Minh họa: Văn Hà
Ông Trám chết vào giữa trưa mùng một. Ông ấy chết trẻ chắc là thiêng lắm. Bố mẹ mất sớm, ông đi khỏi làng từ năm mười sáu tuổi, phiêu bạt khắp nơi đến gần ba mươi mới quay về làng, lấy cô vợ là bạn chăn trâu thuở trước rồi lại đưa vợ con đi. Người làng nói tại ông giận anh chị không về. Bỗng dưng, vào giữa tháng tư ông Trám cùng vợ và đứa con trai út về quê, nghe nói để chữa thuốc nam. Ông đi thăm họ mạc, thơ thẩn ra cánh đồng, đòi vợ hái cho một nắm rau tập tàng về nấu canh mắm. Trưa hôm sau, ông đổ bệnh huyết áp lên hai trăm hai mươi tối đa, tối thiểu một trăm rưỡi, người giật mấy cái rồi đi luôn, đúng tuổi bốn chín.
1 ."Chú ấy chắc biết mình sắp đi. Người đâu mà gan đến thế thì thôi, không kêu ca đau ốm mệt mỏi gì. Lại cũng chẳng kịp trối trăng nhắn nhủ vợ con câu nào...". Bà Thuận kể lể với mấy bà già trong làng đến hỏi thăm. Thoắt cái bà đã chạy đến vịn bên quan tài hờ em: "Con em về nó hỏi bố đâu chị biết nói sao bây giờ em ơi...!" Lại đã thấy bà loanh quanh giữa đám nấu bếp. "Ðơm đĩa xôi cho tròn và đầy tí nữa, thái thêm rẻo thịt kia vào kẻo người ta chê nhà đám...". Bà duỗi hai chân, bóp khớp gối và mắt cá chân, kêu mỏi.
Bà chị họ ngồi gập người têm trầu thủng thẳng: "Ðã mưa được đâu mà thím kêu mỏi. Ðã chuột phá lại còn hạn hán. Mất mùa là cầm chắc". Bà Thuận thần người: "Em có mấy sào, khéo thiếu ăn mất!". Bà chị chống tay, ngừng nhai trầu: "Con cái thím khá giả thế, lo gì. Chỉ có tôi mới khổ...". Giơ tay chấm giọt nước mắt rỉ ra, môi bà Thuận nhếch lên như mếu: "Ai cũng nghĩ thế nhưng nằm trong chăn mới biết...". Bà chị chẹp miệng: "Bao giờ nhắm mắt xuôi tay như chú nó kia mới hết khổ".
Ánh nến chập chờn trên cái quan tài đỏ có hoa văn và tua rua viền vàng. Bà Thuận đi ngang qua, gương mặt người chết nằng nặng, vô cảm. Trong bà bỗng như giập vỡ cái gì đó. Bà ngồi tệp xuống chân quan tài: "Chú sống khôn chết thiêng, mọi điều đã qua chú bỏ cả lại trần, đừng đem theo vướng víu. Tôi có tội với chú. Cũng chỉ vì con cái mà xưa kia tôi nhiều điều không phải!". Trước mắt bà, bát cơm đơm cho con thì đầy, bát cho em lại vơi. Chú cháu bằng tuổi nhau. Chú đi chăn trâu, cháu đeo giỏ ra đồng. Bát canh cua lều phều tí gạch, nhưng thằng cháu chắc dạ vì cua nướng. Thằng chú mải mót khoai để trâu ăn lúa bị anh đánh đòn, bỏ đói. Ðêm không ngủ nổi chú bấm cháu dậy ra vườn. Không kiếm nổi cái gì bỏ vào mồm, hai đứa đành ôm nhau nằm co. Cháu liều mạng chui vào buồng bốc ra mấy con cá muối khô. Chú lập bập đưa lên miệng. Chị dâu xô từ trong buồng ra soi đèn tận mắt, giật phắt mấy con cá và tru tréo lên: "Nhà như có cướp đêm...".
Bà lôi chiếc khăn xô thấm hai mắt, nghẹn ngào: "Cá chuối đắm đuối vì con, chú hiểu cho tôi. Gian nhà nhỏ sau vườn ông bảo dành cho chú nhưng nếu không bán đi, tiền đâu nuôi chú ăn học. Tôi một nách sáu đứa con, nuôi chúng còn chưa xong huống hồ còn cả chú. Tôi thương chúng hơn cũng là lẽ thường tình. Ngay cả bây giờ...". Bà nức lên: "Con nuôi cha mẹ con kể tháng ngày..."
