Ngăn chặn tình trạng HSSV vi phạm giao thông

18/09/2011 13:51

Các vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh, sinh viên tập trung vào các hành vi: khi tan trường, túm năm, tụm ba dừng xe dưới lòng đường...



Hằng ngày, nhiều học sinh vẫn đi xe đạp ngược chiều trên quốc lộ 37. Ảnh: Nguyên Dã


Hiện nay, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của học sinh, sinh viên (HSSV) vẫn không giảm. Các vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) của HSSV tập trung vào các hành vi: khi tan trường, túm năm, tụm ba dừng xe dưới lòng đường, đi xe đạp dàn hàng ngang, đi xe máy kẹp ba kẹp bốn, lạng lách, đánh võng; điều khiển xe mô-tô không giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm; không chấp hành tín hiệu đèn giao thông; uống rượu, bia phóng nhanh, vượt ẩu... Không khó nhận thấy HSSV vi phạm giao thông khi đầu giờ, lúc tan trường, đặc biệt càng nhức nhối trên các tuyến quốc lộ 5, 18, 37, những tuyến tỉnh lộ 388, 390, 391, 392... Năm 2010, toàn tỉnh xảy ra 207 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 210 người chết, 104 người bị thương. Trong đó có 40% số nạn nhân chết từ 12 đến 27 tuổi.

Nhiều vụ TNGT thương tâm xảy đến với HSSV. Riêng Trường Đại học Sao Đỏ với trên 11 nghìn HSSV, có năm có tới 3 sinh viên chết do TNGT. Gần đây, ngày 3-5-2011, tại quốc lộ 5, đoạn qua huyện Kim Thành đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 người chết, 1 người bị thương, trong đó có 2 học sinh THPT. Cũng tại huyện Kim Thành trước đó, ngày 21-3-2011, 1 học sinh THPT đi xe mô-tô không làm chủ tốc độ đâm vào một mô-tô khác chạy ngược chiều và bị chết. Tính trong vòng 5 năm học gần đây, toàn tỉnh đã có 5 giáo viên và 12 HSSV chết do TNGT. 6 tháng đầu năm 2011 đã có 1 giáo viên và 3 học sinh chết do TNGT.

TNGT đối với HSSV có nhiều nguyên nhân, trong đó nhận thức của các em về các quy định của pháp luật về giao thông còn hạn chế, đôi khi cứ “hồn nhiên” vi phạm luật giao thông. Nguyên nhân về tâm sinh lý, do các em đang ở tuổi hiếu động, thích thể hiện mình trước đám đông và không ý thức được hết các nguy hiểm khi tham gia giao thông. Mặt khác, các trường học thường nằm sát các đường giao thông, đầu giờ và lúc tan học, học sinh tràn ra đường khiến lượng người và phương tiện tăng đột biến. Giao thông khu vực cổng trường trở nên rất phức tạp. Một nguyên khác là nhân do nhiều gia đình buông lỏng quản lý, chiều con, giao cả xe máy cho con làm phương tiện đi lại. Khi con gây TNGT, vi phạm giao thông, bị lực lượng CSGT xử lý lại chạy vạy, xin xỏ. Ngoài ra, nhiều người lớn vi phạm cũng làm lây sang các em ý thức coi thường các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. Một nguyên nhân không thể bỏ qua đó là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng; cảnh sát giao thông, các nhà trường, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm ở lứa tuổi HSSV,  còn thiếu sự gắn kết giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng trong giáo dục ý thức cho các em.


