Di tích

Nét riêng chùa Cao Xá

BẢO ANH 10/12/2023 11:00

Chùa Cao Xá, xã Cao An (Cẩm Giàng) có 26 tấm bia hậu, tạc nổi 26 bà mẹ của "Cao Xá trang" khi xưa nuôi con vương trưởng, thành đạt và có công trùng tu, tôn tạo ngôi chùa. Đây là một trong những di sản độc đáo ít thấy ở Hải Dương.

00:00

z4943782349781_2af497d227af85126615a040dd9483be.jpg
26 tấm bia hậu ở chùa Cao Xá được gìn giữ cẩn thận

Di sản độc nhất vô nhị

Trải qua thời gian, 26 tấm bia hậu đã phủ rêu nhưng vẫn được bảo quản, gìn giữ rất cẩn thận. Theo ông Đỗ Xuân Suất, đại diện tiểu Ban Quản lý di tích đình, chùa Cao Xá, tất cả 26 tấm bia này là di sản độc nhất vô nhị, hiếm thấy ở các công trình tôn giáo nói chung, chùa chiền nói riêng. Mỗi tấm bia cao từ 50-80 cm, rộng khoảng 50 cm, như một bức chân dung các bà mẹ được nghệ nhân khéo léo chạm khắc tinh xảo trên đá xanh. Đường viền xung quanh bia được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Trên bia, ngoài chân dung các bà mẹ còn ghi chép rõ công đóng góp của họ với việc xây dựng chùa và các công trình khác ở quê hương.

Theo tài liệu được ghi chép và dịch lại thì các tấm bia hậu này được tạc và dựng vào các năm khác nhau, phổ biến ở thế kỷ XVII, XVIII và XIX.

z4943999245455_6b508f37094dd4519de5d16e4222a2aa.jpg
Không nhiều nơi ở Hải Dương có hệ thống bia hậu phong phú như ở chùa Cao Xá

Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm Đặng Văn Lộc, cúng hậu là hình thức cúng ruộng, tiền, vàng bạc, đồ thờ… cho làng hoặc đình, chùa để được cúng giỗ lâu dài sau khi "trăm tuổi". Có người cúng hậu để nhờ làng, đình, chùa… cúng giỗ cho bản thân hoặc những người trong gia đình. Có người cúng hậu để nâng cao uy tín, địa vị của bản thân, của dòng họ hay được nương bóng thần phật, cả làng cúng giỗ mình thì hương hoả được lâu dài…

Hệ thống bia hậu tại Hải Dương không có nhiều, ngoài chùa Cao Xá thì cũng có số ít nơi thờ bia hậu nhưng trải qua thời gian, nhiều lần trùng tu không còn nhiều nơi gìn giữ được cẩn thận như ở chùa Cao Xá. Tục cúng hậu xuất hiện ở nước ta phổ biến khoảng đầu thế kỷ XVI. Đặc biệt, vào các thế kỷ XVII, XVIII và XIX, cúng hậu rất phát triển và việc khắc bia ghi lại tên tuổi, công đức của những người cúng hậu cũng được thực hiện với số lượng lớn nhưng sau đó thì ít hơn.

z4944004133529_f6aa549f6518044baca45fe02fb48e23.jpg
Bia hậu tạc nổi hình ảnh những bà mẹ trên nền đá xanh khá tinh xảo

Theo ông Đỗ Xuân Suất, 26 bia hậu ở chùa Cao Xá ngoài ý nghĩa nêu trên còn mang giá trị giáo dục. Qua hệ thống bia hậu có thể thấy rõ chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ thời phong kiến. Đây chính là tấm gương để phụ nữ xưa noi theo. Các tấm bia còn cho thấy xưa kia đã có hoạt động xã hội hóa trong xây dựng các di tích văn hóa, tâm linh…

Sư thầy Thích Tục Thịnh khẳng định cùng với nhiều cổ vật khác còn lưu giữ tại chùa, 26 tấm bia hậu là sự khác biệt, riêng có của chùa Cao Xá. Các tấm bia góp phần tạo nên giá trị của di tích. Nhà nước đã công nhận và xếp hạng chùa Cao Xá là di tích quốc gia năm 1995. Do có sự độc đáo, khác biệt nên hệ thống bia hậu chùa Cao Xá đã được Bảo tàng tỉnh Hải Dương lấy mẫu phục dựng nguyên trạng kích thước, hình dáng để trưng bày tại khuôn viên, giới thiệu đến nhân dân và du khách về di sản đặc biệt này.

