Căng thẳng với Ukraine đang thúc đẩy Moskva kinh doanh dầu khí nhiều hơn với Trung Quốc và có thể sẽ giảm bớt với châu Âu.
Một cuộc xung đột quy mô lớn tiềm tàng ở Ukraine, hoặc thậm chí chỉ là mối đe dọa dai dẳng của một cuộc xung đột, có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong dòng chảy thương mại năng lượng toàn cầu. Trong khi Moskva tăng cường quan hệ kinh tế và năng lượng với Trung Quốc, châu Âu lại đang tìm cách giảm sự phụ thuộc mạnh mẽ vào khí đốt tự nhiên và nhập khẩu dầu của Nga.
Nga đã chuyển khí đốt đến Trung Quốc thông qua đường ống “Power of Siberia” (Sức mạnh Siberia) được khai trương vào năm 2019. Hai đồng minh láng giềng cũng gần đạt được thỏa thuận về một đường ống thứ hai - Power of Siberia 2 - sẽ cung cấp nhiên liệu cho Trung Quốc qua ngả Mông Cổ.
Vào ngày 4.2 vừa qua, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã xác nhận hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) về việc mua bán khí đốt thiên nhiên dọc theo tuyến đường Viễn Đông. Cùng ngày, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga đã ký thỏa thuận trị giá 80 tỷ USD với CNPC để cung cấp 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc thông qua Kazakhstan trong hơn 10 năm, nhân chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Bắc Kinh.
Thỏa thuận thứ hai là một sự sửa đổi đối với thỏa thuận năm 2013, khi đó Rosneft đồng ý giao 325 triệu tấn dầu cho CNPC trong khoảng thời gian 25 năm thông qua Kazakhstan. Theo truyền thông nhà nước Nga, kể từ năm 2005 tới nay, Rosneft đã giao 425 triệu tấn dầu cho Trung Quốc.
Các dòng năng lượng của Nga đang di chuyển về phía Đông, mặc dù quốc gia lớn nhất thế giới về mặt địa lý vẫn đóng vai trò là nhà xuất khẩu năng lượng lớn cho Liên minh châu Âu (EU).
Hiện không thể biết chắc liệu Trung Quốc có thể thay thế cho thị trường chính của Nga là châu Âu hay không. Tuy nhiên, nếu một cuộc chiến nổ ra với Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề với Moskva - bao gồm cả việc cấm Moskva tham gia Hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT - thì Điện Kremlin có thể sẽ bị đẩy mạnh hơn về phía Trung Quốc.
Một cuộc chiến tiềm tàng chắc chắn sẽ khiến Moskva phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh và do đó tạo cho Trung Quốc đòn bẩy lớn hơn trong quan hệ song phương. Trong trường hợp đó, Moskva có thể lựa chọn tham gia Hệ thống thanh toán Liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) - một phiên bản SWIFT của Trung Quốc được thành lập vào năm 2015 nhưng vẫn chưa đạt sức hút toàn cầu - ít nhất là trong hoạt động thương mại năng lượng với Trung Quốc.
Theo thỏa thuận đó, Bắc Kinh được cho là chỉ phải trả 148 USD cho 1.000 mét khối khí đốt tự nhiên của Nga, thấp hơn nhiều so với giá thị trường hiện tại là 1.100 USD / 1.000 mét khối.
Thoả thuận mới có thời hạn 30 năm - cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống mới - dự kiến sẽ giải quyết việc bán khí đốt trong tương lai bằng đồng euro, thay vì bằng USD. Đây dường như là một phần của nỗ lực phi đô la hóa đã được các nhà lãnh đạo Nga công bố vài năm trước.
Theo hợp đồng trên, Trung Quốc sẽ nhận khí đốt của Nga từ đảo Sakhalin thông qua đường ống xuyên Biển Nhật Bản đến tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc nước này. Với thực tế là Sakhalin không được kết nối với mạng lưới đường ống châu Âu của Nga, các nhà phân tích tin rằng thỏa thuận mới sẽ không ảnh hưởng đến người tiêu dùng châu Âu.
Tuy nhiên, nếu Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT, như Mỹ đã đe dọa, các nước châu Âu sẽ không thể trả tiền nhập khẩu khí đốt, điều này có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến an ninh năng lượng của “lục địa già”.
Về phần mình, có những dấu hiệu cho thấy EU đang chuẩn bị cho tình huống không có năng lượng của Nga. Nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga đã ở mức thấp lịch sử trong tháng 1 vừa qua và EU tuyên bố sẽ trừng phạt dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 nếu Nga “xâm lược Ukraine” - một nghi ngờ mà Moskva đã nhiều lần bác bỏ. Đồng thời, EU được cho là đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt Nga, trong đó có một lựa chọn là từ Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề là các nhà sản xuất khí đốt khác không thể nhanh chóng thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu, trong đó có trở ngại về cơ sở hạ tầng. Na Uy, nhà cung cấp năng lượng lớn thứ hai châu Âu, đã nói rõ rằng họ đang cung cấp khí đốt tự nhiên ở công suất tối đa và không thể thay thế bất kỳ nguồn cung cấp nào bị thiếu từ Nga.
Qatar - một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai sau Australia – cũng có nguồn cung dự phòng hạn chế do hầu hết sản lượng hiện tại của họ đã dành phục vụ các hợp đồng dài hạn.
Hơn nữa, Nga hiện có kế hoạch tham gia xây dựng đường ống Dòng chảy Pakistan - một dự án được cho là sẽ làm tăng nhu cầu về khí đốt ở Pakistan - mà một số ý kiến cho rằng có thể thúc đẩy Qatar quyết định phân phối lại dòng khí đốt cho quốc gia Nam Á và giảm nguồn cung đến Châu Âu.
Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, cuối cùng có thể thay thế châu Âu trở thành thị trường chính cho dầu, khí đốt và thậm chí cả năng lượng hạt nhân của Nga.
Rosatom - Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước của Nga, đã tham gia xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc, và được cho là đang đàm phán với một số quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi để khám phá hướng phát triển năng lượng hạt nhân, bao gồm cả nghiên cứu lò phản ứng hạt nhân.
Rosatom hiện đang xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iran và Ấn Độ. Công ty cũng quan tâm đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh ở Trung và Đông Nam Á.
Nói tóm lại, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể thúc đẩy sự tái phân phối lớn các nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu và dòng chảy từ phía Tây sang phía Đông.
Theo Báo Tin tức