Trong khi Washington tố cáo Moscow cung cấp vũ khí cho Syria thì Nga tố ngược lại Mỹ bí mật chuyển vũ khí cho phe nổi dậy chống lại chính quyền.
Những ngày gần đây, người ta chứng kiến một cuộc đối đầu nóng bỏng giữa Nga và Mỹ xung quanh vấn đề cung cấp vũ khí cho Syria.
Sự thực những lời tố cáo trên đến đâu? Nếu việc Nga và Mỹ đang đua nhau tuồn vũ khí vào Syria được chứng minh là có thật thì đây rõ ràng là hành động “đổ dầu vào lửa”, khiến cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông này thêm trầm trọng.
CIA bí mật tuồn vũ khí cho phe nổi dậy Syria?
Các sĩ quan của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang thực hiện một chiến dịch bí mật ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, lực lượng này đang giúp tuồn vũ khí vào cho các chiến binh nổi dậy chống lại chính quyền Syria. Thông tin đó được đăng tải trên tờ New York Times số ra ngày hôm qua (21/6). New York Times cho biết, họ có được thông tin này từ chính các quan chức Mỹ và các sĩ quan tình báo Ả-rập.
"Những vũ khí gồm súng trường tự động, lựu đạn vác vai, đạn dược và một số vũ khí chống tăng đang được tuồn vào qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ thông qua một mạng lưới trung gian bí mật trong đó có Tổ chức Anh em Hồi giáo của Syria. Những người này được trả tiền bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út và Qatar," tờ New York Times cho hay.
Một số lượng nhỏ sĩ quan CIA đang có mặt ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều tuần nay để “tham gia vào hoạt động ngăn chặn không cho vũ khí cấp cho phe nổi dậy rơi vào tay những chiến binh là đồng minh của al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác”, tờ New York Times cho biết thêm.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama khẳng định, Mỹ không cung cấp vũ khí cho các chiến binh nổi dậy ở Syria nhưng đang cung cấp những mặt hàng không gây chết người như thiết bị viễn thông, thuốc men cho lực lượng này.
"Bằng cách giúp đỡ phe nổi dậy, các điệp viên CIA ở Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng có thể tìm hiểu được nhiều hơn về mạng lưới phe đối lập đang ngày càng lớn mạnh và thay đổi bên trong đất nước Syria đồng thời thiết lập những mối quan hệ mới. Các sĩ quan CIA đang ở đó và họ đang tìm cách thiết lập những nguồn tin mới và tuyển mộ thêm người”, một quan chức tình báo Ả-rập tiết lộ.
Các quan chức Mỹ và những quan chức đã nghỉ hưu của CIA cho biết, chính quyền ông Obama cũng đang cân nhắc khả năng trợ giúp thêm cho phe nổi dậy Syria bằng cách cung cấp những hình ảnh vệ tinh cũng như thông tin tình báo chi tiết khác về các địa điểm đóng quân và các hoạt động của quân đội Syria. Ngoài ra, chính quyền Mỹ còn đang xem xét việc giúp phe nổi dậy thiết lập một mạng lưới tình báo thô sơ ban đầu.
Washington và các đồng minh phương Tây đang muốn chứng kiến một cuộc chuyển giao chính trị êm thấm ở Syria với sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, mong muốn này của Mỹ và phương Tây đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc. Cả Moscow và Bắc Kinh đều chống lại việc các thế lực bên ngoài can thiệp vào để lật đổ chính quyền Syria.
Nga thừa nhận mối quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự với Syria
Cuộc khủng hoảng ở Syria chứng kiến mâu thuẫn sâu sắc giữa hai phe cường quốc với một bên là Nga-Trung và bên kia là Mỹ và phương Tây. Trong mấy ngày gần đây, Mỹ và phương Tây liên tục cáo buộc Nga cung cấp trực thăng tấn công và tên lửa cho chính quyền Damascus. Phản ứng trước những lời cáo buộc này, Bộ Ngoại giao Nga hôm qua khẳng định, nước này duy trì mối quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự với Syria nhưng không cung cấp vũ khí để chính quyền ông Assad đàn áp phe đối lập.
"Chúng tôi tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự với Syria trong khi vẫn kiềm chế không cung cấp vũ khí để chính quyền ông Assad sử dụng vào các cuộc đàn áp người biểu tình”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich đã nói như vậy với các phóng viên.
Ông Lukashevich kêu gọi tất cả các nước đang cung cấp vũ khí cho khu vực hãy cân nhắc đến nguy cơ những vũ khí này được đem ra sử dụng để chống lại dân thường. Ông Lukashevich kêu gọi những nước đó hãy theo gương Nga.
Phát ngôn viên Lukashevich khẳng định, Moscow sẽ không cho phép Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết can thiệp quân sự vào Syria. "Nguyên tắc chính của Liên Hợp Quốc là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác", ông Lukashevich cho biết.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lên tiếng chỉ trích việc chính phủ Anh can thiệp để chặn không cho tàu chở trực thăng tấn công của Nga đến Syria. Con tàu này đã buộc phải quay trở lại Nga. Ông Lavrov cho rằng, Moscow không có nghĩa vụ hay trách nhiệm phải tuân theo lệnh cấm vận vũ khí mà EU đang áp đặt lên Syria. "Lệnh trừng phạt của EU không phải là một phần của luật quốc tế", Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.
Trước đó, đáp ứng lời kêu gọi của Mỹ, chính phủ Anh đã chặn một con tàu của Nga được cho là chở trực thăng tấn công và tên lửa đến cho chính quyền của Tổng thống Bashar Assad.