Giáo viên dạy tin học trong các trường tiểu học, THCS phần lớn thuộc diện hợp đồng, chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều người không trụ nổi với đồng lương thấp đã bỏ nghề.
9 năm qua, thầy giáo Trần Văn Đức là giáo viên tin học hợp đồng, thu nhập thấp
Cuộc sống bấp bênh
Đã có 9 năm công tác ở nhiều trường khác nhau trong huyện, thầy giáo Trần Văn Đức đang dạy tin học ở Trường Tiểu học Liên Hòa (Kim Thành) không nghĩ hành trình theo nghề làm thầy của mình lại gặp nhiều trắc trở, gian nan như vậy. Luôn nhiệt tình truyền thụ kiến thức cho học sinh bằng tình yêu và trách nhiệm nhưng đến giờ thầy Đức vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng ngắn hạn. Từ năm 2016 về trước, thầy còn được ký hợp đồng cả năm học nên nghỉ hè vẫn có lương, được hưởng phụ cấp đứng lớp và nhà trường hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng sang năm 2017, thầy chỉ còn được ký hợp đồng 10 tháng và tiền dạy trả theo tiết, mỗi tiết 70.000 đồng.
Giống như thầy Đức, năm học 2008 - 2009, cô giáo Nguyễn Thị Hải Dương bắt đầu dạy tin học ở một trường tiểu học của huyện Cẩm Giàng. Mong muốn của cô là được ổn định công việc, cuộc sống. Nhưng sau bao năm công tác, cô Dương vẫn là giáo viên hợp đồng ngắn hạn.
Nhiều năm nay, giáo viên dạy tin học ở bậc tiểu học, THCS không được thi tuyển hoặc xét tuyển vào biên chế nên số lượng giáo viên hợp đồng lớn. Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), toàn tỉnh hiện có 230 giáo viên dạy tin học cấp tiểu học thì hầu hết thuộc diện hợp đồng; cấp THCS cũng có 67 trong tổng số 142 giáo viên thuộc diện hợp đồng.
Các giáo viên tin học hợp đồng chịu rất nhiều thiệt thòi. Ông Đỗ Anh Hào, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học (Sở GDĐT) cho biết: "Hiện nay, do tỉnh không bố trí nguồn ngân sách chi trả nên các trường phải thu của học sinh để trả tiền công cho giáo viên hợp đồng. Do vậy, chế độ của họ ở mỗi địa phương, mỗi trường một khác. Có trường trả tiền công theo tháng, có trường trả theo tiết".
Thu nhập của giáo viên tin học hợp đồng rất thấp. Có trường ít học sinh, nguồn thu thấp nên chỉ trả cho giáo viên 35.000 đồng/tiết. Ngoài ra, giáo viên hợp đồng không được hưởng phụ cấp đứng lớp và hầu hết phải tự đóng bảo hiểm xã hội. Thầy giáo Đức chia sẻ: "Hiện nay, tôi dạy 2trường với tổng số 28 tiết/tuần. Hằng tháng, tôi phải đóng bảo hiểm xã hội mất gần 1,4 triệu đồng cộng với tiền xăng xe đi lại từ nhà đến 2 trường. Tính ra mỗi tháng thu nhập của tôi chỉ còn hơn 3 triệu đồng".
Mắt xích quan trọng
Thu nhập thấp, tâm lý không yên tâm công tác luôn thường trực ở mỗi giáo viên hợp đồng nên dù yêu nghề nhưng nhiều người đành ngậm ngùi đi tìm công việc khác khiến các trường gặp nhiều khó khăn.
Giáo viên dạy tin học còn hỗ trợ các giáo viên khác ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp dạy học
Đầu tháng 11.2017, một giáo viên tin học hợp đồng của Trường Tiểu học Ngũ Phúc (Kim Thành) đã phải xin nghỉ việc để chuyển công tác. Phòng GDĐT huyện Kim Thành đã điều 2 giáo viên ở trường khác về dạy tăng cường. Trước đây, có giáo viên chuyên tin, hầu hết mọi việc liên quan đến máy vi tính hay ứng dụng công nghệ thông tin đều được giải quyết kịp thời. Nay thì việc gì cũng phải gọi thợ sửa chữa máy tính bên ngoài. Cô giáo Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Do giáo viên dạy tăng cường chỉ có mặt ở trường vào ngày có tiết dạy nên những ngày khác khi hệ thống máy vi tính của trường gặp sự cố lại phải gọi thợ mà không phải lúc nào họ cũng đến ngay".
Chưa thống kê được đầy đủ nhưng ở bậc tiểu học có vài chục giáo viên, còn bậc THCS có 8giáo viên tin học hợp đồng đã bỏ nghề. Thậm chí có cả giáo viên trong biên chế cũng bỏ việc.
Hiện nay, ngành GDĐT của tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng quản lý và dạy học. Do vậy, giáo viên tin học là một mắt xích quan trọng trong các nhà trường. Ngoài dạy theo chương trình, họ còn hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng tin học, ứng dụng công nghệ thông tin cho các giáo viên khác. Bên cạnh đó, các giáo viên tin học còn quản lý phòng tin học, website kiêm thợ sửa chữa máy vi tính cho các nhà trường.Vì vậy, chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn là thiệt thòi lớn cho họ.
DANH TRUNG