Nửa thế kỷ qua, họa sĩ Chu Đức Tiến đã viết sử bằng tranh biếm họa, mang tiếng cười cho người xem, sau đó buộc người ta phải suy nghĩ.
Họa sĩ Chu Đức Tiến giới thiệu tranh biếm họa
Họa sĩ Chu Đức Tiến là cây bút biếm họa quen thuộc, lâu năm với bạn đọc báo Hải Dương. Từ bức vẽ đầu tiên được đăng báo (7-1963), đến nay họa sĩ đã có chặng đường 50 năm chuyên tâm với thể loại tranh biếm họa.
Họa sĩ Chu Đức Tiến có tranh vui tham gia với Báo Hải Hưng, nay là Báo Hải Dương từ những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, khi tranh vẽ in báo còn phải khắc gỗ cùng với kỹ thuật in sắp chữ ti-pô. Sức làm việc của họa sĩ Chu Đức Tiến quả là bền bỉ. Với báo chí, tác phẩm biếm họa luôn đòi hỏi phải cập nhật, đáp ứng nhanh nhu cầu đa dạng của xã hội, đặc biệt là những vấn đề thời sự được xã hội quan tâm. Nhưng bức tranh chỉ có tính thời sự không thôi thì nó chỉ là bức vẽ phản ánh nội dung một cách đơn thuần, cho dù biến nội dung thời sự xã hội thành ngôn ngữ hình vẽ cũng không hẳn là dễ dàng. Điều quan trọng là bức tranh biếm phải vừa bảo đảm nội dung thời sự, vừa chuyển hóa thành ngôn ngữ hài hước, tạo được ấn tượng sâu sắc, dễ nhớ, nhớ lâu đối với người xem. Với ý nghĩa là tranh vui thì tính chất vui, gây cười là trên hết. Nhưng với ý nghĩa là biếm họa thì ngoài tính chất hài hước, còn phải chứa đựng nội dung châm biếm và phải có giá trị nhất định về cách vẽ. Châm biếm mà vẫn vui. Tranh vui để gây cười, đồng thời phê phán một cách dí dỏm, hài hước những thói hư, tật xấu trong cuộc sống, mà đối tượng là “ta” với “ta”, nhằm mục đích xây dựng. Nhưng với địch, với kẻ thù thì thái độ “đánh địch” phải rõ ràng, không khoan nhượng. Người ta đã từng coi tranh đả kích là tranh “đánh địch”... Đó là những tiêu chí quan trọng đối với họa sĩ biếm.
Trong suốt 50 năm vẽ tranh biếm, họa sĩ Chu Đức Tiến đã tỏ rõ là người hội đủ được các yếu tố trên. Từ giai đoạn đầu, khi mới cầm bút vẽ cho đến các giai đoạn sau này, Chu Đức Tiến đã sớm “đứng” được với rất nhiều tranh vui và tranh đả kích. Tranh vui Chu Đức Tiến trải rộng ở nhiều phạm vi với mọi lứa tuổi, từ trẻ con đến ông già; từ thôn xóm đến công xưởng, cơ quan; từ cán bộ, nhân viên đến quan chức; từ thời bao cấp đến thời kinh tế thị trường...
Rất nhiều tình huống, hoàn cảnh, đối tượng, lứa tuổi... đã vào tranh Chu Đức Tiến. Ngay từ những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, chống Mỹ ngụy ở miền Nam thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, tác giả đã có khá nhiều tranh đả kích địch mang tính hài hước, mỉa mai hóm hỉnh, cũng là tranh toát lên ý chí coi thường hiểm nguy, coi thường tên “đế quốc to”. Có thể thấy những điều đó qua các bức tranh: Tên gián điệp báo cáo với quan thầy Mỹ - ngụy lấy được “chiến lợi phẩm” của Việt cộng là... chiếc chân giày (còn gắn nguyên bàn chông). Những tên phi công Mỹ được an ủi sau khi đánh phá miền Bắc Việt Nam sẽ “được về nước” (nhưng chân tay đã cụt hết), hoặc “được về nước” nhưng đang chới với khi phải nhảy dù xuống biển, được “nghỉ ngơi” dài hạn nhưng là... nằm nguyên trong quan tài. Những tên phi công Mỹ tập nhảy (khiêu vũ) và tập nhảy... dù khi máy bay bị rơi trên miền Bắc Việt Nam. Tranh về chống tiêu cực, chống tham nhũng ở giai đoạn sau này thì không thể kể hết số tranh của ông. Tình trạng cán bộ, nhân viên bị trói tay (mất dân chủ), nhưng lãnh đạo vẫn kêu gọi ai muốn phát biểu cứ giơ tay. Dạy thêm học thêm như cỗ xe cơ giới chạy vun vút trên đường, nhưng lệnh cấm chỉ như ông đi xe đạp cố sức gò lưng đạp đuổi theo. Tình trạng “câu ao thả chuôm”: ông tham nhũng dùng cần câu câu móc công quỹ “đút túi”, nhưng đằng sau, túi ông có những gì thì cô bồ nhí cũng dùng cần câu hết...
