Điện Kremlin nhấn mạnh sẽ không quay lại hiệp ước New START nếu phương Tây không thay đổi thái độ với nước Nga mặc dù đây là hiệp ước giữa Nga với Mỹ.
Ngày 22.2, Duma quốc gia (Hạ viện Nga) đã thông qua đề xuất đình chỉ tham gia hiệp ước New START với Mỹ. Dự kiến Thượng viện Nga cũng sẽ sớm thông qua đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Khi được hỏi Nga sẽ quay trở lại hiệp ước khi nào, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết còn tùy thuộc vào phương Tây.
"Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào lập trường của phương Tây. Nếu có thiện chí tính đến những lo ngại của chúng tôi, tình hình sẽ thay đổi", ông Peskov trả lời ngày 22.2.
New START là hiệp ước duy nhất còn hiệu lực giữa Mỹ và Nga nhằm kiểm soát số đầu đạn hạt nhân, tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và phương tiện phóng.
Hiệp ước có hiệu lực từ năm 2011, trong đó quy định mỗi nước không triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Giới phân tích tin rằng việc Nga đình chỉ tham gia New START là nhằm kéo thêm các nước đồng minh khác của Mỹ có vũ khí hạt nhân vào hiệp ước. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga đã cam kết sẽ không tăng số vũ khí hạt nhân sẵn sàng triển khai sau tuyên bố của ông Putin.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả động thái của Nga là "vô cùng đáng tiếc và vô trách nhiệm". Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thì cảnh báo quyết định của Nga khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn và kêu gọi ông Putin xem xét lại.
Hiệp ước New START đã được gia hạn một lần vào năm 2021 và dự kiến hết hiệu lực vào tháng 2.2026. Theo quy định, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm.
Nga và Mỹ có quyền đơn phương rút khỏi hiệp ước nếu thấy có các hành động của bên còn lại đe dọa lợi ích tối cao của quốc gia. Bên rút lui cần phải gửi thông báo cho bên còn lại và nêu bằng chứng các hành động xâm phạm lợi ích tối cao của mình.
Hiệp ước cũng cho phép hai bên đề xuất sửa đổi các điều khoản song không có quy định nào liên quan việc tạm đình chỉ tham gia.
Theo giới phân tích, việc Nga đình chỉ tham gia New START có thể làm phức tạp quá trình đàm phán gia hạn hiệp ước trong vòng ba năm tới.
Cũng trong ngày 22.2, Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Matxcơva sẽ theo dõi sát mọi động thái tiếp theo của phương Tây và cân nhắc đáp trả nếu cần thiết.
Khi được hỏi về thông tin trên Đài CNN rằng Nga vừa thử nghiệm thất bại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat hồi đầu tuần này, quan chức Nga đã lập tức bác bỏ. "Không thể tin vào mọi thứ xuất hiện trên truyền thông, đặc biệt nếu là do CNN nói", ông Ryabkov phản bác.
Sarmat là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới của Nga, có khả năng mang cùng lúc nhiều đầu đạn hạt nhân.
Theo Tuổi trẻ
>>> Tổng thống Putin tuyên bố chấm dứt hiệp ước hạt nhân với Mỹ