Ðội kèn sau lúc nghỉ xơi cơm đã lục tục vào chỗ. Lại sắp có đoàn đến viếng. Bà Thuận lật đật đứng dậy ra đón khách. Ðêm còn dài. Bà sẽ có dịp ngồi với chú ấy. Nhiều điều chưa nói được với người sống bà phải nói với người chết.
2. - Mất cha còn chú. Thế chú Trám mất sao chú không bàn với tôi một tiếng. Nhà ông bà tôi đấy, tôi lại là cháu đích tôn, sao không đưa chú ấy về đây. Chú tự quyền quá!
- Thì trước khi chú ấy nhắm mắt, chú đã hỏi ý kiến mẹ cháu. Bác ấy bảo tùy. Nhà chú đây cũng do ông bà làm cho. Bà cũng ở rồi mất tại đây.
- Ai chẳng biết. Nhưng mà khối người làng cứ hỏi. Tôi khó ăn nói. Cả bà già nhà tôi nữa. Tôi đâu phải trẻ con. Việc to việc lớn phải hỏi qua tôi chứ.
Thái vùng vằng bỏ đi sau cuộc đấu khẩu với chú ruột. Anh ra đầm cá. Phải cắt đặt công việc. Trời này khéo đến đêm có mưa. Hạn to thì mưa sẽ lớn. Tràn bờ một cái thì chỉ còn nước nhảy luôn xuống đầm tự tử. Ở quê muốn mở mày mở mặt với dân làng thì phải có tiền. Kiểu gì cũng phải có tiền. Chú Trám là tấm gương tày liếp. Ngày xưa, trước lúc đi xa chú chỉ nói với anh mỗi điều: "Tao thề là bao giờ giàu có mới trở về làng!". Vậy mà chưa kịp giàu thì đã... Vẫn cứ phải trông cậy vào họ hàng anh em. Thái đã định bụng đứng ra lo ma chay cho chú ấy từ A đến Z. Cũng chỉ dăm triệu là cùng, tiền phúng của mọi người có khi cũng gần đủ, mà lại trả được món nợ tình cảm giữa chú cháu ngày xưa.
- Sao bố nó giờ này còn ở đây? Người đâu mà vô tình thế!
Thái lừ mắt:
- Về đi, ai khiến ra tìm làm gì. Xay ba chục cân nếp mang sang đám. Bảo thằng Hải nấu cơm cho các em ăn rồi trông nom nhà cửa. Ðêm nay tôi với cô ở bên bác ấy...
Nhìn dáng vợ lủi thủi, tất tả quay về, Thái thở dài rồi ngồi bệt xuống bờ đầm. Anh bứt mấy cọng cỏ đưa lên miệng nhai. Cô Tươi xinh đẹp nết na có tiếng cả xã chờ ai chẳng rõ mà từ chối khối đám trong làng, trong đó có Thái. Thằng bạn thân rỉ tai: "Sao mà mày ngu thế là cùng. Con Tươi nghe đâu hứa hẹn với chú mày rồi". Thái hất mặt lên: "Ông ấy đâu có tài cán gì, lại bỏ đi biệt tăm thế. Ðếch tin. Nhất cự ly nhì cường độ. Thể nào nó cũng về tay tao". Trước vẻ mặt bán tín bán nghi của đứa bạn, Thái nói như dao chém đá: "Còn tao còn mày, chỉ cuối năm là tao cưới nó cho mà xem".
Thái lại thở dài. Anh không muốn nhớ lại chút gì cái mưu mô đã bày đặt để Tươi ngã vào lòng tay mình.
Ngày chú Trám trở về làng, anh bảo vợ làm cơm mời. Giữa mâm cỗ quê thịnh soạn, lạc lõng một bát canh rau tập tàng. Thái chưa kịp ngạc nhiên hỏi vợ thì thấy ông chú mình ngó sững bát canh rồi chớp chớp mắt liên tục mấy cái. Trong bữa ăn ông chú chỉ ăn qua loa lấy lệ mấy món ăn mà anh cầu kỳ tự tay làm. Duy món canh rau đạm bạc ấy hết già nửa bát.
Thái vùng đứng dậy. Vớ vẩn, trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này lại nghĩ đến cái chi tiết đến là vô nghĩa. Thốt nhiên anh nhận thấy cái đầm cá vốn là niềm hy vọng, là sự khao khát dồn nén của anh bỗng lùi xa, trong một giây phút nào đó trở nên vô nghĩa. Cực kỳ vô nghĩa. Anh bước thấp bước cao trở về và biết chắc chắn rằng đêm nay anh sẽ không thể chợp mắt dù là một phút. Phải ở bên chú ấy, nói về tất cả mọi điều, cặn kẽ.
