Thời gian qua, mặc dù các ngành, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều có dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trước mắt.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương)
Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, tôi nhất trí cao với mục tiêu kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nguồn lực đầu tư phát triển với định hướng ưu tiên vào các ngành sản xuất và nông nghiệp để hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý và mục tiêu việc làm. Điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường, kể cả thị trường bất động sản; quan tâm nhiều hơn đến phát triển thị trường trong nước; tạo chuyển biến rõ nét tình trạng hàng hóa tồn kho và nợ xấu.
Về điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và giai đoạn 2013 - 2015, tôi đề nghị vẫn phải quan tâm giải quyết cho được mối quan hệ: một mặt phải sớm chấm dứt can thiệp thị trường bằng các công cụ hành chính để tránh méo mó về các chính sách và phân bổ nguồn lực. Mặt khác, những khó khăn kinh tế vĩ mô khiến áp lực lạm phát tăng cao luôn tiềm ẩn và mỗi quyết định điều chỉnh chính sách trong quá trình điều hành nếu không hợp lý về thời điểm và liều lượng sẽ gây nên những tác động đến kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường, tác động xấu đến an sinh xã hội.
Đã tới lúc chúng ta phải tăng cường cho đầu tư phát triển để thúc đẩy nền kinh tế, với các liều thuốc như: tăng bội chi ngân sách 4,9- 5,3 %, tăng trần nợ công lên 65% GDP, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ. Nhưng quan trọng là những liều thuốc kích thích này phải tiêm đúng chỗ, đúng đối tượng, đúng lúc và đặc biệt là phải hiệu quả trong thúc đẩy giá trị gia tăng của sản xuất. Song song là phải chống tham nhũng, lãng phí. Chính phủ cần có thuyết trình rõ ràng có căn cứ thuyết phục hơn về việc sử dụng những liều thuốc này.
Tôi đề xuất một số giải pháp sau:
1. Cần tăng cường đầu tư cho phát triển. Tôi đồng tình với đề xuất của Chính phủ, tăng bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, nhưng chỉ tập trung chi cho trả nợ và đầu tư phát triển. Đầu tư phát triển cần ưu tiên cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, xây dựng, công nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
2. Nền kinh tế của chúng ta đang tăng trưởng dưới tiềm năng. Để phát huy các tiềm năng, nhất là tiềm năng về nguồn nhân lực giá rẻ nhưng được đào tạo văn hóa và nghề nghiệp khá tốt, tiềm năng về địa kinh tế cùng với tình hinh chính trị - xã hội ổn định để cải thiện và tạo môi trường thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn nữa. Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút đầu tư nước ngoài như là một giải pháp quan trọng hàng đầu để tăng trưởng kinh tế. Thực tế thời gian qua cho thấy, trong khi các doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn, nhìn chung các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp từ các quốc gia phát triển vẫn ổn định và tăng trưởng tốt. Chúng ta cần đón bắt thời cơ thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước, nhất là các nước phát triển.
3. Tiếp tục rà soát các nhiệm vụ chi, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy mạnh việc thực hiện trên thực tế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong tiêu dùng, chi tiêu ngân sách nhà nước. Xây dựng lộ trình xử lý một số khoản nợ tồn tại từ nhiều năm nay như nợ Quỹ hoàn thuế, nợ khối lượng xây dựng cơ bản.
4. Tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, thay đổi tư duy sản xuất từ số lượng sang chất lượng, đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng cường ứng dụng, nhân rộng các mô hình quản lý, sản xuất trong nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Có cơ chế, chính sách cho chuyển đổi từ trồng lúa năng suất, giá trị thấp sang trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn, hỗ trợ người nông dân chuyển đổi sản xuất để khắc phục tình trạng bỏ đất hoang hóa.
5. Sửa đổi hệ thống chính sách khuyến khích thực sự thu hút, sử dụng nhân tài, lao động chất lượng cao. Cụ thể hóa các giải pháp để thực hiện mục tiêu lao động đã qua đào tạo, đào tạo nghề và nâng cao chất lượng đáp ứng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó quan tâm hơn nữa, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục và đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số. Tăng cường giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện các chỉ tiêu tạo việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ giảm hộ nghèo, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo; quản lý nhà nước về lĩnh vực dạy nghề, đặc biệt việc thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn.