Thời gian gần đây, dư luận trở nên bức xúc hơn bao giờ hết trước những vụ tai nạn giao thông (TNGT).
Vụ tai nạn tại hầm Kim Liên (Hà Nội) làm 2 phụ nữ tử vong. Ảnh Facebook
Trước đây, báo chí thường thông tin do lái xe mất lái gây ra những vụ TNGT nghiêm trọng, còn bây giờ cụm từ thường xuyên được nhắc tới là do "lái xe uống bia rượu", "lái xe nghiện ma túy". Rượu bia và ma túy đang đồng hành cùng những lái xe coi thường luật pháp.
Ở Hà Nội, chỉ trong 9 ngày từ 21.4 - 1.5.2019 đã xảy ra 2 vụ xe ô tô đâm chết tại chỗ 3 người. Đó là Đỗ Xuân Tuyên sau khi uống 5-7 cốc bia, lái ô tô tông chết chị Lê Thị Thu Hà, công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị Đống Đa đang làm việc. Đó là Lê Trung Hiếu sau khi uống 6 chai bia và thêm rượu nữa, lái xe ô tô đâm chết hai phụ nữ đi xe máy tại hầm chui Kim Liên. Những cái chết oan ức, tức tưởi của ba người phụ nữ còn trẻ và gánh trên vai trách nhiệm nặng nề của gia đình đã lấy đi nước mắt của nhiều người. Có người đã thốt lên những quái xế ma men, nghiện ngập thật chẳng khác gì lũ khủng bố.
Cũng như sau bao vụ TNGT nghiêm trọng khác, các cơ quan chức năng lại nhắc nhở, hô hào siết chặt kiểm tra, ngăn chặn, nâng mức trừng phạt… Khá nhiều biện pháp để phòng chống tác hại rượu bia nhưng chỉ là phần ngọn, kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.
Chẳng hạn, tuyên truyền giáo dục ư? Cần thiết và đã tốn khá nhiều thời gian, giấy mực đến nỗi con trẻ ngồi trên xe bố lái còn biết nhắc “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Nhưng uống rượu bia như uống nước đã thành phong trào ở số đông người cả trẻ lẫn già thì việc giảm thiểu hay tự bỏ là vô cùng khó khăn…
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát lái xe về nồng độ cồn hay có dấu hiệu ma túy ư? Rất cần, nhưng với hàng triệu các phương tiện ô tô, xe máy di chuyển ngày đêm thì không có một lực lượng nào theo dõi xuể. Mặt khác, không thể kiểm tra nổi bởi trên các tuyến giao thông và dân cư, ở đâu cũng có hàng quán bầy bán rượu bia nên lái xe cũng như mọi người thích dùng lúc nào chẳng được!
Nâng mức chế tài xử phạt vi phạm ư? Vẫn chỉ loay hoay quanh việc phạt hành chính, phạt tiền, tạm giữ phương tiện, bằng lái… dù đã nâng lên nhưng tác động chưa đủ sức răn đe.
Cho nên tai họa do con người gây ra vẫn cứ tiếp diễn. Trong 4 tháng đầu năm 2019, bình quân trên cả nước mỗi ngày có 20 người ra đi không trở về. Trong 5 ngày nghỉ lễ 30.4 và 1.5 có 96 người chết. Ấy là chưa kể có cả ngàn người thương tật, bao nhiêu tài sản thiệt hại và rất nhiều hệ lụy khác. Theo các cơ quan chức năng, có tới hơn 40% số vụ TNGT mà nguyên nhân từ rượu bia. Vì thế rất cần ban hành một bộ luật về phòng chống tác hại của rượu bia. Luật cần xác định tội lạm dụng rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng phải bị xử nặng, phải quy định rõ ràng, cụ thể về chính sách sản xuất, phân phối, xuất nhập khẩu, đối tượng tiêu thụ… cùng các chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm luật.
Tại phiên họp toàn thể ngày 24.4.2019 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã một lần nữa khẳng định việc ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu bia thực sự cấp thiết. Bộ trưởng nêu quyết tâm của ngành y tế phải làm quyết liệt cho ra luật này để người dân sớm được hưởng thành quả, hạn chế tác hại của việc lạm dụng rượu bia. Dư luận hy vọng, chờ đợi luật ra đời và việc tổ chức thực hiện nghiêm minh, thực sự là cái gốc quan trọng ngăn chặn việc lạm dụng rượu bia.
NGUYỄN THẾ (TP Hải Dương)