Đời sống

Ngăn “sóng ngầm” trong gia đình

HẢI ĐĂNG 24/03/2024 16:14

Nhận thức rõ hệ lụy do sử dụng điện thoại di động quá đà, nhiều gia đình ở Hải Dương đã tìm cách thích ứng, thay đổi.

totuong1.jpg
Thay vì dành thời gian cho điện thoại, nhiều phụ huynh đã tham gia các hoạt động vui chơi cùng con (ảnh minh họa)

“Buông” điện thoại

Cuối tuần vừa rồi, gia đình chị T.N.L. (ở phố Trương Mỹ, TP Hải Dương) đã có một ngày nghỉ trọn vẹn, vui vẻ bên nhau. Sau khi ăn sáng, vợ chồng chị cùng hai con, một bé 6 tuổi, 1 bé 9 tuổi đi xem một bộ phim hoạt hình ở rạp chiếu phim gần nhà. Sau đó, cả gia đình cùng đi ăn trưa và về quê nội chơi cả buổi chiều. “Hơn 2 tháng nay, gia đình tôi đi chơi cùng nhau vào ngày cuối tuần. Từ đó đến giờ, tôi thấy các con vui vẻ, hoạt bát hơn hẳn so với trước đây. Ngay cả tình cảm vợ chồng tôi cũng được cải thiện nhiều”, chị L. cho biết.

Do tính chất công việc nên vợ chồng chị L. phải thường xuyên sử dụng điện thoại di động và truy cập mạng xã hội. Lâu dần thành thói quen. Thời gian anh chị dùng điện thoại nhiều hơn dành cho gia đình. Chị L. kể: “Tôi không thể nhớ được lần gần nhất vợ chồng tôi tâm sự, chuyện trò vui vẻ là bao giờ. Về nhà, ai cũng chúi mặt vào điện thoại. Cho đến một lần, khi nghe con gái bảo ước gì con là chiếc điện thoại của bố mẹ, như vậy bố mẹ sẽ gần con hơn. Nghe câu đó, tôi mới giật mình. Hai vợ chồng đã quyết định, buổi tối khi ở nhà sẽ hạn chế thấp nhất việc dùng điện thoại. Cuối tuần thì gác hết mọi việc lại để dành thời gian cho nhau”.

Từ nửa năm nay, gia đình chị N.B.N. và T.M.L. (ở Kinh Môn) cũng thống nhất từ 8-10 giờ tối là thời gian “không điện thoại”. Chị N. kể: “Lý do để làm vậy là nhằm cứu vãn cuộc hôn nhân của chúng tôi. Chồng tôi đi tắm cũng cầm điện thoại vào theo. Ăn cơm cũng cắm mặt vào điện thoại. Cả ngày hai vợ chồng không có chuyện gì để nói với nhau. Cuộc sống hôn nhân cứ tẻ nhạt như thế khiến tôi ngột ngạt, không tìm thấy niềm vui và đã từng nghĩ đến chuyện ly hôn”.

di-bo-1-.jpg
Nhiều gia đình đã áp dụng "thời gian không điện thoại" để gia tăng tình cảm (ảnh minh họa)

Cũng là những người “nghiện” điện thoại nên buổi tối vợ chồng anh P.V.V. và chị Đ.T.H. (Gia Lộc) đều lướt mạng xã hội thay vì chơi với cô con gái 3 tuổi của mình. Để bé chơi ngoan, anh chị cũng đưa cho con 1 chiếc iPad để con xem YouTube. “Cách đây mấy tháng, tôi thấy con mình có dấu hiệu hay cáu bẳn, chỉ thích xem điện thoại, iPad, không được xem là quấy khóc, không chịu ăn. Đưa con đi khám, các bác sĩ bảo cháu có dấu hiệu của tự kỷ vì xem điện thoại quá nhiều. Lúc đó, hai vợ chồng tôi mới bàng hoàng, hối hận vì những thói quen xấu của mình và quyết định thay đổi, rời xa điện thoại”, chị H. nói.

Sống tích cực hơn

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc lạm dụng điện thoại đang mang lại những hệ lụy xấu tới cuộc sống hôn nhân, gia đình. Quan tâm tới thế giới ảo trong điện thoại khiến mọi người không có nhu cầu giao tiếp, chia sẻ với nhau.

"Mấy năm vừa rồi, khi làm hòa giải viên, tôi có tham gia hòa giải một số vụ hôn nhân gia đình. Tôi nhận thấy, việc dành quá nhiều thời gian cho điện thoại di động dẫn đến không quan tâm đến bạn đời, con cái là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến gia đình lục đục, tình cảm rạn nứt”, ông Nguyễn Văn Nhâm, một hòa giải viên ở huyện Tứ Kỳ cho biết.

phunuthanhha.jpg
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ kiến thức về chăm sóc gia đình cho hội viên. Trong ảnh: Hội Phụ nữ huyện Thanh Hà tổ chức tọa đàm

Theo Tiến sĩ Đồng Thị Yến, Giảng viên Khoa Chính trị - Tâm lý - Giáo dục học Trường Đại học Hải Dương, để ngăn những cơn “sóng ngầm” do điện thoại mang lại trong gia đình, bản thân mỗi người nên xác định rõ những giá trị của gia đình và có mong muốn, quyết tâm xây dựng những giá trị đó. Đồng thời, bản thân bố mẹ cũng phải làm gương cho con cái.

Theo Tiến sĩ Yến, do đã hình thành thói quen nên việc xây dựng những khoảng "thời gian không điện thoại" trong gia đình chắc chắn sẽ gặp những khó khăn và không thể thành công trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu đã xác định và có mục tiêu, chắc chắn mọi người sẽ tìm ra những cách làm phù hợp để thay đổi.

Với anh V. và chị H., thời gian đầu việc “cai” điện thoại thực sự khá khó khăn. “Tôi và chồng phải mất đến 10 ngày mới quen được việc ngừng dùng điện thoại để lướt mạng xã hội, mua sắm, chát với bạn bè, chơi game…”, chị H. cho biết.

Còn với anh T.M.L., thời gian đầu khi “không điện thoại”, anh thấy khá bức bối, khó chịu. Nhưng cứ những lúc anh định lấy điện thoại ra xem thì chị N.B.N. đều nhắc nhở hoặc nhờ anh đi làm việc nhà, rủ anh đi bộ, dạo phố, qua nhà bố mẹ, bạn bè chơi,

Tắt các thông báo, xóa các ứng dụng không cần thiết trên điện thoại, đặt lịch trình sử dụng điện thoại cụ thể, để điện thoại xa giường ngủ… là những cách mà nhiều người áp dụng để hạn chế việc sử dụng điện thoại.

Sau một thời gian không điện thoại, cuộc sống, tình cảm của gia đình chị L., các anh V. và L. đều được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, khi không dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, họ nhận ra mình có nhiều việc cần làm mỗi ngày. Đồng thời họ cũng có thêm thời gian rảnh rỗi để làm việc và chăm sóc bản thân.

HẢI ĐĂNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn “sóng ngầm” trong gia đình