Cuối tuần trước, lực lượng quân đội Chính phủ Syria đã mở một cuộc tấn công nhằm vào phe đối lập tại thị trấn Douma, gần thủ đô Damascus (Syria).
Đây là khu vực cuối cùng tại Đông Ghouta hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng nổi dậy. 70 dân thường thiệt mạng và hơn 500 người khác bị thương, trong đó có hàng chục trẻ em. Điều đáng chú ý, nhiều nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công lần này gặp vấn đề về hô hấp. Một tuần kể từ sau thời điểm đó, thế giới đã chứng kiến sự căng thẳng trực diện chưa từng có giữa Nga và Mỹ kể từ thời Chiến tranh lạnh, nguy cơ “miệng hố chiến tranh” khu vực Trung Đông đang nóng hơn bao giờ hết.
Phát biểu tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sau cuộc tấn công được cho là đã sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley đã chỉ trích mạnh mẽ Nga và cho rằng nước này “không biết xấu hổ khi bàn tay nhuốm máu trẻ em và dân thường tại Syria”.
Nga-Mỹ và cuộc chiến tại Syria. Ảnh: CNN
Theo nhiều chuyên gia quan sát, đã từ lâu, Nhà Trắng và các phương tiện truyền thông Mỹ đều lặp đi lặp lại một “lối đánh” quen thuộc nhằm tạo dựng sự hỗ trợ tối đa cho chính quyền Donald Trump trong các vấn đề ngoại giao liên quan đến Nga và Syria. Đặc biệt là trong một chiến lược can thiệp quân sự kiểu mới tại khu vực Trung Đông này. Dân thường và trẻ em, những nạn nhân chiến tranh, được Washington sử dụng như một “con bài” nhằm công kích Điện Kremlin.
Tuy nhiên, có lẽ Nhà Trắng lại “quên đi” những thiệt hại mà chính Mỹ gây ra trong các cuộc chiến có sự can dự của nước này. Washington một mặt hướng sự chú ý của thể giới dồn vào Nga bằng các chỉ trích thậm tệ sau vụ tấn công bị cáo buộc là đã sử dụng vũ khí hóa học. Mặt khác, Nhà Trắng cố tình lờ đi chính những hậu quả mà nước này gây ra trong các vụ can thiệp quân sự trước đây tại Raqqa (Syria) hay tại Mosul (Iraq)... Chính nước cờ này đã tạo nên một làn sóng “bài Nga” lan rộng suốt một tuần lễ qua.
Căng thẳng Nga-Mỹ leo thang nhanh chóng sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ tiến hành công kích nhằm vào lực lượng quân đội chính phủ Syria. Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào nhằm vào Syria. Gần đây nhất, trên trang Tweeter cá nhân, Donald Trump đã đưa ra cảnh báo tới Moskva rằng “hãy sẵn sàng” và cho biết tên lửa Mỹ “sẽ được phóng tới, tối tân, công nghệ mới và rất thông minh”.
Về phần mình, phản ứng trước những cáo buộc, chỉ trích và đe dọa từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cảnh báo rằng “tên lửa thông minh” của Mỹ nên nhằm vào lực lượng khủng bố thay vì nhằm vào chính phủ hợp pháp Syria. Điện Kremlin công khai sự ủng hộ đối với chính quyền Bashar al-Assad và cho rằng quân đội chính phủ đang trong một cuộc chiến chung chống lại lực lượng khủng bố toàn cầu trong suốt những năm qua.
Sau vụ tấn công hồi cuối tuần trước, điều mà các bên quan tâm và cáo buộc lẫn nhau là liệu rằng đây có phải một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học và ai đứng đằng sau vụ tấn công đó. Để tìm ra câu trả lời, HĐBA LHQ cần thông qua một nghị quyết để tiến hành điều tra. Song cho đến hiện tại cơ quan này vẫn chưa thể thông qua bất kỳ một nghị quyết nào, dù đã có đến 3 dự thảo được đệ trình.
Dân thường và trẻ em bị kẹt trong cuộc chiến. Ảnh: The Independent
Trong bối cảnh đó, Moskva cáo buộc ngược lại Mỹ và cho rằng ý định không kích nhằm vào Syria chỉ là cái cớ nhằm giúp Nhà Trắng dùng chính những tên lửa đó “xóa sạch dấu vết” liên quan đến vụ tấn công tại miền Đồng Ghouta vừa qua.
Đồng thời, bình luận trên chính trang Tweeter cá nhân của Tổng thống Donald Trump, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã ám chỉ cách thức “ngoại giao tweeter” của Tổng thống Donald Trump là thiếu khôn ngoan. Theo ông Peskov, Nga không tham gia vào “kênh ngoại giao Tweeter”, thay vào đó Moskva ủng hộ những cách thức tiếp cận nghiêm túc đồng thời cho rằng các bên cần kìm chế nhằm tránh đẩy tình hình đi quá xa.
Cho đến lúc này, Mỹ liên tục đưa ra những cáo buộc chống lại Nga và chính quyền Bashar al-Assad, trong khi Nga phủ nhận hoàn toàn bất kỳ cáo buộc nào về việc nước này dính líu tới vụ tấn công bị cho là sử dụng vũ khí hóa học. Với thái độ dồn dập và sử dụng nhiều chiêu bài ngoại giao, Washington đang tranh thủ sự ủng hộ từ nhiều quốc gia đồng minh nhằm “chuẩn bị cho cuộc chiến”.
Thủ tướng Nga Theresa May đã nhóm họp với Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron nhằm cùng phát đi thông điệp “bộ ba” Anh-Pháp-Mỹ sẽ có động thái phản ứng trước vụ tấn công vào Douma vừa qua. Trong các cuộc điện đàm sau đó, “liên minh” này cùng cho rằng cộng đồng quốc tế cần đoàn kết hơn nữa nhằm bảo đảm rằng chính phủ hiện thời Syria và quốc gia hậu thuẫn phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, Nhà Trắng tuyên bố sẽ tiến hành các hành động cần thiết bất kể có hay không sự ủng hộ từ HĐBA LHQ.
Những động thái khó đoán tiếp theo trong một vài ngày tới có thể sẽ thay đổi tất cả. Khu vực chảo lửa Trung Đông vẫn ngày một nóng lên từng giờ. Và dù Mỹ tiến hành không kích bằng tên lửa thông minh hay Nga thề sẽ bắn hạ bất kỳ quả tên lửa nào được phóng tới, thì bên chịu tổn hại nhất chính là Syria. Nói một cách khác, dù kết quả của “cuộc chơi Nga-Mỹ” này có thể nào, dân thường và trẻ em Syria mới chính là những nạn nhân không may mắn. Tuy nhiên, theo một phát ngôn lạnh lùng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, đây là “điều khó tránh khỏi”.
HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)