Phương án cuối cùng để Moscow thanh toán nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài đã đóng lại vào lúc 11 giờ 1 ngày 25.5 theo giờ Việt Nam, đẩy Nga cận kề viễn cảnh vỡ nợ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen - Ảnh: AFP
Ngày 24.5, Bộ Tài chính Mỹ thông báo sẽ chấm dứt điều khoản miễn trừ cho phép Moscow thanh toán nợ nước ngoài cho các nhà đầu tư Mỹ có quỹ ở Nga. Động thái này có thể đẩy Nga đến gần tình trạng vỡ nợ.
Theo hãng tin AFP, Mỹ đã đặt ra miễn trừ sau khi áp một loạt lệnh trừng phạt với Nga vào cuối tháng 2 vì cuộc chiến tại Ukraine. Điều khoản này cho phép các ngân hàng Mỹ nhận và xử lý các khoản thanh toán Nga trả cho các chủ nợ.
Mỹ đã chấm dứt miễn trừ hai ngày trước khi khoản thanh toán dịch vụ nợ tiếp theo của Nga đến hạn.
Ngày 27.5, Nga sẽ phải thanh toán 100 triệu euro tiền lãi cho 2 loại trái phiếu: một yêu cầu thanh toán bằng USD, euro, bảng Anh hoặc franc Thụy Sĩ; trái phiếu còn lại có thể được trả bằng rúp.
Theo hãng tin AP, các nhà đầu tư gần như chắc chắn về viễn cảnh Nga sẽ vỡ nợ trong nhiều tháng tới.
Các hợp đồng bảo hiểm cho các khoản nợ của Nga đã định giá 80% khả năng vỡ nợ trong nhiều tuần qua.
Jay Auslander, một luật sư Mỹ chuyên về nợ công, cho biết việc Nga vỡ nợ (nếu có) sẽ không tác động nhiều đến kinh tế toàn cầu, vì nước này đã bị loại khỏi thị trường tài chính thế giới trong nhiều tháng nay. Các nhà đầu tư cũng đã dự đoán trước tình huống này.
Nếu Nga vỡ nợ, bước tiếp theo có khả năng là nước này sẽ tìm đến kiện tụng tại các tòa án Mỹ, Anh hoặc châu Âu với lập luận rằng họ đã buộc phải vỡ nợ trong tình trạng bất khả kháng.
Tuy nhiên ông Auslander cho rằng Nga khó lòng có thể chiến thắng nếu khởi kiện, vì lý do ban đầu phương Tây đẩy nước này ra khỏi thị trường tài chính vì chiến sự tại Ukraine.
Theo AFP, Bộ Tài chính Nga đã chuyển tiền ra nước ngoài sớm để thực hiện các khoản thanh toán và tránh vỡ nợ.
Quốc gia này còn gần 400 triệu USD tiền lãi sẽ đến hạn vào cuối tháng 6.2022. Nếu bỏ lỡ gia hạn từ 15 đến 30 ngày sau khi không thanh toán đúng hạn, Nga có thể sẽ bị tuyên bố là vỡ nợ.
Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính của Nga và cho phép các chủ nợ thực hiện các động thái pháp lý để thu hồi tiền.
Tuy nhiên Moscow vẫn đang thu về một lượng lớn tiền mặt từ hoạt động xuất khẩu năng lượng. Nga cũng bắt buộc các nước ở châu Âu phải trả tiền bằng đồng rúp để tránh trừng phạt.
Bộ Tài chính Nga cho biết nợ nước ngoài của nước này vào khoảng 4.500 - 4.700 tỉ rúp (khoảng 60 tỉ USD), tương đương 20% tổng nợ công.
Theo Tuổi trẻ