Ngân hàng Nhà nước bơm mạnh tiền trên thị trường mở với kỳ hạn dài qua Tết sau khi nâng room tín dụng cho các nhà băng và khuyến khích đẩy vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịp cuối và đầu năm mới.
Bơm tiền kỳ hạn 3 tháng
Kể từ 7.12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng hợp đồng repo giấy tờ có giá, với kỳ hạn 91 ngày, nhằm bơm tiền dài hơi hơn cho các ngân hàng vào thời điểm cuối năm, khi hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra nhộn nhịp.
Trong ba tuần, kể từ 28.11-16.12, NHNN bơm ra thị trường qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) tổng cộng gần 115.398 tỷ đồng, với hai loại hợp đồng kỳ hạn 14 ngày và 91 ngày, lãi suất tương ứng khoảng 6% và 6,5-7%.
Trong đó, NHNN có 7 phiên bơm tiền cho các ngân hàng qua các hợp đồng repo với kỳ hạn 91 ngày, trị giá tổng cộng 20.994 tỷ đồng.
Số tiền này sẽ cho các ngân hàng vay tới cuối tháng 2 đầu tháng 3.2023, qua dịp Tết Nguyên đán.
Trước đó, trong tháng 8-9-10, NHNN bơm ra qua thị trường mở các khoản với kỳ hạn chỉ 7 ngày. Từ phiên cuối tháng 10 cho tới ngày 6.12, NHNN bơm tiền qua các hợp đồng đều có kỳ hạn 14 ngày.
NHNN bơm vào hệ thống ngân hàng qua các hợp đồng kỳ hạn dài hơn trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có xu hướng hạ nhiệt nhanh chóng, được dự báo sẽ không có bất ngờ trong thời gian tới. Đó là nhờ kinh tế Việt Nam phát đi nhiều tín hiệu tích cực và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất. Fed có thể sẽ ngừng thắt chặt chính sách tiền tệ từ giữa năm 2023.
Trong khi đó, lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn rất cao. Khoảng một nửa trong tổng số ngân hàng có lãi suất huy động kỳ hạn trên một năm ở mức trên 9%. Một số chi nhánh ngân hàng có lãi suất huy động lên 11-13%/năm.
Hoạt động bơm tiền được xem là yếu tố hỗ trợ thanh khoản ổn định cho thị trường.
Cũng trong 3 tuần từ 28.11-16.12, NHNN không hút về bất cứ đồng tiền tiền nào. Số lượng hợp đồng repo trước đó đáo hạn đạt gần 96.000 tỷ đồng trong khoảng thời gian này. Như vậy, qua kênh OMO, NHNN đã bơm ròng hơn 19.398 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.
Hôm 5.12, NHNN nâng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tương đương mức tăng thêm 240.000 tỷ đồng cho nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm.
Khi lãi suất huy động tăng lên ngưỡng 10%, người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng.
Theo thống kê của NHNN, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng trong tháng 10.2022 tăng thêm 5.766 tỷ đồng so với tháng trước lên gần 11,43 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của cư dân trong tháng 10 tăng thêm 21.577 tỷ đồng so với tháng 9 lên hơn 5,66 triệu tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10, tiền gửi của toàn hệ thống tăng gần 480,8 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng 4,39%. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 6,78%, các doanh nghiệp chỉ tăng 2,15%.
Tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Trong 10 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng tới 11,5%, đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng.
Tỷ giá giảm tiếp, lãi suất liên ngân hàng ổn định
NHNN đẩy mạnh bơm tiền trong bối cảnh tỷ giá USD/VND ổn định trở lại, giảm nhanh gần đây. Giá bán USD tại Vietcombank giảm gần 4,8% so với mức đỉnh ghi nhận hôm 25.10, từ mức 24.888 đồng/USD (Vietcombank) xuống còn 23.750 đồng/USD hôm 19.12.
Trên thị trường tự do, USD giảm mạnh từ mức đỉnh 25.500 đồng/USD (giá bán) hôm 1.11 xuống còn 24.200 đồng/USD hôm 16.12, tương đương giảm 1.200 đồng (-5%).
Tỷ giá trung tâm cũng giảm mạnh. Sáng 19.12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.645 đồng/USD, qua đó mức trần và sàn được phép giao dịch là: 24.827 đồng và 22.463 đồng/USD.
Đồng bạc xanh có xu hướng giảm khi Fed phát tín hiệu giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Chỉ số DXY gần đây giảm mạnh, tới sáng 19.12 còn 104,5 điểm, giảm 8,8% so với đỉnh cao 115 điểm hồi cuối tháng 9.
Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng gần đây khá ổn định, ở mức 5,2-5,6%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 6-9 tháng trong khi đó còn khá cao, quanh mức 10,7%-10,9%/năm.
Theo Vietnamnet