Gia đình

Ngại yêu, nhiều người kết hôn khi không còn trẻ

TÂM PHÚC 27/10/2024 13:27

Muốn dành thời gian cho sự nghiệp hoặc thích du lịch khám phá, sợ đổ vỡ, chưa đủ tài chính… là những nguyên nhân khiến cho xu hướng kết hôn muộn đang dần phổ biến.

ket-hon-tuoi-u401.jpg
Chương trình "Ghép đôi siêu tốc" tại phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng (TP Hải Dương) là một điểm đến phù hợp cho bạn nào muốn tìm "một nửa" cho mình (ảnh: CTV)

Cha mẹ đứng ngồi không yên

Khác với quan điểm "trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng" của ông bà, cha mẹ, nhiều bạn trẻ đang có xu hướng dành nhiều thời gian cho bản thân, sự nghiệp thay vì sớm "yên bề gia thất”. Công việc đòi hỏi ngày càng cao, nhiều bạn trẻ bị cuốn đi bởi áp lực công việc nên không có nhiều thời gian giao lưu, kết bạn để tìm được "một nửa" như ý cho mình.

Cũng có nhiều bạn trẻ cho rằng tuổi trẻ là để khám phá, vui chơi nên họ muốn dành nhiều hơn thời gian hơn cho bản thân. Khi còn nhỏ phải học hành, lại không có kinh tế nên không thể tham gia các hoạt động vui chơi hoặc đi khám phá những miền đất mới. Đến khi đi làm, tự chủ kinh tế có thể đi du lịch thỏa thích.

Cũng có người thì vì công việc, thu nhập chưa ổn định nên không dám tính đến việc lập gia đình, sinh con đẻ cái. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân nên độ tuổi kết hôn của thanh niên ngày càng muộn. Mâu thuẫn quan điểm về độ tuổi kết hôn khiến không khí trong nhiều gia đình căng thẳng.

Chị Nguyễn Thu H. ở xã Tân An (Thanh Hà) năm nay 37 tuổi, hiện đang là quản lý cấp phòng của một ngân hàng ở Hà Nội với mức thu nhập khá tốt. Vì tính chất công việc nên chị H. khá bận rộn với những chuyến công tác hoặc các nhiệm vụ kinh doanh. Bố mẹ chị H. năm nay đều gần 70 tuổi, 2 anh chị lớn đã có gia đình riêng, chỉ còn riêng cô út dù đã luống tuổi nhưng vẫn chưa từng dẫn bạn trai về ra mắt. Điều này khiến bố mẹ chị H. rất phiền lòng.

“Ngày mới ra trường đi làm thì nó dành thời gian được nghỉ để đi du lịch. Tôi nghĩ con còn trẻ, thích khám phá nên để nó tự do thoải mái. Thêm vài năm nữa, các bạn cùng làng lần lượt lấy chồng lấy vợ, con bé nhà tôi vẫn dửng dưng nên tôi bắt đầu nhắc nhở. Có lần nhắc thì nó ậm ừ, có lần thì nó… dỗi, bỏ lên Hà Nội mấy tháng mới chịu về nhà. Nó bảo công việc bận chưa tìm được ai”, bà T. mẹ chị H. chia sẻ.

Từ khi chị H. đạt mốc 32 tuổi, bố mẹ chị H. thật sự lo lắng, thậm chí còn nói nặng nhẹ với con nhưng dường như không có chuyển biến. Thậm chí, bà T. đã phải nhờ đến giải pháp tâm linh với mong muốn con gái sớm tìm được người như ý, yên bề gia thất. Bà T. đi lễ từ các điện thờ cho tới đền, chùa, từ cúng giải vía cho đến cắt duyên âm… tốn rất nhiều tiền của nhưng đến nay con gái bà vẫn "phòng không".