3. Tôi là cháu dâu của người mới chết. Ngày tôi lấy chồng, mẹ tôi xót xa: "Rồi con phải gánh vác việc nhà chồng nặng đấy. Nhà nó ở quê, con là người thành phố, phải thật khéo léo nghe con". Chồng tôi ở nước ngoài. Việc đối nhân xử thế với nhà anh, tôi lo hết và được tiếng là con dâu hiền thảo. Nhưng tôi vẫn không sao hiểu hết những người nông dân, kể cả những người thân của chồng mình. Ðược tin cậu mất, tôi vội vàng gửi con cho bà ngoại phóng xe máy về. Trên đường, mấy lần tôi ứa nước mắt khi nghĩ đến con gái cậu đang bụng mang dạ chửa. Hôm qua tôi nhấc máy, nghe tiếng nó cuống quýt: "Bố em chết rồi phải không chị, chị đừng giấu em". Tôi khóc. Không phải là thương cậu mà thương nó thật lòng. Sáng mai nó mới ra đến đây, tội nghiệp, có mấy ngày mà không còn cha nữa.
Bước vào cổng, tôi chững người lại. Phía bếp, tiếng lợn bị chọc tiết kêu ằng ặc. Mấy bà chị họ gánh bát đĩa, rau đậu, đồ ăn... ra vào tấp nập. Không rõ nét đau khổ, chỉ có sự tất bật. Cậu ấy nằm trên giường giữa hai bịch chè khô to tướng, mặt đậy tấm giấy bản. Tôi bỗng thấy cảm giác xa lạ, cậu ấy không phải người nằm kia. Dường như trong một giây nào đó tôi tưởng tượng ra rằng cậu ấy lởn vởn đâu đó, và nhìn bọn người chúng tôi lăng xăng, đau khổ...
- Cháu ra giếng rửa mặt rồi vào ăn cơm. Tí nữa người làng đến hỏi thăm đông lắm. Tôi không khỏi sững sờ trước vẻ tỉnh táo của bà mợ. Ðôi mắt nâu ráo hoảnh, chỉ hơi trũng sâu và khô khốc. Bỗng dưng tôi không kìm được ý muốn nhìn sang bà chị dâu họ. Chị ấy lầm lũi làm trong bếp, hai mắt mờ đỏ. Ngoài câu chào lại tôi, dường như chị chưa hề mở miệng nói tiếng nào từ sáng.
Hơn chục mâm bê ra, người đơm, người xúc rào rào. Có tiếng ai đó pha trò. Tôi cố nuốt chút canh bí rồi đứng dậy ra vườn. Người chết vẫn nằm kia, người sống ăn uống, chuyện trò còn đùa được. Có vẻ bất nhẫn quá.
Mợ tôi xốc nách cô con gái. Nó rũ xuống, lả đi như tàu lá. Thằng em, nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt. Bà mợ nghiêm giọng: "Hai đứa nghe mẹ nói đây. Bố mất, người khổ nhất, thương nhất là mẹ. Nhưng mà phải nín tâm lại. Bố bỏ làng đi từ nhỏ, chẳng đóng góp cho làng nước được chút gì. Vậy mà bố ốm về làng, họ mạc dân làng đến thăm tấp nập. Rồi còn năm ông già thay mặt cả họ tộc mang quà đến. Bây giờ cả làng đến viếng. Tình nghĩa thế, chẳng biết đến bao giờ mẹ con mình báo đáp được. Phải tĩnh trí lại lo cho bố. Con còn ít tuổi nhưng là con trai, trụ cột cả nhà bây giờ. Nghe mẹ... còn có đêm nay nữa thôi".
Hai đứa đã thôi nức nở. Chúng cùng mẹ đứng dậy, sắp hàng một bên bàn thờ và đứa nào cũng nghiêm trang già dặn.
Bà bác nhìn tôi thông cảm: "Mẹ Tươi đưa em nó về bên nhà nghỉ đi. Chỉ cần thanh niên với mấy ông bà già đêm nay thức là đủ rồi?". Tôi nhìn thấy cạnh bà là anh Thái mặt lầm lì đến sợ khi nghe lời dặn của mẹ: "Chú ấy còn lẩn quất quanh đây, nếu có về thì cũng đừng ai sợ...". Chị Tươi khẽ tìm tay tôi kéo đi.
