Miền dân gian mây trắng là tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Nhuận Minh, in song ngữ, phần dịch tiếng Anh của Vũ Anh Tuấn. Mở đầu sách là bài Thi pháp ca dao trong "Miền dân gian mây trắng", thay lời giới thiệu của nhà văn Hữu Tuân. Khép lại là bài Trần Nhuận Minh ở "Miền dân gian mây trắng". Một bài khẳng định sự thành công của tập thơ, với nhận định khái quát: "Thơ Trần Nhuận Minh đã đến được cái đích là chủ nghĩa nhân văn và truyền thống văn hóa, đạo lý của dân tộc". Còn bài kia thì điểm qua một số tác phẩm chủ yếu của tác giả qua hơn 20 năm đổi mới để khái quát con đường thơ:"Trần Nhuận Minh lững thững khuân vác trái tim nhà thơ, kĩu kịt bước lênh đênh, đi tìm vẻ đẹp lương tri đang có nguy cơ bị lãng quên". Miền dân gian mây trắng gồm 43 bài thơ. Nét đặc sắc ở tập thơ này là nhà thơ đã "đổi mới" hình thức của từng thi phẩm cụ thể, bằng cách khoác lên nó một dáng dấp ca dao, thể thơ dân gian đã có hàng nghìn đời nay. Chính tác giả đã ghi chú từ đầu sách: Một số câu thơ trong tập được gợi ý từ ca dao Việt Nam. Và quả thực, từ việc đặt tên bài, đến cách mở bài, cứ như ca dao, ví như: "Sáng qua anh đến thăm em/Thấy cha đứng ở bên thềm, tưới hoa” hoặc “Một lần em ghé qua đây/Đánh rơi một chiếc lông mày xuống sân". Có khi như bài đồng dao: "Châu chấu sang hỏi cào cào/Nước trong, cá sống thế nào, hở anh?". Toàn bộ các bài thơ, dù lục bát hay thể thơ mới thông dụng, đều lấy mấy tiếng đầu của dòng thơ thứ nhất làm đề bài, rất dân dã, gây hứng thú cho người đọc.
Với cách diễn đạt trơ lại "vỏ" ca dao truyền thống ấy, Trần Nhuận Minh lại có tìm tòi, phát hiện. Vẫn là đề tài thường ngày trong cuộc sống, nhưng lại mang triết lý nhân sinh, nêu bật những bài học, những kết luận mà nhiều người hôm nay chưa dễ nhận thức ra. Bài thơ nào cũng có "chuyện": cưới xin, ma chay, bồ bịch, buôn bán, cả chuyện chạy chọt, xu nịnh, chuyện bán phấn buôn son. Hài hước, châm biếm có, cười ra nước mắt có. Bài Cá mà trông thấy chỉ có bốn câu: "Cá mà trông thấy lưỡi câu/Thì dù có đói dám đâu đớp mồi/Trớ trêu là tại Ông Giời/Sinh ra cái bẫy nhử người tham lam". Rất nhiều câu thơ có sức nặng bởi sự phát hiện độc đáo của tác giả:
Không mưa, biển nước vẫn đầy
Vì cành nặng quả mà cây cúi đầu
(Gió đưa khói bếp)
Cho hay sợi tóc đàn bà
Trói trâu trâu chết, kéo nhà nhà xiêu
(Trời cho nhan sắc)
"Ta về ta tắm ao ta"
Nghe câu hát cũ mà da sưng phồng
(Trăng xưa)
Có những bài thơ chỉ chụp lại hình ảnh nào đó mà ý tứ rất sâu sắc. Ví dụ bài Em đi biên giới, chỉ là để buôn cam, nhưng qua nhân vật trong bài thơ như quan tòa là người không hiểu biết gì cả. Hay bài Anh hùng quân đội về quê, vạch rõ cơ quan quản lý địa phương chỉ biết thu tiền, chứ không quan tâm đến lý, tình gì cả. Bài Làng tôi thành quán là báo động về một vùng quê đang xói mòn đạo lý truyền thống:
Làng tôi thành quán lâu rồi
Bún gà, lòng lợn... cứ xơi suốt ngày
Hàng Tàu cho đến hàng Tây
Hàng nào cũng có... phơi ngay ra đường
Chẳng ai bàn chuyện ruộng nương
Chỉ bàn xem ở Trung ương thế nào?
Nước này, nước nọ ra sao?
Nước nào là địch, nước nào là ta?...
Lu bù hội họp, xướng ca,
Cháu con nhảy múa như là choi choi...
Bài thơ kết luận: Chỉ thương các cụ chết rồi/Làm sao sướng được như tôi thế này? Chữ "sướng" ở câu cuối là tiếng cười đau xót, rất đáng suy ngẫm khi nhìn lại cảnh "làng tôi".
VƯƠNG BẠCH