Khi các cụ bảy, tám mươi tuổi được Hội NCT chúc mừng, chụp ảnh, tặngquà lưu niệm. Những dịp như thế này mang lại cho các cụ tình cảm ấm ápcủa thế hệ các con cháu, của phố phường, làng xã...
|
Ảnh minh họa: internet
|
Mừng thọ là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam ta, thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo, kính trọng của con cháu đối với bậc cao niên... Ngày xưa, người bốn mươi tuổi đã được trong làng, trong họ quý trọng, 50 tuổi làm lễ lên lão. Ngày nay, trong gia đình khi có ông bà, cha mẹ ở tuổi 70, 80, 90... thì con cháu thường tổ chức mừng thọ. Lễ mừng thọ thường nhằm vào dịp sinh nhật hoặc ngày xuân (dịp Tết Nguyên đán). Mỗi xã, phường và thị trấn ngày nay hầu hết có Hội Người cao tuổi (NCT). Khi các cụ bảy, tám mươi tuổi được Hội NCT chúc mừng, chụp ảnh, tặng quà lưu niệm. Những dịp như thế này mang lại cho các cụ tình cảm ấm áp của thế hệ các con cháu, của phố phường, làng xã, làm vơi đi nỗi cô đơn khi tuổi già, sức yếu lúc cuối đời...
Trong cách phụng dưỡng cha mẹ già ngày xưa có việc mừng sinh nhật và ăn mừng thượng thọ. Trong ngày sinh của cha hoặc mẹ, con cái làm tế lễ cha mẹ, rồi bày ra tiệc ăn mừng, mời những người thân đến tham dự. Những gia đình có người già bảy, tám mươi tuổi, nhà sung túc về tiền của và đông con cháu, thì làm lễ mừng thọ cho cha mẹ gọi là lễ "Thượng thọ". Lễ Thượng thọ có thể bắt đầu từ 60 tuổi trở lên. Khả năng tổ chức mừng thọ cũng tùy hoàn cảnh chứ không có quy định bắt buộc. Những gia đình có điều kiện thì tổ chức lễ mừng thọ. Ông bà, cha mẹ được mời ngồi chính giữa, cho con cháu đến chúc mừng dâng rượu. Câu đối, trướng treo khắp nhà. Con cháu tổ chức liên hoan ăn uống, cỗ bàn phải có bánh chưng, thịt, rượu...
Ngày nay, hình thức mừng thọ có thay đổi ít nhiều. Thường là con cháu mua tặng vật như mền, áo ấm... mừng thọ cha mẹ, gọi là đồ dưỡng già và tổ chức tiệc ăn mừng trọng thể. Trân trọng người cao tuổi còn là trân trọng kho kinh nghiệm sống được tích lũy bao năm tháng. Người được mừng thọ không phải là người có chức tước, quyền lợi gì mà chỉ là người được hưởng tuổi "trời cho", được cái đặc ân mà người xưa thường gọi là "Thiên tước".
Gia đình có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc; con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Chính vì vậy, việc tổ chức mừng thọ là một nét đẹp văn hóa truyền thống đáng trân trọng. Tuy vậy, việc tổ chức mừng thọ cần tổ chức sao cho trang trọng và tiết kiệm, tránh cỗ bàn ăn uống lãng phí. Có như vậy nét đẹp văn hóa truyền thống mới được giữ mãi.
PHẠM NHƯ HÙNG