Ngàn Nưa còn gọi là Na Sơn, một linh địa của xứ Thanh. Tên của núi có nhiều cách lý giải khác nhau.
Tam quan Đền Nưa
Người bây giờ cho rằng, thuở trước nơi đây rừng nứa thân nhỏ ken dày sơn khê. Bởi thế gọi là núi Nứa. Lâu ngày gọi chệch thành núi Nưa. Lớp người già khuất núi từ thế kỷ 20 lại nghĩ khác. Các cụ cho rằng, ngày xửa ngày xưa, dưới tán rừng già nhiệt đới xứ Thanh, khi mùa mưa tới, đây đó phủ xanh bạt ngàn cây Nưa. Loại cây thảo, mọc thẳng đứng, thân xốp như dọc mùng, xốp hơn đệm mút hiện đại. Khi khô hạn, hoặc giữa trưa nắng lửa gió lửa, thân cây mềm nhũn héo xìu. Đêm về, khí trời mát mẻ, thân cây bỗng dựng dậy, rắn chắc, phổng phao. Thân cây Nưa, đặc biệt củ Nưa là biệt dược cho nam giới chốn phòng the. Nổi tiếng nhất, công hiệu nhất, quý hiếm nhất là dãy núi nhô lên giữa đồng ruộng Nông Cống thẳng cánh cò bay. Có thể tên biệt dược mắn con trai thành tên Ngàn Nưa. Biệt dược này góp phần làm nên vẻ đẹp tiều phu núi Nưa cường tráng dẻo dai. Góp phần làm nên giọng hò lẳng lơ đa tình trai đò Hoàng Giang thuở nào: Lấy chồng thì chọn kẻ Nưa/Vừa về đến ngõ đã đưa lên giường. Các cụ còn cho rằng Na Sơn lương địa kỳ nhân khả dĩ dung thân. Nghĩa là Ngàn Nưa là nơi đất lành, người khác thường có thể dung thân. Bà Triệu là người khác thường, là bậc anh hùng đã chọn Ngàn Nưa làm căn cứ địa chống ngoại xâm. Ông Tu Nưa đã chọn nơi đây dựng Am Tiên làm nơi ở ẩn tránh nhà Hồ chính sự phiền hà. Vậy mà vẫn không được yên thân. Cha con Hồ Quý Ly triệu về Tây đô làm thuộc hạ. Ông từ chối. Với cách nghĩ độc tài, độc đoán không theo ta tức là theo địch, cha con họ Hồ ngầm sai người triệt hạ để trừ hậu họa. Quân lính vương triều Đại Ngu tìm đến Ngàn Nưa. Ông đã đốt am cỏ, rồi lẫn vào sương núi mây ngàn, để lại câu đối ẩn ý sâu xa:
Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn
Cao Vọng sơn đầu khách tứ sầuVề sau, Hồ Quý Ly bị giặc Minh bắt ở cửa khẩu Kỳ La. Hồ Hán Thương bị bắt ở đầu núi Cao Vọng. Đúng như lời tiên đoán. Cao siêu thay, thần bí thay kỳ nhân thuở trước. Không chỉ là nơi dung thân các bậc kỳ nhân, Ngàn Nưa còn là lương sơn tâm điểm của bốn phía làng quê lúa nước phì nhiêu "được mùa Nông Cống sống mọi nơi". Hơn thế nữa, lòng đất Ngàn Nưa còn là kho báu vô tận. Trước hết là crôm. Khoáng sản này khai sinh làng mỏ đầu tiên của xứ Thanh, của Việt Nam. Giữa bốn bề làng lúa ngàn tuổi thâm canh, làng mỏ crôm Cổ Định bề thế khang trang ngót tuổi trăm năm công nghiệp trưởng thành. Đường nhựa vào làng râm mát hai hàng xà cừ đã thành cổ thụ. Hai hàng cây vừa là nhân chứng vừa là di tích xanh của khu công nghiệp dưới chân Ngàn Nưa. Men theo cây xanh, men theo thế đất là những hồ nước trong xanh lặng lờ như thể ao thu Nguyễn Khuyến. Không phải mau đầm thiên nhiên. Không phải ao hồ nông nghiệp. Nơi đây, thủy mặc trần gian hình thành sau khai thác crôm. Chỗ này bồng bềnh hoa súng tím. Chốn kia sen tròn mở lá đón gió tây nam đầu mùa. Xa hơn, mặt nước mênh mông lãng đãng bóng mây trôi. Lãng đãng cá mè hoa bơi theo sóng nước. Lãng đãng cá trắm đen vờn theo cánh bèo ván bập bềnh. Đoàn chúng tôi tình cờ gặp một bác lực điền ngồi dưới gốc cây bên hồ. Tóc bạc phơ. Vóc người đậm chắc, tráng kiện. Gương mặt phong trần. Nụ cười trẻ trung dễ mến, dễ gần. Đôi mắt đa tình lẳng lơ. Ai đó trong đoàn cất giọng thăm dò làm quen:
- Thưa bác. Có phải bác là người của Lâm nghiệp...
- Không phải. Tôi chính hiệu thợ mỏ crôm. Đã về hưu. Các ông lên Am Tiên hay đền Bà Triệu...
- Chúng tôi về Cổ Định, về nơi non nước hữu tình. Thưa bác, ai là người lên quy hoạch làng mỏ crôm. Làng quê cây xanh, nước trong xanh u tịch bốn mùa...
- Không biết là ai. Chỉ biết làng quê hữu tình từ xưa...
