Ngăn chặn vi phạm hành lang bảo vệ đường bộ

12/10/2011 14:24

Thời gian qua, nhiều chính quyền cấp xã, cấp huyện buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ gia tăng, tai nạn giao thông tiếp diễn.


Lực lượng chức năng phường Hải Tân (TP Hải Dương) giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông

Những năm gần đây, các trục giao thông thuận tiện của tỉnh thu hút ngày một nhiều các nhà đầu tư. Các đầu mối giao thông và ven các trục đường chính xuất hiện nhiều chợ, điểm kinh doanh dịch vụ, nhà ở... Vì vậy, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ ngày càng  gia tăng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông vẫn xảy ra nhiều thời gian qua. Mặt khác, việc lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT) gây cản trở việc mở rộng, phát triển giao thông trước mắt và lâu dài.

Trên các tuyến quốc lộ 5, 37, 18, các tuyến đường tỉnh 388, 391, 38B, 392... hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu, điểm dịch vụ, cơ quan, doanh nghiệp, trường học đấu nối thẳng ra mặt đường. Trong khi những tuyến đường có hệ thống đường gom chiếm một phần rất nhỏ trong toàn bộ chiều dài quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện. Thì việc đấu nối trái phép với các tuyến đường thời gian gần đây, đã biến thành có phép. Nguyên nhân là do lực lượng thanh tra giao thông vận tải đã tăng cường kiểm tra, xử lý, lập biên bản hiện tượng vi phạm trên nên các doanh nghiệp, nhà hàng, điểm kinh doanh xăng dầu, trường học... đã xin phép cơ quan chức năng để hợp lý hóa về mặt hành chính. Nhưng thực chất việc các tuyến đường có quá nhiều điểm đấu nối làm nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cũng tăng cao.

Điểm vi phạm đáng lo ngại là hàng chục cây cầu dân sinh bắc qua hệ thống thủy nông trên các tuyến 38B từ TP Hải Dương đi thị trấn Thanh Miện và đường 396 từ Cống Me (Ninh Giang) đi Chi Lăng Nam (Thanh Miện). Đây là những cây cầu bê tông cốt thép của một hộ dân hoặc vài hộ dân tự ý xây dựng qua kênh thủy nông, đấu nối trực tiếp vào các tuyến đường lớn. Tại xã Đồng Tâm (Ninh Giang), ven quốc lộ 37, hàng chục hộ đã đấu giá mua đất ven đường. Trong khi chưa có đường gom dân sinh, nhân dân tự ý mở thẳng đường ra quốc lộ để lấy lối đi. Không chỉ có cầu dân sinh, hàng loạt cầu do dự án phát triển nông nghiệp và nông thôn xây dựng bắc qua kênh thủy nông, đấu nối vào đường tỉnh 390 thuộc 6 xã khu Hà Đông (Thanh Hà) không có sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với ngành giao thông vận tải. Một điểm đấu nối được nhân dân phản ánh nhiều là việc Công ty Xi măng Phúc Sơn (Kinh Môn) tự làm đường từ trong doanh nghiệp ra tỉnh lộ 388, ngay dưới chân dốc cầu Hiệp Thượng, rất nguy hiểm cho các phương tiện lên, xuống dốc phía thị trấn Phú Thứ. Cũng tại đây, con đường dưới gầm cầu Hiệp Thượng có khoảng tĩnh không là 3,2 mét, có biển báo, song rất nhiều xe ô- tô có chiều cao quá giới hạn đi vào va chạm gây mẻ rầm cầu. Về nguyên tắc, các tuyến đường đấu nối với quốc lộ, tỉnh lộ phải có biển báo, sơn gờ giảm tốc, vạch kẻ đường, mở rộng đường cua... Nhưng do số điểm đấu nối quá nhiều nên ngành giao thông không đáp ứng đủ những nguyên tắc này.

Một vi phạm hành lang giao thông khác dễ nhận thấy trên những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ là các điểm chợ họp lấn đường, gây ùn tắc giao thông. Trên tuyến quốc lộ 37 thường xuyên có các điểm chợ như ở hai đầu cầu Ràm thuộc các xã Tân Hương và Nghĩa An (Ninh Giang); khu vực ngã tư Bưu điện, thị trấn Gia Lộc; chợ cá Thạch Khôi (TP Hải Dương); đầu chợ phố Mạc Thị Bưởi (thị trấn Nam Sách); chợ Thanh Quang (Nam Sách)... Trên tuyến tỉnh lộ 390 có các chợ Tiền Tiến thuộc xã Tiền Tiến, chợ Nứa (xã Thanh Hải, Thanh Hà)...  Trên trục đường 391, quốc lộ 37 còn có hàng loạt các điểm bán hoa quả, thực phẩm ven đường làm cản trở, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Nhiều điểm doanh nghiệp và người dân cố tình xây dựng công trình trái phép như quán bán hàng, nhà ở, dựng biển quảng cáo trong hành lang bảo vệ đường bộ. Nhiều công trình đã xây dựng từ những năm trước, nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ, tỉnh chưa có kinh phí giải tỏa...

Theo quy định, hành lang bảo vệ đường bộ hiện nay mỗi bên là: 47 mét với đường cao tốc; 17 mét với đường cấp I, cấp II; 13 mét với đường cấp III; 9 mét với đường cấp IV, cấp V; 4 mét với đường dưới cấp V. Việc vi phạm hành lang an toàn đường bộ không những tiềm ẩn gây tai nạn giao thông mà còn ảnh hưởng tới phát triển giao thông. Những công trình xây dựng, điểm bán xăng dầu cấp phép sát với mặt đường... sẽ là những điểm khó giải tỏa để mở rộng đường. Nếu không duy trì tốt hành lang an toàn đường bộ sẽ tạo nên gánh nặng tài chính cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng trong việc mở rộng, nâng cấp đường. Thời gian qua, nhiều chính quyền cấp xã, cấp huyện buông lỏng quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ. Các đơn vị quản lý đường chưa sâu sát, khi phát hiện vi phạm chưa kiên quyết, chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các ngành chức năng ngăn chặn có hiệu quả những vi phạm.

Để khắc phục tình trạng trên, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, cán bộ ngành giao thông vận tải. Vừa tăng cường tuyên truyền, vừa kiên quyết xử lý  các vi phạm hành lang bảo vệ đường bộ. Đơn vị quản lý đường bộ cần làm tốt việc tuần đường, sớm phát hiện vi phạm, báo cáo và phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời xử lý. Ngành giao thông khảo sát, kiểm tra bổ sung đầu tư xây dựng hợp lý hóa hướng dẫn giao thông trên các tuyến trọng điểm. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn có kế hoạch, quy hoạch, tìm nguồn tài chính, từng bước xây dựng hệ thống đường gom cho các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng, nhằm bảo đảm ATGT và tạo tiền đề cho việc phát triển giao thông sau này.

ANH TUẤN

(0) Bình luận
Ngăn chặn vi phạm hành lang bảo vệ đường bộ