Kinh tế

Nền kinh tế đang thừa tiền, nhưng doanh nghiệp "đói vốn" và đang kiệt sức

Theo Tuổi trẻ 19/09/2023 16:18

Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là vốn. Nhiều doanh nghiệp "đói vốn" nhưng lâm vào tình thế "không thể, không dám và không cần" vay vốn.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nhiều doanh nghiệp 'đói vốn' nhưng lâm vào tình thế ‘không thể, không dám và không cần’ vay vốn - Ảnh: CTV

Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nhiều doanh nghiệp "đói vốn" nhưng lâm vào tình thế ‘không thể, không dám và không cần’ vay vốn

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 do Quốc hội tổ chức ngày 19-9, đại biểu đến từ các bộ ngành, chuyên gia đã tham gia thảo luận tại hội thảo có chủ đề "Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó".

Sức lực của nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt

Để khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp, phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng cần có giải pháp khác thường vì nền kinh tế đang trong bối cảnh không bình thường.

Bởi đặc điểm năm 2022 có sự khác biệt, không bình thường so với nguyên lý phát triển. Đó là tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp. Đặc biệt, sang năm 2023, nền kinh tế đang tồn tại thực tế thừa tiền nhưng doanh nghiệp "đói vốn".

"Doanh nghiệp không hấp thụ được vốn. Nhiều doanh nghiệp 'đói vốn' nhưng lâm vào tình thế không thể, không dám và không cần vay vốn" - ông Thiên nói.

Nêu khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, ông Thiên bày tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh phải chịu mức lãi suất cho vay 13-15%/năm suốt mấy chục năm với thời gian vay ngắn. Do đó, sau 3-4 năm qua bị tác động của dịch COVID-19, đến nay sức lực của nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt.

Doanh nghiệp mong hạ lãi suất cho vay

Giải pháp tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký kiêm trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đề xuất giải quyết vấn đề vốn.

Theo kết quả khảo sát của VCCI về những vấn đề mà doanh nghiệp gặp khó khăn nhất, một nửa doanh nghiệp tham gia trả lời là khó khăn về tiếp cận tín dụng. Nên doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô phát triển thì vốn là vấn đề cần giải quyết hàng đầu.

Dưới góc độ doanh nghiệp, tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên mong mỏi có những giải pháp cơ chế, chính sách đột phá giúp doanh nghiệp vượt khó. Thực tế năm 2023, tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm, doanh nghiệp trong nước rơi vào thế bị động khi bị hủy đơn hàng hàng loạt, doanh số sụt giảm…

Cụ thể, bà Lê Hồng Thủy Tiên đề xuất được hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn và hạ lãi suất cho vay.

"Vẫn có nhiều doanh nghiệp kêu lãi suất cho vay còn cao dù lãi suất điều hành đã giảm bốn lần. Bên cạnh đó, chính sách thuế, hỗ trợ lãi vay cần có giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp và có cơ quan độc lập đánh giá chính sách này để điều chỉnh cho đạt hiệu quả hơn" - bà Tiên đề xuất.

Liên quan đến nội dung trên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết từ đầu năm đến nay đã bốn lần giảm lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có giá vốn rẻ có thể cho vay lãi suất thấp.

Đối với nâng cao khả năng tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực có các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ khách vay.

Riêng với điều hành lãi suất, ông Tú thông tin, theo đánh giá của các tổ chức trong nước và quốc tế, dư địa chính sách tiền tệ ít, do đó thời gian tới tiếp tục giảm lãi suất điều hành xuống bao nhiêu phải tính kỹ lưỡng.

"Bởi lẽ chính sách lãi suất có quan hệ biện chứng tới tỉ giá, nếu lãi suất thấp tỉ giá khả năng bùng lên. Do đó, cần phải tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỉ giá và điều hành chặt chẽ, hợp lý" - ông Tú nhấn mạnh.

Theo Tuổi trẻ
(0) Bình luận
Nền kinh tế đang thừa tiền, nhưng doanh nghiệp "đói vốn" và đang kiệt sức