Ngày 4.5, cơ quan chức năng đã niêm phong nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị của Công ty Xi măng Phúc Sơn (Kinh Môn) do các hành vi vi phạm trong bảo vệ môi trường.
Niêm phong dây chuyền sản xuất của Công ty Xi măng Phúc Sơn
Không du diNgày 3.2.2017, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ra quyết định xử phạt 360 triệu đồng, yêu cầu dừng hoạt động 3 tháng đối với Công ty Xi măng Phúc Sơn do vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường
(BVMT). Trong quá trình hoạt động, công ty chưa xây lắp hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, hệ thống tách dầu để xử lý nước vệ sinh công nghiệp, chưa có hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn qua bãi phế liệu về hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường, chưa có biện pháp xử lý khí thải gây ô nhiễm, vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải đồng thời với quá trình vận hành thử nghiệm dự án…
Công ty còn không vận hành thử nghiệm và không có kết quả phân tích mẫu chất thải trong quá trình vận hành thử nghiệm trước khi đưa các công trình xử lý chất thải, dự án đi vào hoạt động.
Trước đề nghị của Công ty Xi măng Phúc Sơn về việc cơ quan chức năng xem xét, tạo điều kiện chỉ đình chỉ hoạt động và niêm phong 1 dây chuyền do công ty còn có nhiều đơn hàng đã ký, việc làm và thu nhập của gần 1.300 công nhân sẽ bị ảnh hưởng, ông Biện Tuấn Anh, Phó Chánh văn phòng Cục Kiểm soát hoạt động BVMT (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng trước mắt công ty phải thực hiện nghiêm quyết định xử phạt. Công ty phải nhanh chóng hoàn thành các công trình BVMT và chỉ được phép hoạt động trở lại khi đã khắc phục xong hậu quả.
Đại diện các sở, ngành, địa phương cũng yêu cầu công ty phải chấp hành nghiêm quyết định xử phạt, không đánh đổi sự phát triển lấy ô nhiễm môi trường theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Như vậy, toàn bộ dây chuyền sản xuất và xưởng sản xuất bao bì của công ty đã bị niêm phong từ 8 giờ 30 ngày 4.5.2017.
Bài học đắt giá
Sau khi công ty dừng hoạt động, người lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề
Trước mắt, việc dừng hoạt động đã gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Ông Bùi Duy Khánh, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết việc dừng hoạt động có thể dẫn tới công ty bị đối tác phạt vì không tuân thủ hợp đồng xuất khẩu xi măng và clinker đã ký với đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, lượng hàng tiêu thụ trong nước chắc chắn sẽ giảm mạnh. Ước tính lượng xi măng tiêu thụ trong thời gian công ty dừng hoạt động lên tới 500.000 tấn. "Nỗi lo lớn nhất là công ty sẽ mất khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất xi măng ngày càng gay gắt như hiện nay", ông Khánh cho biết.
Đặc biệt, đời sống của gần 1.300 công nhân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Chế độ chính sách cho người lao động ra sao, giữ chân người lao động thế nào là điều mà công ty đang tính đến.
Là công nhân trong xưởng sản xuất bao bì, anh Nguyễn Văn Hảo quê ở xã Duy Tân lo lắng: "Không biết trong thời gian nghỉ việc chúng tôi sẽ được hưởng chế độ, chính sách gì. Không có việc, không có thu nhập, tôi chưa biết xoay xở thế nào?". Đây cũng là tâm trạng lo lắng của rất nhiều công nhân khi biết tin công ty sẽ phải dừng hoạt động 3 tháng.
Hệ thống xử lý nước thải tạm thời
Ông Trần Duy Khánh cho biết thêm công ty chấp nhận quyết định xử phạt vì vi phạm đã rõ. Công ty đã rà soát, khắc phục được một số tồn tại, vi phạm. Hiện công ty đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi chờ công trình hoàn thành, công ty tiến hành lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung dạng modul di động. Dự kiến đến ngày 7.5 sẽ lấy mẫu phân tích để đánh giá hiệu quả xử lý. Nếu đạt yêu cầu, hệ thống này đủ khả năng để xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh. Công ty sẽ cố gắng khắc phục hậu quả vi phạm trong thời gian sớm nhất để có thể đưa các dây chuyền hoạt động trở lại, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Công trình xử lý nước thải đang được xây dựng
Có thể thấy việc dừng hoạt động của Công ty Xi măng Phúc Sơn không chỉ là bài học cho chính doanh nghiệp này mà còn là lời cảnh tỉnh cho những doanh nghiệp khác cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật về BVMT.
VỊ THỦY