Thế đấy, ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước lớp thợ đầu tiên của làng mỏ crôm Cổ Định đã đặt nền móng cho cảnh bồng lai bây giờ. Ông cha ta ngày trước dù chật vật cơm áo gạo tiền vẫn dành riêng một cõi tâm hồn tìm ra vẻ đẹp làng quê công nghiệp cho con cháu mai sau. Vẫn lo lắng dựng xây tiên cảnh giữa đời thường. Lo đãi đất lấy crôm. Đâu chỉ có thế. Lại lo trả đất phù sa cho hoa thơm quả ngọt, cho bóng mát làng quê. Lo trả nước trong lành cho tôm cá tung tăng, cho cánh cò in bóng, cho đàn chim di trú tìm về. Trải qua khói lửa chiến tranh, trụ sở Công ty Xi Dim khai thác crôm thời Pháp thuộc không còn. Nếu còn, biết đâu sẽ là công trình kiến trúc đầu thế kỷ 20 vào loại đẹp của xứ Thanh. Trụ sở Xí nghiệp crôm-mít Cổ Định sau kháng Pháp cũng không còn. Khuôn viên trụ sở Công ty CP Crôm-mít Cổ Định bây giờ nằm kề ngã ba trung tâm làng mỏ hao hao dáng hình phố núi. Từ đây thênh thang đường nhựa ra thị trấn Cầu Quan. Lên đỉnh Ngàn Nưa. Tới cụm nhà máy tinh luyện fe-rô crôm. Khuôn viên tĩnh lặng. Thoang thoảng đâu đây hương thơm đại ngàn. Sau tường gạch là hàng cau lùn ngang tầm nón thúng quai thao. Tiếp đến là sân bê-tông. Dọc theo gờ sân là hàng tùng kim trầm tư mặc tưởng. Hai hàng vạn tuế cổ thụ mở lối vào trụ sở hai tầng. Trong cùng là hàng vú sữa lao xao gió dậy thì. Trụ sở công ty bề thế khang trang. Hành lang rộng la đà sương núi. Tầng dưới là các phòng làm việc nối mạng in-tơ-nét đi các nơi. Ông Lê Xuân Hoát, Chánh văn phòng công ty kể: Ngàn Nưa rộng gần 60 km2. Trước kia là của Nông Cống. Nay thuộc về Nông Cống, Triệu Sơn. Người Pháp phát hiện ra sa khoáng crôm năm 1923, bắt đầu khai thác năm 1927. Vào khoảng 1930-1941 ngừng khai thác, sau đó tiếp tục. Kháng Pháp thành công, 1956 Xí nghiệp crôm-mít Cổ Định ra đời. Năm 1962 đạt cao nhất 32.556 tấn. Quặng sa khoáng crôm kéo dài từ Tinh Mễ đến Bãi Áng, chia làm hai tầng. Tầng trên, nổi trên mặt đất. Tầng dưới, sâu trong lòng đất 8-12m. Ngoài ra còn có ni-ken, cô-ban, ma-giê, bạch kim, đá xà vân, đất sét trắng... Trước đây, khai thác tầng trên. Bây giờ, đánh thức tầng dưới.
Công trường chia làm hai phần lệch nhau, cao thấp khác nhau. Bên trái, phía Ngàn Nưa là hố sâu hình chữ nhật khổng lồ như thể sân bóng đá tụt xuống 10 m chạm tầng đá gốc. Hai máy xúc cần mẫn làm việc. Máy này tiếp tục mở rộng hiện trường. Máy kia thận trọng vét hết đất đá, để lộ vỉa sa khoáng crôm lấp lánh trong nắng xế tà. Phía sau máy xúc một khoảng cách kỹ thuật, súng bắn nước khổng lồ dũng mãnh công phá mục tiêu. Vòi phun nước như nòng đại bác, chĩa vào đâu, ngay lập tức, nơi ấy hóa thành lũ quét công nghiệp. Dòng lũ đục ngầu tự loại dần sỏi đá cuốn theo. Súng bắn nước thứ hai, nòng nhỏ hơn, tốc độ thấp hơn, tiếp tục loại bỏ những hạt đá có đường kính lớn lơn 2 mm. Bơm thứ hai đưa dòng phù sa công nghiệp từ dưới âm ti lên đỉnh tháp tuyển quặng sáu tầng. Tự chảy từ cao xuống thấp, qua sáu tầng lưới thép vừa lắc vừa rung như kiểu "lọt sàng xuống nia", dòng phù sa công nghiệp này cuối cùng chia về hai ngả khác nhau. Ngả thứ nhất, dòng sa khoáng crôm chảy về bể lắng. Tháo cạn nước, lớp cát mịn nặng tay, vàng đen Ngàn Nưa, hiện ra giữa thanh thiên bạch nhật. Theo dòng xe tải, sa khoáng này chảy về khu nhà máy tinh luyện fe-rô crôm. Dòng thứ hai, rất lớn, chảy về bãi thải. Một vùng bùn nước mênh mông. Bốn bề đê bao sừng sững trường thành an sinh nhân tạo. Đây đó cỏ may thanh bình trổ bông phất phơ như thể triền đê sông Mã, sông Chu.
Mặt trời gác núi. Ngàn Nưa lãng đãng sương sa. Hệ thống đèn cao áp công trường bật sáng. Mặt nước phản quang, bụi nước chiết quang, làng lúa làng mỏ crôm Cổ Định đêm đêm long lanh bảy sắc cầu vồng.
LÊ ĐÌNH CÁNH