Tôi trằn trọc không sao ngủ nổi. Cuộc đời chẳng lẽ chỉ có thế thôi ư? Người ta sinh ra để làm gì? Cứ loay hoay với những câu hỏi chợt đến tôi càng thêm hoang mang. Có tiếng động nhẹ phía bên sập gụ, tôi ngoái lại, cậu Trám ngồi khoanh chân hút thuốc, mặt thanh thản lạ kỳ. Tôi chỉ kịp lắp bắp được một hai tiếng: "Cậu, cậu..." rồi ngồi bật dậy trong màn. Cậu cười hiền lành như những lần tôi gặp: "Chị em cô lơ đãng đến thế thì thôi. Cửa sau đã cài đâu mà đi ngủ". Tôi ngạc nhiên thấy không còn chút nào sợ sệt: "Thế cậu về để nhắn điều gì?". "Có gì mà phải nhắn. Ðường còn xa lắm. Con ngựa chở ta đã già yếu, nặng nề, gửi lại để cuộc hành trình nhẹ nhõm". Cậu đứng lên lững thững đi ra phía sau nhà. Chắc cậu ra vườn. Tôi gọi với theo...
Chị Tươi ôm choàng lấy tôi run lẩy bẩy. Tôi mở bừng mắt: "Mình mơ à?". Chị Tươi vẫn chưa hết run: "Tôi thấy chú ấy về. Chú ấy vạch màn nhìn vào mặt tôi đăm đăm, chẳng nói điều gì rồi quay lưng bỏ đi". Chị khóc òa lên, nức nở. Tôi vỗ về an ủi. Chị vẫn không sao bình tâm nổi. "Tôi có tội với chú ấy. Vì tôi mà chú ấy bỏ làng đi, lặn lội nơi rừng xanh núi đỏ... Thế mà ở nhà tôi đã làm gì. Mà với ai kia chứ? Trời ơi là trời". Chị hào hển nắm chặt tay tôi: "Ngày nghe tin chú ấy về, tôi chỉ muốn bỏ đi, đi hẳn, không bao giờ quay lại cái làng này nữa... Ðêm ấy, chồng tôi lại vào. Anh ta lột tôi ra và lại y như cái lần chưa cưới dụ tôi đến nhà... Tôi biết là tôi không thể bỏ đi đâu được, không thể xa anh ta... Ðàn bà đã trao thân cho ai thì phải gắn chặt đời mình với người ấy. Không còn đường nào khác!".
Lần ấy về, chú gặp riêng tôi: "Chuyện đã lỡ, tôi không hận, không trách gì Tươi. Thằng Thái nó cũng không đến nỗi nào. Tôi đã dành dụm sắm cho Tươi đôi vòng tàu, Tươi cứ giữ lấy, sau này có con gái cho nó làm vốn riêng..." Chị nói lập cà lập cập. Bàn tay cứ vặn xoắn vào nhau. Thả ra rồi lại nắm vào. Chị không có con gái, chỉ có ba thằng con trai lộc ngộc. "Tôi cắn răng giữ kín chuyện này trong dạ. Giờ tôi phải nói ra với ai đó... Cô bảo tôi phải làm gì bây giờ?". Tôi khêu ngọn đèn cháy sáng lên, đưa cho chị cốc nước. Chị uống ừng ực như người sắp chết khát, hai mắt sáng ngốt, vẫn chưa hết ánh dài dại, hoang dã. Tôi bước về phía sau và giật mình. Cánh cửa mở ra vườn chưa cài chốt!
Sáng hôm sau đưa cậu ra đồng. Trời bất chợt nổi dông. Mây vần vũ đầy trời. Ai đó nói chôn người chết xong mà mưa là điềm may mắn. Tôi nhận ra chị Tươi mới đeo đôi vòng tàu. Tiếng khóc của chị nức nức đầy tủi cực. Giống y như đứa trẻ bị hắt hủi. Mấy bà bác khóc lóc kể lể ai oán quá. Mợ không sao khóc nổi chỉ nấc khan. Tôi đi sau quan tài như người mộng du.
Tiếng đất rơi lộp bộp trên nắp ván. Mợ đổ vật ngất xỉu. Bên kia chị Tươi cũng gục xuống. Tôi ngửa mặt lên nhìn trời tìm một sự bấu víu mơ hồ. Nền trời tuyền một màu ghi sẫm.
Truyện ngắn của THÙY DƯƠNG