Rõ ràng, Chu Đức Tiến là người viết lịch sử bằng tranh biếm. Tranh của ông toát lên ý nghĩa xã hội của cả một thời.
Ông thường gửi đều đặn mỗi lần hàng chục bức tranh cho Báo Hải Dương với các nội dung khác nhau. Ban Biên tập chỉ cần gọi điện nhắc nội dung, đề tài cần có, có thể chỉ hai, ba ngày, thậm chí ngay trong ngày, ông đã đem tới hàng chục bức tranh. Đó là sự nhanh nhạy thường trực của một người chuyên vẽ biếm họa. Có cuộc thi và triển lãm biếm họa cấp quốc gia, ông dự thi tới 40-50 tranh, như với cuộc thi Giải Cúp Rồng Tre của Báo Thể thao Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam - Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ nhất, thứ hai; cuộc thi biếm họa của tỉnh Hải Dương năm 2012... Tại nhiều cuộc thi biếm họa của báo chí Trung ương và cuộc thi biếm họa chuyên đề cấp toàn quốc, Chu Đức Tiến đã từng đoạt giải ba, giải khuyến khích. Tại cuộc thi biếm họa của tỉnh năm 2012 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, ông đoạt hai giải nhì, giải ba và giải khuyến khích, có nhiều tranh được chọn in trong tuyển tập Biếm họa.
Chu Đức Tiến có nhiều thủ pháp vẽ tranh biếm. Đó là các cách vẽ khá phong phú và năng động như: khai thác những điều mâu thuẫn, đối nghịch rất cụ thể thường thấy trong cuộc sống hằng ngày. Từ đó dùng lối liên tưởng, đặt nó trong những tình huống ngộ nghĩnh, gây cười. Chu Đức Tiến cũng tỏ ra là một “chuyên gia” dùng lối nói ẩn dụ, gián tiếp để tạo hình tượng châm biếm. Ngoài ra, một vấn đề rất có giá trị ở tranh biếm Chu Đức Tiến là “đem voi bỏ lọ”, đưa vấn đề “to tát” thành “chuyện nhỏ”. Tranh vui - biếm họa của Chu Đức Tiến đã tạo được nét riêng hoàn toàn, đó là phương pháp đơn giản hóa hình tượng, loại bỏ hoàn toàn chi tiết, cường điệu những chỗ cần để người xem tập trung, chú ý. Thường thấy những nhân vật trong tranh của ông đầu to, mình nhỏ, chân tay bé nhưng trông vẫn thuận mắt. Những vẻ mặt khóc, cười, kiêu hãnh, ngây ngô, tinh quái, buồn rầu... đủ cả và rất ấn tượng, khiến người xem “cảm” được tinh thần của bức tranh. Ông đã trở thành người đồng hành cùng báo chí Hải Dương trong chặng đường lao động nghiêm túc, miệt mài.
HUY CHƯƠNG50 năm qua, họa sĩ Chu Đức Tiến đã có hơn 4.000 tranh biếm họa được đăng trên 40 báo, tạp chí Trung ương, địa phương. Ông đã trở thành tên tuổi khá quen thuộc với nhiều lớp tuổi người đọc, người xem và cũng là một trong vài chục họa sĩ chuyên vẽ tranh biếm của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2013), từ ngày 18 đến 28-6, ông mở cuộc trưng bày “50 năm biếm họa” tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. |