Gìn giữ nét xưa

Ngoài thờ Phật, điều đặc biệt ở chùa Cao Xá còn thờ bà Nguyễn Thị Phương, mẫu thân đức Thánh Tam Quan là thành hoàng làng Cao Xá - người có công giúp vua Hùng thứ 18 đánh giặc cứu nước. Bà là vợ ông Hùng Thuận Công, chú ruột Hùng Vương thứ 18. Bà dạy dân học nghề trồng bông, đỗ, cà và dệt cửi... Hằng năm cứ vào tiết giỗ bà (ngày 4/2 âm lịch), nhân dân lại tổ chức tế lễ linh đình.

Theo ông Suất, từ lâu người làng Cao Xá lưu truyền câu ca: "Dù ai buôn tây bán đông/Nhớ ngày giỗ tổ non đông thì về/Dù ai buôn bán trăm nghề/Nhớ ngày giỗ tổ thì về trồng bông..." để ghi nhớ công ơn của bà Nguyễn Thị Phương và cũng nhắc nhở lịch gieo trồng giúp nhà nông nắm vững thời vụ.

“Ban thờ bà Nguyễn Thị Phương là chốn tâm linh đặc biệt, thường được nhiều người hiếm muộn đến cầu con cái", ông Suất cho biết thêm.

z4944052663283_d8fbd22f9381254be07a6b8c5b9efabc.jpg
Ngoài 26 bia hậu, chùa Cao Xá con giữ được quả chuông cổ hàng trăm tuổi

Đến chùa Cao Xá, nhiều du khách ấn tượng bởi sự bình yên và nét nguyên sơ được nhân dân nơi đây gìn giữ cẩn thận. Theo nhiều tài liệu lưu trữ và ghi được của thôn thì chùa Cao Xá có từ thời hậu Lê, xây dựng trên khoảnh đất cao và thoáng với diện tích khoảng 6.500m2. Chùa nằm ở khu vực phía tây của thôn Cao Xá. 3 mặt chùa là sông nước với vành đai bảo vệ là lũy tre xanh. Chùa có 7 gian tiền đường, 3 gian tam bảo, 5 gian nhà bia và một khu nhà mẫu.

z4943999238802_7153dfcfb0473249c2ca09d85d0be53b.jpg
Chùa Cao Xá thờ bà Nguyễn Thị Phương, mẫu thân đức Thánh Tam Quan, thành hoàng làng

Hệ thống tượng trong chùa còn khá nguyên vẹn từ khi xây dựng đến nay. Theo các bậc cao niên trong làng từ khi xây chùa, các tượng này đã được nhân dân tô lại 3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 100 năm. Đặc biệt trong chùa có pho tượng Ngọc Hoàng bằng đồng khối, mỗi lần sơn sửa phải 20 thanh niên mới khiêng nổi, đến nay vẫn được bảo vệ cẩn thận.

Qua thời gian, ngôi chùa cổ đang xuống cấp. Địa phương đã xin phép được chỉnh trang, tu bổ chùa với mong muốn nơi đây trở thành điểm du lịch tâm linh ý nghĩa của huyện Cẩm Giàng. Theo sư thầy Thích Tục Thịnh, việc tu bổ, chỉnh trang chùa được Ban Quản lý di tích thống nhất theo hướng gìn giữ nguyên vẹn nét xưa và sự bình yên, thanh tịnh vốn có của chốn tâm linh này.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nét riêng chùa Cao Xá