Số lượng người nghiện tham gia Đề án điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone nhiều, nhưng đề án nhiều khả năng không còn nguồn tài trợ.
Tư vấn nhóm cho bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone tại TP Hải Dương
Sau hơn 2 năm triển khai đề án điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, toàn tỉnh đã thành lập được 4 cơ sở điều trị tại TP Hải Dương, thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn và Kim Thành. Chỉ tiêu có hạn (250 bệnh nhân/cơ sở), nhưng nhu cầu được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone trong thực tế lớn hơn rất nhiều.
Tăng cơ hội tiếp cận điều trị
Toàn tỉnh hiện có 822 bệnh nhân đang điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone tại 4 cơ sở (TP Hải Dương 268 người, Chí Linh 184 người, Kinh Môn 234 người và Kim Thành 136 người). Trong khi đó, lũy tích số hồ sơ xin xét duyệt tại 3 cơ sở (trừ Kim Thành do mới triển khai khoảng 1 năm nay) đều đạt và vượt chỉ tiêu (250 bệnh nhân). Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, sau khi đề án được triển khai, số người nghiện ma túy chưa được quản lý tự làm lộ mình để tham gia chương trình tăng lên. Năm 2011, số người nghiện ma túy được quản lý là hơn 1.000, đến năm 2012 đã tăng lên gần 2.500 người. Do quy định xét duyệt nghiêm ngặt nên còn nhiều người nghiện ma túy chưa được tham gia chương trình.
Đề án điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone do dự án Life Gap (tài trợ các cơ sở tại TP Hải Dương, thị xã Chí Linh, Kinh Môn) và Quỹ toàn cầu (tài trợ cho cơ sở tại huyện Kim Thành) tài trợ hoàn toàn chi phí. Dự kiến, dự án Life Gap tài trợ đến năm 2017, Quỹ toàn cầu tài trợ đến năm 2018. Các dự án sẽ cắt giảm chi phí hằng năm. Trước mắt năm 2013, các cơ sở sẽ bị cắt giảm 30% chi phí hoạt động. Nếu không có kinh phí đối ứng, các cơ sở sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Một câu hỏi đang đặt ra là khi dự án kết thúc, hoạt động của cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone và số phận bệnh nhân sẽ đi về đâu?
Theo giới chuyên môn, việc uống methadone phải duy trì càng lâu càng tốt, thậm chí bệnh nhân phải uống suốt đời. Nếu các cơ sở này phải giải thể thì khả năng bệnh nhân tái nghiện là rất lớn. Vì vậy, để bảo đảm tính bền vững của chương trình thì tỉnh ta cần hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho các cơ sở hoặc sẽ dần chuyển hoạt động này sang xã hội hóa. Nếu xã hội hóa thì sẽ mang lại tính bền vững của chương trình, đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng yên tâm công tác hơn. Các cơ sở sẽ không phải chịu áp lực về chỉ tiêu, người nghiện các chất dạng thuốc phiện sẽ tăng cơ hội được tiếp cận điều trị. Hơn nữa, Nghị định 96 của Chính phủ ban hành ngày 15-11 vừa qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Theo Nghị định 96, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh sẽ rà soát các huyện, huyện nào có trên 250 người nghiện ma túy có thể mở cơ sở điều trị. Các cơ sở điều trị có quyền khám, trực tiếp xét duyệt bệnh nhân. Như vậy, cơ hội tiếp cận của bệnh nhân càng cao hơn. Ông Nguyễn Văn Hải cũng khẳng định: "Xã hội hóa không hẳn là thả cửa để bệnh nhân điều trị ồ ạt mà phải có quy chế nghiêm ngặt nhằm bảo đảm hiệu quả điều trị".
Bệnh nhân sẵn sàng trả chi phíBác sĩ Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trưởng cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện TP Hải Dương (trụ sở tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh) cho biết: "Cơ sở đã khảo sát các bệnh nhân tại bệnh viện về vấn đề xã hội hóa. Hầu hết bệnh nhân đều đồng lòng sẵn sàng trả chi phí để được tiếp tục điều trị. Qua khảo sát mô hình xã hội hóa tại Hải Phòng, mỗi bệnh nhân sẽ phải đóng 16 nghìn đồng/ngày. Nhiều bệnh nhân sẵn sàng trả chi phí. Theo họ, số tiền đó không đáng kể gì so với mỗi ngày họ "đốt" vào ma túy từ vài trăm nghìn đến 1- 2 triệu đồng. Hơn nữa, chỉ cần sau 6 tháng điều trị, khoảng 55% bệnh nhân có thể tìm được việc làm, có thu nhập ổn định".
Điển hình như trường hợp của anh Hoàng Văn D. (40 tuổi) ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) đang điều trị tại cơ sở TP Hải Dương hơn 1 năm nay. Anh D. cho biết: "Dứt được ma túy, tôi như được sống lại. Nếu xã hội hóa hoạt động này, tôi và các anh em khác sẵn sàng đi làm kiếm tiền để được điều trị tiếp. Gia đình chúng tôi cũng ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi "theo" đến cùng". Anh D. là bệnh nhân nghiện ma túy nặng, có ngày anh "chơi" ma túy hết 1 triệu đồng. Anh đã từng đi cai nghiện 2 lần trong khoảng thời gian 4 năm nhưng vẫn tái nghiện. Từ ngày tham gia điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, cuộc sống của anh đã có nhiều thay đổi. Do tuân thủ điều trị tốt, anh đã từ bỏ được ma túy, sức khỏe dần hồi phục, tăng cân từ 50 kg lên 61 kg. Hiện tại, anh tích cực phụ giúp vợ con buôn bán và trông cháu nhỏ. Cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc, anh không còn bị hàng xóm, láng giềng xa lánh.
Những bệnh nhân như anh D. hiện không mất tiền uống methadone và một số xét nghiệm ban đầu như HIV, viêm gan B, C... Xã hội hóa không chỉ giảm bớt khó khăn cho các cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone mà còn tăng cơ hội tiếp cận của những người nghiện ma túy, giúp họ hòa nhập cùng cộng đồng. Để đạt được điều đó, cần có sự tham gia phối hợp giữa các ngành y tế, lao động, thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội để chương trình có thể duy trì bền vững.
MINH HẠNH