Đó là cảnh báo của Cơ quan Khí tượng Anh đưa ra nhân Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glasgow (Vương quốc Anh).
Sóng nhiệt lần đầu được đặt tên là Lucifer ở Italy năm 2017 khi đợt sóng nhiệt càn quét Nam Âu với nhiệt độ trên 40 độ C.
Hồi tháng 8.2021, Italy đã xảy ra một đợt sóng nhiệt nữa và là nhiệt độ cao kỷ lục ở châu Âu: 48,8 độ C.
Giáo sư Stott nói: “Chúng tôi có thể tự tin hơn bao giờ hết khi liên hệ các sự kiện thời tiết cực đoan với biến đổi khí hậu. Khoa học đã nói rõ ràng rằng chúng ta càng giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhanh hơn thì chúng ta càng có thể tránh được hậu quả khốc liệt nhất của biến đổi khí hậu nhanh hơn”.
Phân tích mới trên được đưa ra khi trên 100 lãnh đạo thế giới tập trung ở Scotland, Anh dự hội nghị COP26.
Một số quốc gia đã đưa ra cam kết chống biến đổi khí hậu tại hội nghị. Ví dụ như Ấn Độ - nước đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0. Thủ tướng Narendra Modi ngày 1.11 tuyên bố nền kinh tế nước này sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2070. Ấn Độ là quốc gia phát thải carbon lớn cuối cùng trên thế giới công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 1.11 đã tuyên bố nước này sẽ áp đặt "giới hạn cứng" đối với lượng khí thải từ lĩnh vực dầu khí. Thủ tướng Trudeau khẳng định Canada sẵn sàng hạn chế sức tăng trưởng của một trong những ngành lớn nhất đất nước để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không quá 1,5 độ C.
Về phần mình, trong bài phát biểu tại COP 26, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Mỹ sẽ không tụt hậu trong cuộc chiến này mà sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt và những cam kết khí hậu không chỉ dừng ở lời nói mà được thể hiện bằng hành động. Ông tin rằng Mỹ có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 50 đến 52% lượng khí phát thải so với năm 2005.
Không tham dự hội nghị, song Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã gửi bài phát biểu tới hội nghị, trong đó kêu gọi tất cả các bên có hành động mạnh mẽ hơn để cùng giải quyết thách thức khí hậu. Ông cũng kêu gọi các nước phát triển không chỉ cần làm nhiều hơn nữa trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, mà còn hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đạt được nhiều thành tích hơn trong cuộc chiến này. Trung Quốc sẽ đạt trung hòa carbon trước năm 2060.
Các nhà khoa học cho biết cần có mục tiêu toàn cầu để cắt giảm khí thải về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 để tránh nhiệt độ tăng trên 1,5 độ C nhằm ngăn chặn hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Theo Báo Tin tức