngành khách sạn, dịch vụ ăn uống tại Pháp - điểm đến du lịch nổi tiếng hàng đầu thế giới.

Liên đoàn bán lẻ Pháp (FCD) kêu gọi cảnh sát tăng cường an ninh quanh các cửa hàng. CEO của FCD Jacques Creyssel nói các cuộc bạo động đã làm "nảy sinh những vụ cướp bóc thật sự" khi "hơn 100 cửa hàng thực phẩm, phi thực phẩm lớn bị phá hoại, cướp bóc và thậm chí bị đốt". Cửa hàng phi thực phẩm là nơi bán những mặt hàng không thể ăn được như sản phẩm tẩy rửa, khăn giấy vệ sinh.

Theo Creyssel, các hành động này "cực kỳ nghiêm trọng và phải trả giá đắt" đồng thời cho biết đã yêu cầu các Bộ trưởng Kinh tế, Nội vụ và Thương mại hành động.

Phòng thương mại Paris Ile-de-France cho biết đang huy động lực lượng để cung cấp và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết, bồi thường bảo hiểm cho các thương nhân, nhà quản lý của các công ty bị ảnh hưởng.

Tổ chức các khách sạn và nhà hàng độc lập ở Pháp (GHR) phàn nàn "truyền thông các nước đang bắt đầu đưa các hình ảnh về Paris trong lửa và máu, không tương ứng với thực tế". CEO Franck Trouet nói khách du lịch châu Á, những người đặc biệt lo ngại về vấn đề an toàn, có thể không ngần ngại hoãn, hủy chuyến đi trong bối cảnh căng thẳng này.

Didier Arino, giám đốc điều hành của công ty Protourisme hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, du lịch, ví tình hình bạo động hiện nay như "một chiến dịch quảng cáo tiêu cực tốn vài chục triệu euro" với nước Pháp.

"Tình hình này vẫn tiếp tục có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức Thế vận hội Olympic, đặc biệt khi phần lớn các sự kiện sẽ diễn ra ở Seine-Saint-Denis", một khu vực khó khăn phía bắc Paris, Jean-Francois nói.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành du lịch Pháp bắt đầu "ngấm đòn" vì bạo động