15 năm qua, nhờ đồng vốn chính sách mà nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nghèo đã đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập
Vì an sinh xã hội
Gia đình bà Nguyễn Thị Khu ở thôn Ngọc Lộ, xã Tân Việt (Thanh Hà) từng là hộ nghèo nhất làng vì chồng mất sớm, một mình bà phải tần tảo nuôi con ăn học. "Như chết đuối vớ được cọc, nhờ 5 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tôi có vốn để xoay xở làm ăn, nuôi 3 con ăn học thành tài", bà Khu nói.
Nhờ vốn tín dụng chính sách, không ít hộ nghèo như gia đình bà Khu đã được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách được xây dựng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm cho nhiều lao động. Sau 15 năm thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đến nay, tổng dư nợ của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã đạt hơn 2.800 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần so với ngày đầu thành lập (tháng 1.2003).
Từ 2 chương trình tín dụng chính sách thực hiện ban đầu, đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai được 10 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi. Các chương trình tín dụng đều được triển khai đồng bộ, kịp thời ở tất cả các địa phương trong tỉnh, bảo đảm đúng chế độ. Ngân hàng trực tiếp giao vốn cho người thụ hưởng ở địa phương dưới sự giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội và chính quyền địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 574.000 lượt hộ nghèo và gia đình chính sách được vay vốn. Nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH đã giúp hơn 82.000 hộ thoát nghèo, 110.000 hộ cải thiện đời sống. Ông Nguyễn Tuấn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Tân Việt đánh giá: “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo trong xã vươn lên làm giàu. Đặc biệt, nguồn vốn này đã giúp địa phương thực hiện được các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới như tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên”.
Không chỉ giúp nhiều hộ nghèo vay vốn, 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã góp phần tạo việc làm, khôi phục nhiều làng nghề thủ công truyền thống của tỉnh. Đến hết tháng 9.2017, tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt hơn 69.000 tỷ đồng. Từ số vốn này đã tạo việc làm cho gần 40.000 lao động. Nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh như mộc Đông Giao (Cẩm Giàng), gốm Chu Đậu (Nam Sách), bánh đa Hội Yên (Thanh Miện)… đã hồi sinh. Nhiều học sinh, sinh viên nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng đã tiếp tục được đến trường. Nước sạch đã về tận các vùng quê, góp phần giúp nhiều địa phương nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Đổi mới để phục vụ tốt hơn
Ngân hàng CSXH tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2020, 100% số hộ nghèo và gia đình chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ. Dư nợ tăng từ 8-10%/năm và tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% tổng dư nợ.
Điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn dễ dàng
Để thực hiện mục tiêu trên, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ tín dụng để đưa đồng vốn chính sách đến với người dân kịp thời, hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh khẳng định: “Để giúp người nghèo, hộ chính sách có vốn không khó nhưng làm sao để họ sử dụng đồng vốn hiệu quả lại không dễ. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội của địa phương nắm bắt nhu cầu sử dụng vốn của người dân; khảo sát, kiểm tra và đánh giá hoàn cảnh của người vay để có giải pháp cho vay vốn phù hợp. Cán bộ tín dụng của ngân hàng cũng phải thường xuyên sâu sát, nắm vững cơ sở, phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị ủy thác để tư vấn, hỗ trợ người dân sử dụng đồng vốn hiệu quả”.
Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch cấp xã cũng luôn được đặt lên hàng đầu. Các tổ tiết kiệm vay vốn cũng sẽ được kiện toàn để hoạt động khoa học và hiệu quả hơn. Đặc biệt, thời gian tới ngân hàng sẽ quan tâm phối hợp với chính quyền các địa phương trong tỉnh lựa chọn những mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả của các hộ nghèo hay gia đình chính sách để tạo điều kiện cho họ vay vốn. Qua các mô hình này giúp người dân học tập cách sử dụng vốn, ý nghĩa của đồng vốn CSXH đối với phát triển kinh tế của gia đình và của địa phương.
Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể của địa phương mở thêm nhiều lớp tập huấn, trợ giúp kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách làm ăn để sử dụng đồng vốn hiệu quả, giúp nhiều hộ trả nợ đầy đủ, đúng hạn và vươn lên thoát nghèo.
HẢI MINH