Những làng mạc bị đốt phá trơ trụi, những hố bom nước trong vắt nhưng cứ lặn xuống tắm rửa lại tìm thấy xương người, em bé Campuchia đen nhẻm, gầy trơ xương, không áo quần lết ven đường xin ăn…
Bộ đội tình nguyện Việt Nam trên đất bạn Campuchia. Ảnh: TTXVN
Mặc dù đã 40 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh tang thương trên mảnh đất gió bụi Campuchia giai đoạn 1978-1979 vẫn còn hằn rõ trong ký ức những người lính Tây Nam. Đất nước chùa Tháp bấy giờ như một nấm mộ khổng lồ mà “nếu bộ đội Việt Nam không lên kịp thì dân đã chết hết rồi”.
Bữa cơm bộ đội và những chiếc áo từ mảnh dù cuốn xác
Cuối năm 1978, đầu năm 1979, Đại tá Huỳnh Trí (Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) đã cùng đồng đội hành quân sâu sang nước bạn trong nỗ lực giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Anh bộ đội Hai Trí ngày ấy giờ đã 69 tuổi nhưng khi được hỏi về chuyện chiến trường, ông lại hoạt bát hẳn.
Trầm ngâm một lúc, ông bảo: Điều ám ảnh ông nhiều hơn cả trong suốt những tháng ngày làm nhiệm vụ trên đất bạn không phải là trận chiến giữa hai bên mà là nỗi khốn khổ của người dân Chùa tháp.
Đại tá Huỳnh Trí (Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) hồi tưởng lại những tháng ngày trên đất Campuchia Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+
Hành quân cùng đoàn 9905, mặt trận 779 từ biên giới An Giang, tiểu đoàn của Hai Trí nhận nhiệm vụ truy đuổi quân Pol Pot theo trục hướng thẳng về Phom Penh. Suốt vài kilomet đầu tiên từ vành đại vùng biên tới sâu nội địa, đi tới đâu, bộ đội cũng bắt gặp những làng mạc bị đốt phá tiêu điều và không một bóng dân. Nhà cửa đổ nát, chùa chiền liêu xiêu trong gió chiều. Đến cả tượng Phật cũng chỉ còn trơ mỗi thân mình khi toàn bộ đầu đều bị chặt hạ. Không còn bất kỳ một dấu hiệu nào của sự sống, những bom, sóc Campuchia giờ trở thành những ngôi làng chết.
Phải tới mãi khi đi sâu hơn, ông Hai Trí mới gặp được người bản địa đầu tiên. Đó là một ông lão đang nằm thoi thóp ven đường, trên người chỉ còn trơ ra những dẻ xương sườn phập phồng sau lớp da tái xám.
“Thấy bộ đội Việt Nam, ông ấy mới nói: Ông bỏ chạy khi quân Pol Pot đuổi, nhưng do đói quá nên gục lại đây,” ông Hai Trí kể.
Người thân của ông lão Campuchia khi ấy không ai thoát được. Tất cả đều nằm lại trong hố chôn tập thể nằm sâu trong rừng cao su cạnh bản làng. Ông lão sống dở, chết dở gặp bộ đội vừa khóc, vừa nhồm nhoàm nhai tép lương khô từ tay những người lính chiến mà bảo: “Đã mấy năm rồi, tôi mới được ăn ngon như thế này.”
Những hố chôn tập thể người dân vô tội bị bọn diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary sát hại, được phát hiện sau ngày giải phóng 7.1.1979 tại “Cánh đồng chết” Choeung Ek, Campuchia. Ảnh: Thế Trung/TTXVN
Đói và khát cũng là thảm cảnh chung của tất cả các bản làng ngày ấy. Lần giở lại trí nhớ, ông Hai Trí kể: “Có lần, chúng tôi tìm được một bản hiếm hoi còn có người ở lại. Thấy quân tình nguyện sang, hơn 200 người cả già, trẻ, gái, trai chạy ra đón. Tất cả đều trông xơ xác, đói khổ do chịu cảnh lao động khổ sai lâu rồi. Hầu hết đều rách rưới và không đủ quần áo mặc. Họ vừa khóc vừa níu tay chúng tôi nói: Bộ đội lên rồi thì đừng về, nếu không Pol Pot sẽ giết hết dân mất. Bộ đội có đi, xin cho dân đi cùng với.”
