Nên kết thúc sứ mạng lịch sử của kỳ thi THPT quốc gia?

12/04/2020 06:49

Dịch COVID-19 chưa biết khi nào mới chấm dứt, học trực tuyến đang nảy sinh nhiều bất cập... khiến giới chuyên gia cho rằng kỳ thi THPT quốc gia nên chính thức chấm dứt nhiệm vụ lịch sử từ năm nay.

Có ý kiến cho rằng, không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia tốn kém trong bối cảnh hiện nay. Ảnh minh họa

Tốn kém, không cần thiết

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được tính toán mức chi phí trên 35 tỷ đồng, bao gồm từ việc tập huấn nghiệp vụ thi, ra đề, chi phí địa điểm làm việc, ăn ở, thuê hạ tầng, vận hành, nâng cấp phần mềm quản lý thi, vận chuyển đề, chấm thi, kiểm tra thi. Chỉ tính riêng kinh phí Bộ GDĐT chi ra để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, qua các năm có sự khác nhau, có năm 40-50 tỷ đồng nhưng cũng có năm hơn mức này.

Đó là tiền từ Bộ GDĐT, còn việc tổ chức thi tại các tỉnh, thành do các địa phương chi trả từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, chưa tính chi phí từ phía gia đình mỗi thí sinh để cho con đi thi. Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học (ĐH) FPT, nếu tính tổng chi phí xã hội thì giả sử mỗi thí sinh 1 triệu đồng, khi đó 1 triệu thí sinh dự thi thì số tiền cần chi là 1.000 tỷ đồng cho kỳ thi này.

Trong khi đó, thống kê của Bộ GDĐT cũng cho thấy, tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm rất cao, ngay cả năm 2019 khi thay đổi cách thức xét, tỷ lệ này cũng chỉ giảm nhẹ từ trên 97% xuống còn trên 94%. Như vậy, dù không có kỳ thi này, hầu hết học sinh vẫn tốt nghiệp.

Còn về tuyển sinh, hiện nay hầu hết các trường ĐH đều cho biết nếu kỳ thi THPT quốc gia năm nay không được tổ chức, vẫn còn nhiều phương thức khác để tuyển sinh. Riêng với ngành sư phạm, ngành y, chắc chắn Bộ GDĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể quy định ngưỡng đầu vào nên cũng không ảnh hưởng.

Không thi có được không?

Theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GDĐT không nhất thiết phải cố gắng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay; nên đề xuất đưa việc xét tốt nghiệp về địa phương, đồng thời để các trường ĐH tự chủ tuyển sinh. Bộ chỉ có nhiệm vụ đưa ra những chỉ dẫn kiến thức cơ bản và tối thiểu để các trường tự tổ chức kiểm tra, đánh giá. Tâm lý chung của phụ huynh năm nay cũng sẵn sàng thích nghi với hoàn cảnh này để đảm bảo sức khỏe của con em họ.

GS Phạm Tất Dong cho rằng nếu Bộ GDĐT kiên quyết tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm học này sẽ dẫn đến một số hạn chế và bất cập. Trong đó, năm nay, không thể đòi hỏi cao về tri thức cũng như chất lượng giáo dục. Học trực tuyến được triển khai nhưng quy mô không đồng đều, không thể bảo đảm chất lượng như mọi năm; dịch bệnh COVID-19 kéo dài như hiện nay không biết khi nào mới được khống chế hoàn toàn. Nếu tổ chức thi như mọi năm là không nên, vì có thể nguy hiểm tới sức khoẻ, tính mạng của nhiều học sinh và phụ huynh... gây thêm sức ép lên các cơ quan quản lý khác.

Không những thế, theo GS Phạm Tất Dong, bản thân kỳ thi THPT quốc gia cũng đang tồn tại một số hạn chế.  Ví dụ như đề thi phân hóa theo cấu trúc 70% kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp, 30% kiến thức phân hóa để xét tuyển ĐH. Nhưng vấn đề ở chỗ, các trường ĐH không cần 30% kiến thức phân hóa đó để tuyển sinh. “Tại sao bộ lại tự đưa ra tiêu chuẩn rồi tự lựa chọn sinh viên thay cho các trường?”, GS Phạm Tất Dong băn khoăn.

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy online tại Hà Nội cho biết, kỳ thi THPT quốc gia được tiến hành từ năm 2015, mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên các năm qua, kỳ thi này luôn thực hiện song song hai nhiệm vụ. Trong đó, hầu hết các trường ĐH lấy kết quả thi làm căn cứ xét tuyển sinh. Hai mục tiêu này không quá cách biệt ở những năm trước và có thể phân hóa trên cùng đề thi.

Nhưng năm nay thì khác. Từ 2 tháng nay, học sinh không đến trường. Bộ GDĐT đã có hướng dẫn về đào tạo từ xa như dạy học trên truyền hình, dạy học trực tuyến. Nhưng  ở các vùng khó khăn, hình thức dạy học này đang có nhiều trở ngại. Do vậy, theo thầy Ngọc, có sự phân hóa học sinh rất khác nhau. “Với học sinh muốn đỗ các trường ĐH top đầu thì vẫn duy trì được nề nếp học tập. Còn những học sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp, học nghề thì khó giữ được thái độ học tập nghiêm túc”, thầy Ngọc nhận định.

Chính vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào một bài thi từng môn để phân loại đối tượng học sinh như năm nay sẽ rất  khó. Hơn nữa, thầy Ngọc cho rằng, nhìn vào cấu trúc đề tham khảo vừa được Bộ GDĐT đưa ra, 70% câu hỏi  nằm trong phạm vi kiến thức nhận biết, thông hiểu nên có thể thấy, đề thi này, ưu tiên mục tiêu xét tốt nghiệp; không gian phân hóa để xét tuyển ĐH chỉ 30%. Việc dồn nén trong không gian hẹp như vậy rất khó đánh giá năng lực của học sinh.

Các trường ĐH  gặp trở ngại khi tuyển được thí sinh như mong muốn. Thầy Vũ Khắc Ngọc cho hay, không tổ chức thi THPT quốc gia là phương án dự phòng mà Bộ GDĐT cần tính tới trong bối cảnh hiện nay. Với tuyển sinh  ĐH, theo thầy Ngọc, trong bất cứ kịch bản nào, ưu tiên quan trọng nhất Bộ GDĐT cần lưu ý là bảo đảm thuận lợi, an toàn, tiết kiệm, công bằng cho thí sinh.

Theo Tiền phong

(0) Bình luận
Nên kết thúc sứ mạng lịch sử của kỳ thi THPT quốc gia?