Ngăn ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

01/04/2017 11:34

Thời gian qua, dư luận vô cùng căm phẫn khi hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em trong cả nước bị phanh phui.


Xót xa hơn khi nhiều nạn nhân còn quá nhỏ nhưng đã trở thành nạn nhân của những kẻ bệnh hoạn, "quỷ đội lốt người".

Dư luận bức xúc khi một số vụ việc mặc dù gia đình nạn nhân ngược xuôi kêu cứu; luật sư có trong tay chứng cứ, nhân chứng và sẵn sàng vào cuộc bảo vệ quyền cho nạn nhân song cơ quan điều tra lại thờ ơ. Một số vụ có dấu hiệu "chìm xuồng", kẻ thủ ác nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, bắn tiếng thách thức gia đình nạn nhân. Có vụ đã phanh phui, các ngành làm án vào cuộc, song tuyên mức án thấp khiến gia đình nạn nhân và dư luận nghi hoặc.

Có vụ việc, cơ quan chức năng chỉ tập trung vào điều tra sau khi lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước chỉ đạo, báo chí, mạng xã hội lên tiếng. Ngày 27.3.2017, tại cuộc họp về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong đấu tranh phòng chống tội phạm XHTD trẻ em, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt câu hỏi: Tại sao khi lãnh đạo Nhà nước có ý kiến chỉ đạo thì lại khởi tố được? Gần đây, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã phải chỉ đạo ngành dọc tại các địa phương khẩn trương rà soát, điều tra, truy tố các vụ việc tương tự.

Theo Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam (GBVnet), mỗi năm cả nước có khoảng 1.000 trẻ em bị XHTD, tức là 8 giờ trôi qua có ít nhất một đứa trẻ bị XHTD. Trong 5 năm từ 2012 - 2016, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước. Trong đó có tới 5.300 vụ XHTD, chiếm khoảng 65%. Tuy nhiên, con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.

Nguyên nhân chủ quan dẫn đến các vụ XHTD đối với trẻ em do nạn nhân còn quá nhỏ, chưa ý thức được lằn ranh về giới tính; chưa đề phòng hay nhận biết được các nguy hiểm của XHTD. Do đó, trẻ càng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, nhất là một số vụ, kẻ thủ ác lại chính là những người thân quen. Đáng lưu ý là các vụ XHTD trẻ em phần lớn bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan. Ở các nhà trường, việc giáo dục giới tính cho học sinh chưa được quan tâm, thậm chí trẻ không được tìm hiểu về vấn đề này. Trong khi đó, nạn nhân của XHTD trẻ em chủ yếu đang ngồi trên ghế nhà trường. Trong các gia đình, việc giáo dục giới tính cho con, hướng dẫn con các kỹ năng ứng phó khi phát hiện dấu hiệu của XHTD chưa được quan tâm. Nhiều phụ huynh thậm chí e ngại, né tránh, không giải thích cho con về giới tính. Có vụ việc được phát hiện song gia đình chọn cách im lặng khiến kẻ tội phạm có cơ hội tiếp tục ra tay.

Tội xâm hại trẻ em, trong đó có XHTD được quy định rất chi tiết trong Bộ luật Hình sự, khung phạt rất nghiêm khắc, cao nhất là tử hình. Những kẻ phạm tội nếu thoát án tử hình chắc chắn sẽ chịu sức ép rất lớn và cái nhìn khinh bỉ của cả cộng đồng. Thế nhưng, trong khi chờ kẻ thủ ác chịu sự trừng trị của pháp luật, toàn xã hội cần có cái nhìn xác đáng hơn, quan tâm hơn để chủ động bảo vệ trẻ em trước loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm này. Hơn ai hết, các bậc cha mẹ cần là "tấm khiên" bảo vệ con em mình. Trẻ em cần sớm được trang bị nhận thức về giới tính, những dấu hiệu, cách ứng phó, thoát thân khi phát hiện bị XHTD. Trong các nhà trường, nội dung này cần được lồng ghép, hướng dẫn để trẻ nhận biết và phòng tránh. Các ngành làm án cần sớm điều tra, truy tố, xét xử công khai kẻ tội phạm với khung hình phạt nghiêm khắc mang tính răn đe, giáo dục. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bị XHTD, thay vì im lặng, người lớn cần bảo vệ trẻ bằng cách dũng cảm tố giác tội phạm để cơ quan chức năng điều tra, xử lý, buộc kẻ thủ ác chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

CẨM GIANG(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Ngăn ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em