Hội An nên giữ nguyên sự yên lành vốn có, phố cổ phải rêu phong hay cần làm mới mình, (không làm mới di sản) để đón khách đến chơi. Theo bạn, Hội An nên làm gì?
Hội An được cho là sặc sỡ sắc màu khi khinh khí cầu đưa vào bên phố cổ
Phố cổ Hội An (Quảng Nam) được báo chí mô tả là đông nghịt người trong dịp khai mạc "Năm du lịch quốc gia 2022". Quảng trường sông Hoài, phố đêm Nguyễn Hoàng, Bạch Đằng, Chùa Cầu… hàng ngàn du khách chen chân nhau về đêm. Phải nói là lâu, rất lâu từ trước đại dịch, người Hội An mới được hít thở không khí vui nhộn của phố từng có.
Để có được những bước chân chen nhau ở Hội An "đông nghịt" lúc này, có thể khẳng định rằng đó là một nỗ lực to lớn không phải riêng Hội An hay Quảng Nam mà là một quá trình kỳ công của Chính phủ trong công cuộc chống dịch.
Nỗ lực của chính quyền Quảng Nam qua chương trình du lịch "Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh" tại đêm khai mạc cũng cho thấy khát vọng tìm lại chính mình trong thu hút du khách. Có thể nói Quảng Nam luôn biết rõ thế mạnh của mình và họ chưa bao giờ để các di sản thế giới như Hội An, Mỹ Sơn ngủ yên.
Tuy nhiên, sau sự kiện khai mạc "Năm du lịch quốc gia 2022", nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức lễ hội khinh khí cầu bên bờ sông Hoài là chưa phù hợp. Dòng sông di sản này phải hiền hòa và phố cổ thì phải rêu phong êm đềm mới là nét đẹp, nét văn hóa chính của người Hội An. Đã là Hội An thì phải cổ kính và nguyên sơ như vậy, không tô vẽ gì thêm, không lòe loẹt gì thêm. Mà sự sặc sỡ quá đáng của các khinh khí cầu làm nhiều người yêu Hội An khó chịu.
Chưa hết, hàng loạt ánh đèn màu xanh đỏ pha lên chùa Cầu để tạo hiệu ứng ánh sáng làm cho phố cổ bỗng lạ thường khiến nhiều người phản ứng.
Lễ hội khinh khi cầu ở Hội An
Hội An có bị tác động bởi chính sự lòe loẹt này không? Du khách có cảm nhận được sự vui tươi khi đến đây hay không? Hội An có gì mới hay chỉ là ngắm mái ngói cũ để rồi một đi không trở lại? Hội An còn đó hay mất đi?
Cái mới nào cũng vấp phải sự tranh cãi, phản biện, nhưng làm mới chính mình để đón khách bằng các sản phẩm du lịch nhẹ nhàng thì nên khuyến khích. Cũng nên ghi nhận sự nỗ lực của Quảng Nam và Hội An trong việc "dọn dẹp nhà cửa" để đón khách tới thăm sau hơn 2 năm dịch bệnh.
Sự ấm lên của du lịch bằng các sản phẩm mới, người bán hàng rong, bà bán tò he hôm nay vui vì có khách mua. Bà bán bánh mì bán được nhiều hơn.
Nếu cứ đứng yên là thụt lại. Hội An không thể nương nhờ mãi vào quá khứ. Yêu Hội An nên tìm các sản phẩm mới để Hội An làm mới mình (chứ không làm mới di tích) để đón khách đến chơi.
Theo Tuổi trẻ