Hội đồng TP New York quyết định dỡ bỏ bức tượng cao hơn 2m của Thomas Jefferson - một trong những người sáng lập nước Mỹ và tác giả tuyên ngôn độc lập. Lý do là ông từng sở hữu nô lệ da màu.
Quyết định được đưa ra sau một cuộc bỏ phiếu ngày 19.10 đã làm hài lòng nhiều nghị sĩ và người da màu tại New York. Bức tượng dự kiến sẽ được đưa vào bảo tàng của Hội Lịch sử New York, theo Hãng tin Reuters.
Tượng của Thomas Jefferson được đặt tại Tòa thị chính New York hơn 100 năm qua để ghi nhận công lao của ông đối với nước Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, sự hiện diện của nó khiến nhiều người cảm thấy khó chịu.
Cách đây 2 thập kỷ, một số nghị sĩ da màu của New York đã kêu gọi "trục xuất" bức tượng do ông Jefferson từng có tới 600 nô lệ, thậm chí có con với họ. Điều này dẫn tới những tranh cãi gay gắt, với một số người cho rằng không nên xét lại lịch sử và "vạch lá tìm sâu".
Năm ngoái, các cuộc biểu tình "mạng sống của người da đen cũng quan trọng" thổi bùng trở lại những tranh cãi về bức tượng. Những tiếng nói yêu cầu dỡ bỏ đã mạnh mẽ hơn sau khi một số bức tượng của các tướng lĩnh trong cuộc nội chiến Mỹ bị tháo dỡ ở các bang khác.
Annette Gordon-Reed, giáo sư Trường Luật Harvard, chuyên gia về Jefferson, phản đối ý tưởng phá bỏ bức tượng và cho rằng di dời nó đến bảo tàng là điều hợp lý.
Ông Sean Wilentz, giáo sư lịch sử tại Đại học Princeton, thì kêu gọi giữ nguyên hiện trạng vì những đóng góp của ông Jefferson đối với nước Mỹ và nhân loại.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ phản đối di dời và cho rằng lẽ ra bức tượng này không nên tồn tại.
Trên mạng xã hội, một số người chế giễu quyết định của chính quyền New York. "Tôi không nói sở hữu nô lệ là đúng nhưng hãy nhìn nhận những gì Jefferson đã làm cho nước Mỹ, đừng chỉ chăm chăm vào các việc sai của ông ấy", tài khoản Twitter @chloethepiano nêu quan điểm.
Một người khác thắc mắc liệu New York sẽ làm gì nếu núi Rushmore, nơi khắc gương mặt của ông Jefferson và 3 vị Tổng thống khác, không nằm tại bang Nam Dakota mà là ở New York.
Chính quyền New York đã phải vật lộn với tượng đài các nhân vật lịch sử gây tranh cãi và chia rẽ. Năm 2017, giới chức thành phố cam kết sẽ tiến hành xem xét tất cả các biểu tượng có thể kích động lòng căm thù chủng tộc.
Một bức tượng của bác sĩ J. Marion Sims, vốn được coi là người sáng lập ngành sản phụ khoa hiện đại, đã bị dỡ bỏ vào năm 2018 với lý do ông đã hoàn thiện các nghiên cứu của mình trên những phụ nữ da đen không được gây mê.
Theo Tuổi trẻ