Bữa ấy, dân làng Campuchia gom góp sạch tất cả các nhà đã… vét ra được 3 chén lúa để nấu cơm cho cả tiểu đoàn. Nhìn những hạt gạo đã xạm nâu, ngả màu mốc thếch, ông Hai Trí không sao cầm được nước mắt. Ngay lập tức, ông gọi về hậu phương, xin phép được lấy gạo và thực phẩm mang theo để nấu một bữa no cho dân. Một nồi cỡ lớn đã bày ra giữa sân làng. Lửa được nổi lên. Gạo những người lính mang theo từ Việt Nam được đổ ra, sùng sục sôi trong ánh mắt mong chờ của hơn 200 dân bản. Bộ đội còn hãm nước trà, mang lương khô và bánh kẹo ra chia cho mọi người. Cả ngôi làng đìu hiu và xơ xác trong phút chốc như trở thành ngày hội.
Mãi về sau này khi chiến tranh đã lùi lại rất xa phía sau, ông Hai Trí vẫn nhớ như in câu nói của trưởng bản ngày ấy: “Đã 5 năm rồi, dân không biết ăn một bữa no, không biết uống một ngụm trà.”
Một người dân Campuchia bên cạnh bức tường xương, hộp sọ của các nạn nhân chế độ diệt chủng Pol Pot ở Bảo tàng Tuol Sleng. Nguồn: Getty Images
Chuyện ăn là thế, ngay cả đến chuyện mặc cũng là một giấc mơ xa xỉ đối với người dân Campuchia lúc bấy giờ.
Ông Hai Trí kể lại: Những ngày trên đất Chùa tháp, ông và đồng đội đã từng rất ngạc nhiên khi thấy đồng bào các dân tộc bạn thi thoảng lại mặc những bộ quần áo rách tả tơi được làm từ võng dù của bộ đội Việt Nam những năm 1970. Hỏi ra mới biết, do quá thiếu thốn, họ đã phải đào hài cốt của bộ đội Việt Nam lên, nhặt từng mảnh võng còn nguyên vẹn để may thành áo quần.
Pol Pot khi đó với ngay cả dân bản địa giống như một con quỷ dữ, lê lưỡi hái tử thần khắp các bản làng. Khi rời đi, thứ duy nhất nó để lại là đói, khát và sự chết chóc, khổ đau.
Giếng chứa xác và cuộc hồi sinh trên miền đất chết
Cựu lính thông tin mặt trận Tây Nam Trần Đăng Trường lại lưu giữ cho mình những câu chuyện rùng rợn hơn về những giếng xác người trên đường tiến vào Campuchia.
Mắt nhìn ra xa xăm, ông bắt đầu kể bằng thứ giọng trầm buồn: “Năm 1977, khi đang là sinh viên, chúng tôi được tổng động viên tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến đấu chống lại Pol Pot. Tôi được đưa về Tiểu đoàn 86, Trung đoàn 132 của Bộ Tư lệnh thông tin.”
Ngày tiến vào Siem Reap, những chàng lính trẻ măng mới mười tám, đôi mươi đã mắt tròn, mắt dẹt khi lần đầu tiên đối mặt với những thành phố chết theo đúng nghĩa đen. Những xác người vất vưởng ngang vệ đường không ai chôn cất cứ lặng lẽ phơi nắng, phơi sương.
“Không có một bóng người. Không cả một tiếng gà gáy trưa. Tất cả chỉ còn cỏ dại. Chúng nó cướp hết, đốt hết, giết hết rồi,” ông nâng chén trà, nói như tiếng thở dài vọng về từ quá khứ.
Đáng sợ hơn phải kể đến những chiếc giếng chứa xác người. Đó là những hố lớn cỡ hố bom nhưng rất sâu, nước trong veo. Thấy nước sạch, lính trẻ ùa xuống tắm, rồi thách nhau lặn xuống đáy như để tìm về cảm giác đắm mình nơi con sông quê thanh bình. Nhưng vừa chạm xuống vùng sâu nhất, cả đám cuống cuồng bơi ngược trở lên. Bởi, phía dưới đáy nước trong vắt ấy là lổn nhổn xương người. Tất cả đều vỡ nát, chồng chất lên nhau và không một mảnh xương nào toàn vẹn. Những chàng lính trẻ vốn có thể cười nói ngay trong mưa bom bão đạn, coi cái chết nhẹ như lông hồng nhìn cảnh tượng ấy đã phải rùng mình, nôn thốc tháo.