Đoàn thanh niên các khối huyện Kinh Môn ký cam kết bảo đảm ATGT


Trước tình hình TNGT trong HSSV đáng lo ngại, nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện, các trường THPT, trung tâm kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề, các trường chuyên nghiệp, các trung tâm giáo dục thường xuyên hằng năm triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục chính khóa về ATGT cho HSSV. Các trường chuyên nghiệp đưa nội dung giáo dục ATGT vào trong “Tuần sinh hoạt công dân HSSV”. Các trường THCS, THPT tổ chức dạy về ATGT cho học sinh chương trình nội khóa giáo dục công dân, thực hành ngoại khóa từ lớp 6 đến lớp 12. Các trường tiểu học và mầm non thực hiện tốt chương trình của sách giáo khoa về giáo dục ATGT. Toàn ngành phát động giáo viên làm đồ dùng dạy học ATGT trong trường học, tổ chức các nội dung về ATGT trong các nội dung hoạt động ngoài giờ lên lớp với hình thức phong phú, phù hợp với cấp học, ngành học, giúp cho học sinh có kỹ năng đến trường, đi học an toàn. Chỉ đạo các trường, trung tâm giáo dục thường xuyên phối hợp với cảnh sát giao thông tổ chức tuyên truyền pháp luật về giao thông gắn với bảo đảm ATGT đường bộ, đường sắt, đường sông. Ngành cũng đã phối hợp với Honda mô-tô Việt Nam triển khai thí điểm  giáo dục “ATGT cho nụ cười trẻ thơ” tại 8/12 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, tập huấn cho 191 cán bộ, giáo viên và 183 trường tiểu học, phát cho học sinh và để trong tủ sách thư viện hơn 20 nghìn quyển sách về ATGT. Tiếp tục duy trì hoạt động với quỹ Toyota Việt Nam, sử dụng hiệu quả sách Pokemon và đĩa DVD về giáo dục ATGT...

Ngay trong tháng ATGT này, nhiều hoạt động rầm rộ của tổ chức đoàn thanh niên các cấp hướng đến công tác ATGT và chủ đề Tháng ATGT “Phòng, chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. Tỉnh đoàn đã chọn Trường THPT Kinh Môn II làm điểm hưởng ứng Tháng ATGT. Chỉ đạo tổ chức đoàn cấp cơ sở, đoàn trường thành lập 12 đội thanh niên xung kích cấp huyện và hàng trăm đội thanh niên xung kích xã, phường. Đội thanh niên tình nguyện xã, phường là lực lượng nòng cốt xây dựng tuyến phố văn minh, hướng dẫn trật tự ATGT ở các điểm nút giao thông đông người vào giờ cao điểm. Đoàn Thanh niên Kinh Môn hưởng ứng Tháng ATGT với 2 nội dung: “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ toàn cầu” và cuộc vận động “Văn hóa giao thông vì bình yên sông nước”. HSSV Trường Đại học Sao Đỏ (Chí Linh) tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia; những lỗi vi phạm giao thông thường gặp, các chi đoàn trong nhà trường ký cam kết không vi phạm giao thông, HSSV không uống rượu, bia khi tham gia giao thông.

Để giảm thiểu TNGT trong HSSV, hiệu trưởng các trường cần quản lý chặt chẽ, hướng dẫn HSSV chấp hành Nghị quyết 32/2007/NQ- CP của Chính phủ. Thường xuyên nhắc nhở, đưa ATGT vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, lễ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội. Quy định việc đánh giá đạo đức đối với HSSV vi phạm giao thông. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát kiên quyết xử lý học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển mô-tô, xe máy. Đặc biệt, xử lý nghiêm khắc những trường hợp uống rượu, bia vẫn tham gia giao thông, gây TNGT, ứng xử thiếu văn hóa khi tham gia giao thông. Các bậc cha mẹ quan tâm hơn nữa việc giáo dục đạo đức và ý thức pháp luật của con cái; không dung túng, tiếp tay cho con vi phạm giao thông như mua xe mô-tô khi chưa đủ tuổi, giao xe cho con khi chưa có bằng lái... Với những biện pháp đồng bộ, phát huy sức mạnh của cả cộng đồng, xã hội trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, tin rằng, pháp luật về giao thông sẽ đi vào cuộc sống, góp phần hạn chế, đẩy lùi TNGT trong HSSV tỉnh nhà.

ANH TUẤN

(0) Bình luận
Ngăn chặn tình trạng HSSV vi phạm giao thông