Nên học sử ta

01/02/2013 17:03

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm thấy được tầm quan trọng của việc giáo dục lịch sử dân tộc cho thế hệ sau.


Trong bài “Nên học sử ta” đăng trên báo Việt Nam Độc lập số 117 ngày 1-2-1942, Người khẳng định: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Người căn dặn: Đời Trần, quân Nguyên đánh đâu được đấy, thế mà ba lần bị ông Trần Hưng Đạo đánh tan. Bình dân như ông Lê Lợi và ông Nguyễn Huệ đã đánh đuổi quân Tàu làm cho nước ta độc lập. Người già như ông Lý Thường Kiệt hơn 70 tuổi mà vẫn đánh đông dẹp bắc, bao nhiêu lần đuổi giặc cứu dân. Thiếu niên như Đổng Thiên Vương chưa đến 10 tuổi mà đã ra tay cứu nước, cứu nòi… Phụ nữ thì có Bà Trưng, Bà Triệu ra tay khôi phục giang san. Những vị anh hùng ấy vì nước, vì dân mà làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa. Nhờ những vị dân tộc anh hùng ấy mà nước ta được tự do, độc lập, lừng lẫy ở Á Đông.

Người khẳng định, sử ta dạy cho ta bài học này: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây - Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do”.

Hiện nay, thực trạng việc dạy và học môn lịch sử ở nước ta đã đến hồi báo động. Việc học sinh không biết người được lấy tên đặt cho trường mình học là ai, người dân không biết người được lấy tên đặt cho phố mình đang sống có công trạng gì trong lịch sử, đến thực trạng những điểm “0” của các thí sinh môn sử trong kỳ thi đại học những năm qua là sự thực đáng buồn.

Do vậy, muốn trẻ yêu lịch sử, muốn “Dân ta phải biết sử ta” như mong muốn của Bác Hồ, phải có cái nhìn khoa học về sự thiếu và yếu của chúng ta trong dạy và học tập tại nhà trường và sự bàng quan của một bộ phận xã hội đối với lịch sử đất nước. Nhìn vào đó để kiên quyết khắc phục thiếu sót, để biến lịch sử - niềm tự hào về cội nguồn dân tộc trở thành động lực thúc đẩy đất nước ngày càng phát triển.
Những lời dạy của Bác Hồ về giáo dục lịch sử từ năm 1942 đến nay vẫn hàm chứa một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, góp phần làm thức dậy trong mỗi chúng ta lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, từ đó hun đúc ý chí, bản lĩnh rèn luyện, phấn đấu vươn lên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàng Yến (biên soạn)

(0) Bình luận
Nên học sử ta