Ngành chăn nuôi của Hải Dương sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi Việt Nam thực hiện các cam kết theo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cơ quan chức năng và nông dân cần thực hiện tốt nhiều giải pháp thì ngành chăn nuôi mới trụ vững và phát triển khi hội nhập vào TPP.
Trong ảnh: Ông Phạm Gia Liên ở thôn Vĩnh Xuyên, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP
Tác động tiêu cựcKhi tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm... theo đúng cam kết. Đồng thời, Việt Nam phải dần xóa bỏ thuế xuất nhập khẩu sản phẩm đối với các nước tham gia TPP. Điều này sẽ tạo ra sức ép lớn đối với các sản phẩm sản xuất nội địa, nhất là sản phẩm của ngành chăn nuôi (NCN). Các cơ quan chức năng, chuyên gia đều nhận định NCN sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm nhập ngoại vốn có giá bán rẻ hơn. Hiện nay, thức ăn chăn nuôi chiếm hơn 60% chi phí sản xuất, cộng thêm thuốc men và nhiều chi phí khác nên giá sản phẩm NCN cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Ngoài ra, việc kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự hiệu quả cũng gây nhiều tổn thất. Vấn đề vệ sinh giết mổ và an toàn dịch bệnh còn nhiều hạn chế. Nếu NCN không giảm được giá thành sản xuất thấp hơn hoặc bằng các nước trong khu vực thì thịt nhập ngoại sẽ chiếm lĩnh thị trường. Hiện tại, một số sản phẩm chăn nuôi của nước ta như thịt gà, bò, lợn đều có giá bán quá cao. Trong khi đó, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu. NCN lại phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu con giống, thức ăn.
Chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Bãi Thảo 1, xã Bắc An (Chí Linh) lo lắng khi giá gà liên tục xuống thấp một phần do thịt gà nhập ngoại tại các siêu thị rẻ hơn thịt gà Việt Nam. Chị cho biết: "Hiện tại, giá bán gà lai chọi chỉ còn 48.000-50.000 đồng/kg, gà mía 42.000 đồng/kg, giảm từ 15.000-20.000 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm trước. Với giá này chỉ đủ để trang trải chi phí mua con giống, thuốc men, thức ăn, công chăm sóc... Thịt gà nhập ngoại giá chỉ bằng một nửa so với gà ta, nếu tràn vào ồ ạt thì những người chăn nuôi như chúng tôi sẽ lỗ nặng". Hiện tại, trang trại rộng hơn 4 ha của gia đình chị nuôi gần 4.000 con gà đồi. Những năm trước, thời điểm giá gà cao, mỗi lứa chị nuôi tới 10.000 con, thu lãi 500-600 triệu đồng/năm. Hiện giá gà xuống thấp nên chị giảm số lượng nuôi. Từ đầu năm đến nay, chị bán 5 lứa gà, thu lãi khoảng 200 triệu đồng, giảm một nửa so với những năm trước.
Hiện tại, Hiệp hội Chăn nuôi gà đồi Chí Linh có 700 hộ thành viên, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 10.000 tấn gà, tiêu thụ chủ yếu ở TP Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình. Mặc dù đông thành viên, nhưng hiệp hội chưa hình thành các chuỗi liên kết, chủ yếu là chăn nuôi tự phát. Theo tính toán của hiệp hội, để nuôi 1.000 con gà thì chi phí thuốc men, thức ăn chăn nuôi... hết 60-70 triệu đồng. Do lượng thức ăn vương vãi ít được tận dụng nên chi phí chăn nuôi tăng. Với giá bán hiện tại, người chăn nuôi chỉ thu lãi khoảng 10 triệu đồng/1.000 con gà.
Ở thôn Trần Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách), hộ ít nuôi từ 2 con trâu bò, hộ nhiều nuôi vài chục con. Ông Vũ Văn Quân là một trong những người đầu tiên trong thôn nuôi trâu bò thịt. Trước đây, ông mua trâu bò ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng về để vỗ béo sau đó bán lại cho thương lái. Theo ông, thịt bò Úc tại các siêu thị bán với giá 130.000 đồng/kg, bằng một nửa so với giá bò ta khiến người nuôi bò điêu đứng. Những năm trước, một con bò đẹp, trọng lượng hơn 1 tạ bán được 24-25 triệu đồng, giờ chỉ bán được khoảng 20 triệu đồng.
Tìm hướng mớiToàn tỉnh hiện có 505 trang trại chăn nuôi, trong đó có 345 trang trại chăn nuôi lợn và 160 trang trại chăn nuôi gia cầm. Năm 2015, sản lượng thịt lợn ước đạt 91.500 tấn; thịt gia cầm đạt 28.000 tấn; thịt trâu bò 2.200 tấn; trứng gia cầm các loại đạt 240 triệu quả. Để có thể trụ vững, phát triển khi tham gia TPP, NCN cần tìm ra hướng đi mới, phát huy lợi thế vốn có của mình. Anh Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gà đồi Chí Linh cho biết: "Lợi thế của chăn nuôi gia cầm ở tỉnh ta là nuôi các giống gà ta, thịt chắc và thơm, ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Do đó, để khắc phục khó khăn khi gia nhập TPP, cách duy nhất là tăng chất lượng thịt gia cầm, tăng thời gian nuôi. Trước đây, 1 lứa gà nuôi chỉ khoảng 3 tháng, nhưng nay nhiều hộ đã kéo dài thời gian nuôi lên 4 tháng để tăng chất lượng thịt gà. Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi giảm khoảng 10% so với trước đây nên không gây nhiều khó khăn cho các hộ".
Ngoài phát huy thế mạnh vốn có, nhiều hộ tìm ra hướng đi mới, nuôi những loại gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao. Sau khi thịt bò Úc tràn vào Việt Nam, ông Vũ Văn Quân ở thôn Trần Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách) bỏ hẳn nuôi bò vỗ béo mà chỉ nuôi trâu thịt. Trang trại của gia đình ông hiện có hơn 10 con trâu thịt, nuôi theo hình thức bán công nghiệp. Chỉ sau 2-3 tháng vỗ béo, trâu được các thương lái đến thu mua. Ông cho biết: “Nuôi trâu thịt an toàn hơn bò thịt, vì thịt trâu ngoại chưa tràn vào Việt Nam. 1 con trâu khoảng 2 tạ thịt, bán được 50 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi 5-6 triệu đồng. Nuôi trâu thịt chi phí ít và nhàn hơn so với các con khác”.
Theo ông Dương Đình Phái, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để NCN trong tỉnh thích ứng tốt khi tham gia TPP, NCN cần phát triển theo hướng tập trung, chuyên môn hóa trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của nhân dân và hướng tới xuất khẩu. Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi gắn với thị trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường. Cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn, đất đai để mở rộng sản xuất; đồng thời cũng hỗ trợ NCN liên kết sản xuất thông qua hình thức như tổ hợp tác, HTX... hoặc liên kết với các doanh nghiệp lớn. Tập trung phát triển chăn nuôi những loại gia súc, gia cầm có lợi thế như lợn, gia cầm, bò thịt chất lượng cao trên cơ sở quy hoạch chăn nuôi phát triển theo vùng. Ngoài ra, Việt Nam cần phải chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, con giống chất lượng cao... để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
TRẦN HIỀN