Cũng từng bị bố mẹ dọa từ mặt nếu không đưa bạn gái về ra mắt, nhưng đến nay dù đã tròn 40 tuổi, anh Phạm Văn T. ở phố Đào Duy Từ, phường Hải Tân (TP Hải Dương) vẫn "ế". Anh T. có ngoại hình ưa nhìn, là nhân viên kinh doanh của một đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh với thu nhập khá so với mặt bằng chung. Công việc không quá bận rộn, anh T. từng dành thời gian đi xem mắt, gặp gỡ nhiều người được giới thiệu nhưng vẫn chưa thể “chốt” được một nàng dâu cho bố mẹ. Nguyên nhân có thể do anh T. có tính cách hơi trầm, cách nói chuyện khá nghiêm túc nên khó tạo ấn tượng với người khác giới khi mới gặp mặt.

Càng "cứng" tuổi anh T. càng ngại gặp gỡ nên bố mẹ anh rất lo lắng. Có lúc bố mẹ anh T. còn cho rằng con mình là người thuộc giới tính thứ 3, nên "bóng gió" bảo anh T. đi khám. “Tôi có mấy người quen hôn nhân đổ vỡ vì vợ chồng không có tiếng nói chung, người thì khó khăn về kinh tế nên tôi cũng ngại lập gia đình”, anh T. lý giải.

ket-hon-tuoi-u402.jpg
Tài chính chưa chắc chắc là lý do khiến nhiều người ngại kết hôn khi còn trẻ (ảnh minh họa)

Hai mặt

Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh năm 2023, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Hải Dương là 27,4 tuổi. Trong đó độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam giới là 29,8 tuổi, nữ giới 25 tuổi. Mặc dù đây là độ tuổi trung bình, nhưng số tuổi này có chiều hướng tăng trong vài năm trở lại đây.

Còn theo thông tin từ Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp được Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức hồi tháng 8, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt đã tăng từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (2019). Sau 4 năm, đến năm 2023 tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi. Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1.

Theo bà Nguyễn Thị Nhâm, Phó Ban Gia đình Xã hội - Kinh tế (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), việc giới trẻ ngày nay kết hôn muộn, thậm chí nhiều người ngại yêu và ngại cưới xuất phát từ nhiều yếu tố xã hội, kinh tế và tâm lý. Theo quan điểm của bà Nhâm, thì việc xu hướng kết hôn muộn mang lại cả lợi ích và thách thức, tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân và xã hội.

Về lợi ích, việc kết hôn muộn sẽ giúp các cặp đôi ổn định về tài chính và sự nghiệp hơn những người kết hôn sớm. Bởi họ có thời gian tập trung vào học tập và phát triển sự nghiệp, biết kiểm soát tài chính tốt hơn, giúp gia đình bền vững hơn.

Kết hôn khi tuổi đã "cứng” cũng giúp các cặp đôi hiểu rõ hơn về bản thân và kỳ vọng trong tình yêu, giúp họ tìm được bạn đời phù hợp, hạn chế cảm xúc bồng bột, giảm khả năng đưa ra quyết định sai lầm trong hôn nhân. Các mối quan hệ được hình thành muộn thường dựa trên sự đồng điệu về giá trị và mục tiêu. Cả hai người có thể đã trải qua một số kinh nghiệm sống, từ đó có khả năng giao tiếp và giải quyết xung đột tốt hơn.

Tuy nhiên, theo bà Nhâm việc kết hôn muộn cũng ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ, quá trình mang thai, sinh con có thể nhiều biến chứng hơn, sức khỏe của con cũng có thể bị ảnh hưởng.

Một khó khăn nữa đối với người kết hôn muộn là họ bị giảm khả năng thích ứng với cuộc sống hôn nhân, bởi khi sống độc thân lâu, mỗi người có xu hướng hình thành thói quen cá nhân khó thay đổi. Và điều khó khăn nữa người kết hôn muộn dễ gặp phải sẽ phải cùng lúc chăm sóc con nhỏ và cha mẹ già yếu sẽ gây căng thẳng về tài chính và tâm lý.

TÂM PHÚC
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngại yêu, nhiều người kết hôn khi không còn trẻ