Ngân hàng "chia lửa" cùng người nuôi lợn

19/08/2017 07:21

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực hỗ trợ các hộ chăn nuôi lợn vượt qua khó khăn.



Hơn 12.000 hộ chăn nuôi trong tỉnh đã được các tổ chức tín dụng hỗ trợ khắc phục khó khăn
do giá lợn xuống thấp. Ảnh: Trần Hiền


Chia sẻ khó khăn

Giá lợn xuống quá thấp, lợn giống không có người mua nên ông Nguyễn Đình Đỏ ở thôn Đông La, xã Hồng Quang (Thanh Miện) không thực hiện được dự định trả lãi và một phần tiền gốc đã vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). “Đang loay hoay chưa biết lấy đâu ra tiền để trả ngân hàng thì tôi nhận được điện thoại của cán bộ NHCSXH huyện thông báo được giãn nợ 1 năm. Lẽ ra cuối tháng 7 vừa rồi tôi phải trả nợ nhưng nay phải đến cuối tháng 7 sang năm tôi mới phải trả. Trong lúc khó khăn, sự giúp đỡ của ngân hàng khiến chúng tôi được an ủi phần nào”.

Nhiều hộ chăn nuôi khác trong tỉnh cũng được các ngân hàng tạo điều kiện cho kéo dài thời gian trả lãi hoặc khoanh lại nợ gốc để vượt qua khó khăn. Là một trong những ngân hàng đầu tiên có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi lợn, Ngân hàng TMCP Hàng hải chi nhánh Hải Dương đã sớm liên hệ với các hộ chăn nuôi từng vay vốn của ngân hàng để hỗ trợ khi giá lợn xuống thấp. Đại diện ngân hàng này cho biết đơn vị sẵn sàng đồng hành và chia sẻ khó khăn với khách hàng nên ngay khi giá lợn xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ, ngân hàng đã cử nhân viên xuống tận nơi để rà soát, nắm bắt thông tin để có phương án hỗ trợ người chăn nuôi. Một số hộ chăn nuôi đã được giảm lãi suất từ 1-2%/năm so với lãi suất thông thường.

Từ đầu tháng 5 đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hải Dương đã thực hiện giảm, giãn nợ hoặc cho các hộ vay vốn với lãi suất thấp để khôi phục chăn nuôi. "Được khoanh lại nợ cũ và vay vốn mới với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường 2%/năm, tôi dự định sẽ tiếp tục tái đàn. Đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi nên tôi không thể bỏ dở cơ nghiệp để làm việc khác. Tôi hy vọng cuối năm giá bán lợn sẽ cao”, anh Nguyễn Văn Kế ở thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên (Gia Lộc), một trong những hộ vừa được Agribank Gia Lộc cho vay để tiếp tục chăn nuôi lợn với lãi suất thấp nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương, lượng khách hàng vay vốn phát triển chăn nuôi cũng như dư nợ lĩnh vực này tập trung chủ yếu ở Agribank chi nhánh Hải Dương. Ngay từ cuối tháng 4, ngân hàng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu, tìm phương án hỗ trợ người chăn nuôi như: cơ cấu lại thời gian trả nợ; xem xét các biện pháp giãn nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ trước, lãi sau cho các hộ chăn nuôi. Từ ngày 28.4 (thời điểm các tổ chức tín dụng trong tỉnh bắt đầu triển khai hỗ trợ các hộ chăn nuôi theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương) đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 12.000 hộ chăn nuôi được giãn nợ và miễn giảm lãi vay. Đến thời điểm này, các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục xem xét để giảm lãi, giãn nợ cho một số hộ chăn nuôi khó khăn.

Giải pháp tình thế

Việc giảm lãi, giãn nợ cho các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh giúp các hộ vượt qua khó khăn, tiếp tục đầu tư sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Nam, Giám đốc Agribank Gia Lộc lại cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế. “Đây là lần thứ tư, các ngân hàng phải hỗ trợ người chăn nuôi bằng hình thức khoanh, giãn nợ và giảm lãi suất cho vay. Liệu việc hỗ trợ này có kéo dài được mãi hay không?”, ông Nam băn khoăn.

Mặc dù việc giảm lãi suất hoặc cơ cấu lại nợ đã trở thành chiếc phao cứu sinh giúp người chăn nuôi lợn vượt khó. Song việc hỗ trợ này không thể kéo dài. Bởi các ngân hàng cũng sẽ gặp không ít khó khăn khi thực hiện hỗ trợ nhà nông theo cách này. Ông Nguyễn Thanh Tuyền, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Miện thừa nhận: "Khoanh hay giãn nợ cho các hộ chăn nuôi lợn chỉ là giải pháp tạm thời, không thể thực hiện mãi được. Bởi khi nông dân được khoanh hoặc giãn nợ, nhóm nợ của ngân hàng sẽ dần rơi vào nhóm không tốt và nợ xấu có xu hướng tăng. Nợ quá hạn tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng”.

Nhiều hộ chăn nuôi lại cho rằng việc giãn nợ chỉ giúp các hộ kéo dài thời gian trả gốc hoặc lãi. “Người chăn nuôi muốn được các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất hơn là gia hạn hoặc khoanh lại nợ. Hiện tại chăn nuôi lợn vẫn khá bấp bênh, vẫn chưa có lãi. Người chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn vì sợ giá bán vẫn thấp, đầu ra khó khăn”, chị Nguyễn Thị Tươi ở thôn Côi Hạ, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) kiến nghị.

Ngoài thực hiện khoanh, giãn nợ, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn cho các hộ chăn nuôi có đủ điều kiện tiếp tục được vay vốn để tái đàn. Đến đầu tháng 8, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cho vay hơn 87 tỷ đồng để các hộ dân tiếp tục phát triển chăn nuôi.

Mặc dù vậy, không thể mãi trông chờ vào sự hỗ trợ của các ngân hàng mà tỉnh cần sớm tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi quy mô lớn hiện đại thay vì phát triển chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ. Việc hỗ trợ cũng cần công bằng, minh bạch để các hộ chăn nuôi khó khăn thực sự được hưởng lợi từ sự chung tay, chia khó của ngành ngân hàng.

PV


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân hàng "chia lửa" cùng người nuôi lợn