Một hố chôn người tập thể dưới thời chế độ diệt chủng Pol Pot. Nguồn: Getty Images
“Nó như một địa ngục ngay dưới chân mình. Hai đồng đội của tôi khi đó đã bị tiêu chảy không sao cầm được vì uống nước từ hố này và phải đưa ngược về Long An cấp cứu. Dọc đường hành quân, những chiếc hố như thế là nỗi ám ảnh kinh hoàng với tất cả chúng tôi,” ông Trường đưa tay lên vuốt mặt, nén tiếng thở dài đang chực bật ra từ lồng ngực theo tiếng ho khan khe khẽ.
Ghê rợn nhất là lần lính thông tin vào rừng đào hang chuột để cải thiện bữa ăn. Khi những nhát cuốc cuối cùng mở tung cửa hang, tất cả tái mặt khi thấy bên trong lổn nhổn các lóng xương ngón tay, ngón chân trắng ởn.
“Đấy là một địa ngục thực sự khi con người cuối cùng lại phải trở thành bữa ăn cho thú vật,” ông Trường thở dài đánh sượt.
Sau ngày Phnom Penh giải phóng, những người sống sót lũ lượt trở về quê cũ. Họ trở về trên những đôi chân trần sứt sẹo, hay trên những chiếc xe đạp chỉ còn trơ lại vành sắt nhưng với họ đấy là cả một gia tài.
Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp tập luyện nâng cao kỹ thuật chiến đấu. Ảnh: TTXVN
Trong tiếng cười hiếm hoi khi nghĩ về một thời đã xa, cựu lính thông tin rì rầm kể tiếp: “Hôm ấy, vừa giải phóng xong, tôi cùng đồng đội đi qua một vườn xoài vô chủ. Trời nắng, lại khát nước nên mấy anh em vào vườn, hái quả để ăn. Lúc này, có một ông lão gày nhẳng đi về phía bộ đội.”
- Xôm Nhăm Bai – người lính Việt Nam mời ông lão đối diện ăn bằng thứ tiếng Khmer ít ỏi.
Ông lão vui vẻ ăn xoài cùng bộ đội. Một lát sau, cánh lính mới buột miệng hỏi bằng tiếng Việt: “Ông ơi, vườn xoài này của nhà ai?” thì bất ngờ, ông lão cũng trả lời bằng tiếng Việt: “Của nhà tôi đấy. Nhưng các chú cứ ăn đi. Nhà tôi chết hết rồi. Nó giết hết rồi. Chỉ còn tôi chạy sang Việt Nam nên sống sót. Các chú cứ ăn, rồi lấy về cho cả anh em ở đơn vị nữa.”
Lại một lần khác, Tiểu đoàn của ông tiến vào một làng đã được giải phóng. Gần như ngay lập tức, người dân ùa ra đón. Trong số này có một cụ già cứ cúi lạy bộ đội. Bà vừa lạy, vừa bảo: “Tôi cám ơn bộ đội. Nếu không có bộ đội thì cả nhà tôi đã nằm chung trong những hố chôn người mất rồi.”
Với những người lính như ông, cái vái lạy ấy có giá trị hơn bất kỳ thứ tài sản nào. Nó là sự trân trọng, là tình cảm của người Campuchia gửi đến người lính Việt. Cái vái lạy ấy chứa đựng tất cả những gì tôn quý và yêu thương nhất.
Tình quân dân giữa quân tình nguyện Việt Nam và người Campuchia. Ảnh: TTXVN
Nhờ nỗ lực của đội quân tình nguyện Việt Nam như ông Hai Trí, Trần Đăng Trường… tới ngày 7.1.1979, tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary chính thức bị lật đổ và tháo chạy ra khỏi thủ đô Phnom Penh; đánh dấu cho sự tàn lụi có hệ thống của một trong những chế độ diệt chủng tàn khốc vào bậc nhất trong lịch sử loài người. Từ đây, những hạt giống của hòa bình và hạnh phúc đã bắt đầu vươn mình trên đất nước Campuchia.
Theo Vietnam+