Gần đây câu chuyện nghệ sĩ hài Xuân Hinh ăn mặc không phù hợp biểu diễn tại một sự kiện ở chùa Sùng Minh, thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Hình ảnh nghệ sĩ hài Xuân Hinh ăn mặc không phù hợp biểu diễn tại một sự kiện ở chùa Sùng Minh
Thạc sĩ Ngô Ánh Hồng, nguyên giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết bà đã xem clip trên mạng xã hội và thông tin trên báo chí. Bà cho rằng:
Thứ nhất, khu vực biểu diễn của Xuân Hinh là tại một nơi thờ tự có từ lâu đời. Tại các chùa chiền hầu hết có biển báo nhắc nhở du khách có trang phục lịch sự khi tham quan, vãn cảnh, trong khi nghệ sĩ mặc trang phục hở vai, hở đùi để biểu diễn là chưa phù hợp.
Thứ hai, Xuân Hinh là một nghệ sĩ nổi tiếng, nhận được sự yêu thích của nhiều khán giả. Nếu là một người hoạt động nghệ thuật không nổi tiếng, thì hành động nói trên sẽ sớm bị chìm đi, thậm chí không được ai nhắc tới.
"Vì thế nghệ sĩ Xuân Hinh cần coi đó là một bài học để giữ gìn danh tiếng, hình ảnh của mình. Anh diễn ở một lễ hội hóa trang, lễ hội đường phố hay các sự kiện tương tự thì trang phục đó không sao, nhưng ở sân đình, sân chùa - nơi linh thiêng, trang nghiêm thì phải xem lại", bà Hồng nói.
Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, bà Hồng cho biết thêm, qua báo chí thấy lãnh đạo huyện nói "phần diễn đó không có trong kịch bản mà do nghệ sĩ phiêu nên diễn thêm" thì cũng chưa thỏa đáng. "Anh phải kiểm soát ngay từ đầu, thậm chí trao đổi với các nghệ sĩ chỉ được biểu diễn những gì để tránh những ồn ào không đáng có. Nếu nghệ sĩ biểu diễn những tiết mục chưa được cấp phép, cấm kỵ thì sao?", bà Hồng đặt câu hỏi.
Bà Ngô Ánh Hồng cũng cho rằng, câu chuyện không đáng này nên khép lại. Cả nghệ sĩ và chính quyền địa phương cần không để xảy ra những ồn ào ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến nghi lễ tại một ngôi chùa.
Được biết, tại lễ cắt băng khánh thành tổ đường chùa Sùng Minh có sự xuất hiện của nghệ sĩ hài Xuân Hinh. Ông đã mặc trang phục nữ giới và giả gái để gây cười. Clip sau đó đã xuất hiện trên mạng xã hội.
Sùng Minh là ngôi chùa có từ lâu đời. Thời Hậu Lê, năm 1608, bà Nguyễn Thị Ngọc Chén (1589-1626) là người xã Bình Lãng (Tứ Kỳ), quê ngoại ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo đã góp tiền xây dựng và mở rộng.
PV