Mặc dù trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, di tích đình Khánh Hội vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo.
Đình Khánh Hội vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc cổ khá độc đáo
Tọa lạc trên mảnh đất bằng phẳng và rộng rãi, đình Khánh Hội là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của nhân dân thôn Khánh Hội, xã Nam Đồng (TP Hải Dương). Di tích được khởi dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII), tu bổ vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đình xây theo hướng tây nam, phía đông giáp ao đình, phía bắc giáp đường làng, phía tây giáp khu dân cư.
Đình Khánh Hội có kết cấu kiểu chữ công (I) gồm tòa đại bái, trung từ và hậu cung. Tòa đại bái gồm 3 gian chính và 2 gian dĩ đao tàu déo góc. Ba gian chính có 4 vì kèo kết cấu kiểu “kèo cầu trụ báng”, kẻ liền bẩy khá độc đáo. Hai gian dĩ được hạ khoảng, hệ thống xà, kẻ góc khá chắc chắn. Tòa đại bái còn lưu giữ nhiều mảng chạm khắc đạt trình độ nghệ thuật cao. Các bức cốn mô tả theo đề tài “quần long tụ hội”, có tới 13 con rồng xoắn xuýt ẩn hiện giữa những áng mây, đề tài “long, ly, quy, phượng” cũng được thể hiện trong các bức cốn. Đặc biệt, có bức chạm mô tả cảnh sinh hoạt của người dân địa phương với tích “Đem chuông đi đấm nước người, đem gà đi chọi những nơi anh hùng” khá độc đáo. Ngoài các bức chạm ở các vì kèo chính, ở các chi tiết mộc khác đều có chạm hình đao hỏa, hoa văn hoa lá mang đậm nét kiến trúc thời hậu Lê (thế kỷ XVI).
Nối giữa hậu cung và đại bái là tòa trung đường. Hậu cung là công trình được tu sửa vào thời Nguyễn, kết cấu kiểu “giá chiêng” và “kèo cầu cánh ác”, kết cấu đơn giản, kỹ thuật chủ yếu là bào trơn đóng bén.
Theo tấm bia thần tích do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Quản giám bách thần tri điện hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng sao vào năm Vĩnh Hựu năm thứ 3 (1737), đình Khánh Hội tôn thờ 5 vị thành hoàng làng là Đào Công Hoằng, Đào Công Mỹ, Đào Công Tế, Đào Công Quảng và Đào Công Nhân, có công “âm phù” vua Lý Nam Đế đánh thắng giặc Lương, đem lại thái bình cho đất nước vào thế kỷ VI, ban phong mỹ tự: “Phúc thần, vạn cổ huyết thực” và sắc chỉ cho nhân dân thờ phụng mãi mãi.
Bằng lòng hảo tâm công đức và ý thức trân trọng, giữ gìn bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, hiện nay di tích còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật, cổ vật có giá trị. Trong đó, nổi bật nhất là tấm bia thần tích và các đạo sắc phong nói lên thân thế, sự nghiệp của các vị thành hoàng. Đây là nguồn tư liệu quý rất cần được bảo tồn, nghiên cứu lâu dài.
Đình Khánh Hội không chỉ là nơi tôn thờ thành hoàng làng mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây đã từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Ngày 15 tháng giêng năm 1945, dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh Chu Văn Lộ, nhân dân tập trung tại sân đình rồi vùng nhau đi phá kho thóc của địa chủ Khang chia cho dân nghèo.
Ngày 19.8.1945, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Hải Dương và cán bộ cách mạng địa phương, nhân dân trong vùng tập trung tại sân đình, đấu tranh giành chính quyền và tuyên bố giải tán chính quyền tay sai phong kiến, tịch thu sổ sách, con dấu của hương lý, cường hào và tuyên bố thành lập cách mạng lâm thời do đồng chí Đinh Văn Cáp – đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương làm Chủ tịch. Ngày 6.1.1946, đình là địa điểm bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của chính quyền và nhân dân địa phương. Ngày 6.12.1948, đình là nơi tập kết của đơn vị bộ đội chủ lực Bạch Đằng do đồng chí Đào Đình Luyện (nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam) chỉ huy, chặn đánh quân Pháp tại cầu Phú Lương, cắt đứt huyết mạch giao thông, đồng thời cô lập hai thành phố lớn Hà Nội và Hải Phòng. Từ năm 1947 đến năm 1954, đình Khánh Hội là cơ sở hoạt động của phong trào cách mạng địa phương. Trong những năm 1964 đến 1968, khi giặc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đình Khánh Hội là cơ sở hoạt động của phong trào các mạng địa phương và sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đình là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Lễ hội đình Khánh Hội là lễ hội lớn của cả vùng. Hằng năm, lễ hội được kéo dài từ ngày 14 đến ngày 19 tháng 2 để ghi nhớ công lao của các vị tiền nhân được phụng thờ. Trong lễ hội, ngoài nghi thức rước, tế, lễ, đọc thần tích, văn tế, địa phương còn tổ chức các trò chơi dân gian như cờ người, chọi gà, đi cầu thùm, bắt vịt, hát tuồng cổ, hát chèo, hát đúm...
Mặc dù trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, di tích đình Khánh Hội vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo. Đình đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định xếp hạng là di tích cấp quốc gia vào ngày 18. 2. 2004, thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật.
HOÀNG THỊ PHƯƠNG LAN (Bảo tàng tỉnh)