Tình trạng thiếu nhân lực ở Ukraine đang gây ảnh hưởng không chỉ trên mặt trận mà còn cả trong lĩnh vực kinh tế.
Theo Bloomberg, sự tiêu hao nhân lực đã làm suy yếu quân đội Ukraine trong ngăn chặn những cuộc tấn công dữ dội của Nga trên chiến trường, đồng thời đang làm suy giảm năng suất của các nhà máy, công trường xây dựng, hầm mỏ và rộng lớn hơn là nền kinh tế của quốc gia bị xung đột tàn phá này.
Vấn đề lao động đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Luật huy động có hiệu lực vào tháng trước nhằm mục đích bổ sung hàng trăm nghìn binh sĩ cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, việc thiếu lao động trẻ, khỏe đang tạo ra gánh nặng đối với các doanh nghiệp lớn và nhỏ vốn tạo nên "xương sống" của nền kinh tế Ukraine thời chiến.
Đó là một câu hỏi hóc búa đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đang muốn bổ sung lực lượng cho tiền tuyến trong khi vẫn phải đảm bảo rằng điều này không gây thiệt hại cho nền kinh tế mà Kiev cần để duy trì cuộc chiến.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine Sergiy Nikolaychuk cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Kiev: “Chúng tội hiện đang trong một cuộc chiến tiêu hao. Thật khó để lựa chọn giữa bơ và súng".
Vấn đề sẽ càng trở nên trầm trọng hơn khi cuộc xung đột với Nga kéo dài và Ukraine buộc phải lấp đầy khoảng trống mà hàng triệu người đã rời khỏi đất nước, gia nhập quân đội hoặc tử trận để lại. Khi quân đội Ukraine nỗ lực chống chọi với các cuộc tấn công mới của Nga, nền kinh tế Ukraine - vốn đã mất 1/4 sản lượng kể từ khi cuộc xung đột nổ ra - có nguy cơ bị suy yếu hơn nữa do lực lượng lao động bị thu hẹp.
Ông Nikolaychuk cho biết sản lượng kinh tế sụt giảm so với năm 2021 có liên quan đến sự sụt giảm khoảng 27% lực lượng lao động so với mức trước xung đột. Đó là một thách thức chính sách không thể giải quyết được dù có sự viện trợ từ các đồng minh phương Tây, những nước đang huy động đạn dược và hệ thống phòng không cho Ukraine. Trong khi đó, nhân lực lại một vấn đề mang lại lợi thế cho Nga cùng nguồn tài nguyên khổng lồ của nước này.
Đơn vị sản xuất thép và khai thác mỏ Metinvest BV của Ukraine, sử dụng gần 60.000 lao động và đang tìm cách lấp đầy 4.000 chỗ trống, đã phải vật lộn để tìm công nhân vận hành lò luyện thép lộ thiên tại một nhà máy ở thành phố Zaporizhzhia.
Tetiana Petruk, Giám đốc phát triển bền vững của Metinvest, cho biết việc tìm kiếm khoảng 90 công nhân đã trở thành một cuộc tuyển dụng căng thẳng và mệt mỏi kéo dài ba tháng, nhiều thời gian hơn so với chỉ một tháng trong thời bình. Bà Petruk nói: “Không phải nguồn nguyên liệu thô, không phải thiết bị hay máy móc - câu hỏi ưu tiên là ai sẽ làm việc và liệu chúng tôi có thể giao hàng hay không”.
Quá trình tuyển dụng cũng trở nên rườm rà vì nhân viên nam không muốn làm ở các công ty lớn mà các nhà tuyển dụng quân sự nhắm tới. Bà Petruk nói: “Các sĩ quan tuyển quân điểm đã dán thông báo nhập ngũ ở các cổng vào - ngay cả cho những người xin việc của chúng tôi”. Bà Petruk cho biết khoảng 15% công nhân của Metinvest đã phải nhập ngũ.
Theo một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Tư vấn Chính sách có trụ sở tại Kiev thực hiện vào đầu năm nay, vấn đề này đứng thứ 2 sau chi phí gia tăng ở các công ty Ukraine. Khoảng một nửa số công ty được khảo sát cho biết họ đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động.
Hậu quả của tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động là tiền lương công nhân tăng vọt khi người sử dụng lao động muốn giữ chân những người lao động ở lại. Mặc dù lạm phát đã giảm gần 3% so với mức 27% vào thời kỳ đỉnh cao sau cuộc xung đột, Ngân hàng trung ương Ukraine đã trích dẫn hiện tượng này trong một báo cáo lạm phát, dự đoán rằng tiền lương được điều chỉnh sẽ vượt qua mức trước xung đột vào năm tới.
Volodymyr Landa, nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm Chiến lược Kinh tế có trụ sở tại Kiev, cho biết chính phủ phải theo dõi nhu cầu kinh doanh ngay cả khi tăng cường tiềm lực quân sự. Chuyên gia Landa nêu rõ: “Lý do rất đơn giản: Ukraine không có đủ ngân sách để tăng đáng kể sức mạnh quân sự của mình”.
Về phần mình, bà Petruk tại Metinvest cảnh báo sự thiếu hụt có thể gây ra hiệu ứng domino, với cơ sở thuế bị xói mòn và cuối cùng sẽ gây tổn hại cho các mục tiêu quân sự. Các doanh nghiệp có thể bị buộc phải cắt giảm sản xuất.
“Nếu việc nhập ngũ tiếp tục với tốc độ này, chúng tôi sẽ buộc phải dừng một số quy trình hoặc khu vực sản xuất vì sẽ không có đủ công nhân”, bà Petruk kết luận.